Làng mổ chó

Làng mổ chó
TP - Hàng chục lồng đựng chó xếp chồng lên nhau, tiếng sủa inh ỏi và những chiếc xe tải gầm rú lùi lại để mấy thanh niên choai choai bốc lô hàng gồm hàng trăm con chó từ Hà Tĩnh về. Đó là ấn tượng đầu tiên khi chúng tôi về làng Cao Xá (Đức Giang, Hoài Đức, Hà Tây).

“Chú đặt bao nhiêu con, ưng con nào thì cứ chọn thoải mái. Hàng xịn từ miền núi Hà Tĩnh vừa về hôm qua đó” - Vừa nói, ông T  vừa lấy chiếc cùi sắt thúc mấy con chó dậy cho khách xem.

Ngước đầu lên chiếc lồng sắt, chúng tôi thấy một tờ giấy ghi chi chít ngày 30/7 cao điểm nhất 104 con, rồi xuống 80, 75... và chốt lại là con số 30.

Giải thích thắc mắc của chúng tôi, ông T nói: “nếu các chú không tin thì cứ nhìn các nhà hàng và số điện thoại trên mà hỏi”.

Chưa kịp dứt lời thì chiếc điện thoại bên hông ông T reo vang: “Alô! 50 con sáng mai bốn giờ lấy. Ok, yên tâm đi hàng xịn cả”. “Đấy làm ăn quen với nhau rồi nên giờ có việc gì họ cứ việc alô là xong” - Ông T giải thích.

Chúng tôi tỏ vẻ không ưng hàng thì ông T khẳng khái: “Nếu không ưng thì các anh cứ đi hết cái làng này thử hỏi có hàng ai chất lượng hơn nhà T này không”.

Vừa thoát được thứ mùi nhức đầu từ những đống phân chó lâu ngày không dọn, chúng tôi bị kẹt ngay ở cổng nhà ông T vì chiếc xe công nông chở rơm cho nhà bà Phong quá khổ không thể lách được vì con đường quá chật.

Ở cái làng Cao Xá này, bà Phong được coi là “Vua cầy” vì theo như nhiều người, nhà bà chuyên nghề mổ chó rất nhiều năm. Trong căn nhà 3 tầng khang trang sạch sẽ khác hẳn với nhiều ngôi nhà trong làng, bà Phong kể:

“Ngày xưa ông nhà tôi còn sống, mỗi sáng đưa lên thớt hơn một trăm con chó là chuyện thường. Nhưng nay các cháu nó đi học hết nên mỗi sáng chỉ làm vài chục cho có lệ thôi”.

Theo lời giới thiệu của bà Phong, chúng tôi tìm đến nhà bà N.T.V. bà V được coi là mối hàng lớn của nhiều nhà hàng và quán ăn ở Hà Nội hiện nay.

“Hàng nhà tôi luôn được khách đánh giá cao vì không làm ăn theo kiểu “gom hàng” như nhiều nhà khác trong làng” - Bà V khoe.

Theo giới làm thịt chó của làng, ngoài “nguồn hàng” trong nước, bà V còn lặn lội sang tận Lào và Thái Lan lấy hàng.

Bà V khoe: “Nhà tôi làm ăn với hơn 30 quán nhậu của Hà Nội và có hẳn một quán ở phố cổ để chuyên giới thiệu và cung cấp hàng cho các quán mỗi khi cần nhanh”.

Theo những người chuyên làm chó của làng Cao Xá, bình quân vào ngày cao điểm, cả làng đưa lên thớt cả nghìn con chó. Khi chúng tôi hỏi chó đã được kiểm dịch bệnh chưa, họ chỉ trả lời  một cách vu vơ: “Đã có ai ăn chó thịt chúng tôi mà chết đâu”.

Làng mổ chó ảnh 1
Ông  T “chào hàng” với khách

Một chiêu “nâng cấp” thịt cầy

Mặc dù đã giải nghệ từ lâu nhưng ông Q có biệt danh là “Q cầy” luôn được những thành viên trong hội làm thịt chó kính nể vì luôn hướng dẫn cho họ những chiêu độc để biến những chú “cẩu” gầy thành béo, thịt ươn thành tươi.

Dù đã có của ăn của để nhưng ông Q vẫn làm một cái quán nước ven đường để ngày ngày tụ họp anh em.

Ông Q bảo: “Có gì đâu, những món này ngày xưa cha ông tôi dạy cho cả mà. Có điều mình phải làm chừng mực để lấy phúc cho con cháu sau này”. “Các chú đi ăn thịt chó chớ có tham thấy thịt hồng, béo mà coi đó là chó ngon” - Ông Q cảnh báo.

Theo ông, các nhà làm chó ngoài có những chiếc lồng sắt đặt trước sân thì sau nhà bao giờ cũng một không gian “cấm cửa”. Nếu sân sau này mà khách nhìn thấy thì coi như mất mối.

“Chú xem gom hàng từ các tỉnh đã mấy ngày mà đâu phải tất cả đều là chó đàng hoàng được nuôi và có kiểm tra gì đâu, có nhiều chó thu mua của bọn ăn cắp và chó bị đánh bả” - Ông Q thổ lộ. 

Sau khi bốc hàng, những con đang còn thở và khỏe mạnh được các ông chủ nhốt vào trong lồng để “đánh bóng” với khách hàng.

Sau khi khách chọn được những chú “cẩu” ưng ý rồi, họ yên tâm ra về sáng hôm sau đến lấy hàng mà không biết hàng này có khi có lẫn những con chó đã được “hóa kiếp” cách đó đôi ngày.

Khi thấy chúng tôi ngỡ ngàng thắc mắc tại sao “về bên kia” một đôi ngày rồi mà thịt chó vẫn tươi ngon. Ông Q cười nhẹ: “Các chú nếu nghe xong thì đừng có bảo ông già này bịa. Thật một trăm phần trăm đó”.

Theo ông, sau khi bốc hàng những ông chủ ở đây thường “lược” ra những con gầy còm nhất đưa về sân đằng sau nhà. Con nào chết thì được đưa xuống hố đất đào sâu khoảng 1,2m. Còn những con gầy thì tống vào bao tải nhỏ vứt xuống ao.

Đó chính là “công nghệ” biến chó gầy thành béo, ươn thành tươi… Khi đó thịt những con chó này lại khiến khách hàng ưng ý hơn vì trông béo lên và nhìn rất ngon (?).

Theo ông Q thì nhiều gia đình do quá tham nên cứ áp dụng chiêu này nên đã xảy ra nhiều vụ ngộ độc do ăn thịt chó.

Ông Q cho biết làng chó Cao Xá có nguồn gốc từ những năm 20 của thế kỷ XX. “Ngày xưa các cụ cao niên trong làng thường xuyên nhắc nhở với lớp con cháu chúng tôi là làm ăn gì thì cũng phải có cái tâm. Mong muốn của các cụ là được công nhận một làng nghề. Nhưng nhiều người tham nên làm liều thôi” - Ông Q tâm sự.

Nghề nào cũng có sướng có nhục. Nhiều ông chủ làm thịt chó trong làng bị đánh vì chuyên mua chó của những người đi ăn trộm nên bị người dân các vùng lân cận đến bắt quả tang và kéo đến tận nhà để bắt đền.

Làng xóm giờ vẫn nhắc đến chuyện hai nhà ông C và bà U. Bà U đã nhiều lần nhắc nhở vì ông C thịt chó làm mất vệ sinh trong thôn xóm nhưng ông cứ lờ đi.

Chịu không nổi bà U và một số người đã lôi nhau đến nói chuyện bằng tay với ông C gây náo động cả làng.

Mười năm về trước làng Cao Xá chỉ có một nghề là làm thịt chó. “Nhiều nhà cao tầng cũ ven đường đều được xây từ thời đó cả. Nhưng giờ thì nhiều người không trụ được với cái nghề này nữa rồi” - Ông Q kể.

Vừa đứng dậy chào ông Q, chúng tôi thấy hai thanh niên đi trên chiếc xe Wave đỗ xịch ngay trước quán gườm gườm nhìn chúng tôi và quát: “Hỏi lắm thế. Léng phéng mà viết cái gì thì cứ liệu hồn”.

MỚI - NÓNG