Làng Nga ở Vũng Tàu

Làng Nga ở Vũng Tàu
TP - Người dân Vũng Tàu đã “Việt hoá” tên gọi khu A thuộc khu nhà 5 tầng - nơi sinh sống của cộng đồng người Nga làm việc trong ngành dầu khí, ở giao lộ Nguyễn Thái Học và Lê Hồng Phong - một cách thân mật: “Làng Nga”.
Làng Nga ở Vũng Tàu ảnh 1
Người Nga trên phố Vũng Tàu

Trong suốt hơn 22 năm qua, người Nga đã hòa vào cộng đồng dân cư  ở Vũng Tàu, như một minh chứng cho sự đoàn kết hữu nghị của hai đất nước Việt - Nga.

Vào đầu những năm 1980, các chuyên gia Liên Xô cũ (chủ yếu là người Nga và người Adecbaidan) đầu tiên đến Vũng Tàu làm việc trong Xí nghiệp liên doanh Vietsovpetro được bố trí sống trong các căn phòng của Khu dịch vụ dầu khí Lam Sơn, Khu khách sạn Tháng Mười.

Năm 1985, khu A thuộc chung cư 5 tầng xây dựng hoàn thành, các chuyên gia chuyển về sống tập trung tại đây. Thời điểm cực thịnh, người Nga ở Vũng Tàu có tới 2.300 hộ với gần 5.000 nhân khẩu. Những chuyên gia Liên Xô cũ là những người có công lớn cho việc đặt nền móng cho ngành dầu khí non trẻ của Việt Nam.

Liên doanh dầu khí Việt -Xô, con chim đầu đàn trong ngành dầu khí đã khai thác trên 150 triệu tấn dầu, đóng góp to lớn cho ngân sách. Các kỹ sư và chuyên gia Việt Nam giờ đây đã đảm nhiệm phần lớn các công việc, đang dần làm chủ hoàn toàn công nghệ khai thác dầu khí biển.

Do yêu cầu công việc nên số người Nga ở Vũng Tàu giảm xuống còn khoảng 1/3 so với trước, nhưng “Làng Nga” vẫn là sự kết tinh của một quá trình lâu dài về hợp tác và hữu nghị của hai đất nước Việt - Nga.

Gọi là “Làng Nga” nghe có vẻ tách biệt, nhưng thực ra nó chỉ cách khu tập thể dành cho người Việt làm việc cùng Xí nghiệp liên doanh Vietsovpetro một con đường nội bộ. Vì thế, đôi bên vẫn thường qua lại thăm nhau như anh em một nhà.

Hơn nữa, Xí nghiệp liên doanh Vietsovpetro là xí nghiệp có đông người Việt Nam từng sinh sống, học tập ở Nga nên cả người Việt và người Nga ở đây đều dễ trao đổi với nhau. Nhiều người Nga đã trở thành người bạn thân thiết của nhiều người dân Việt Nam. Sự hiện diện của người Nga ở nhiều đám cưới, sinh nhật của người Việt là những ví dụ điển hình.

Người Nga yêu quý và tôn trọng cuộc sống gia đình. Vào những dịp tết lễ, hầu hết các gia đình người Nga sống ở Vũng Tàu thường tận dụng thời gian nghỉ để cùng nhau đi du lịch đó đây như một cách để hiểu thêm về đất nước và con người Việt Nam.

Chủ trương của Xí nghiệp liên doanh Vietsovpetro là cố gắng tạo mọi điều kiện để các bạn Nga có cảm giác như đang sống ở quê hương mình, do đó mọi người ở “Làng Nga” đều được ký với ngành bưu điện để mắc điện thoại cố định, nước máy được xử lý tới mức có thể uống trực tiếp từ vòi.

Làng Nga ở Vũng Tàu ảnh 2
Giàn khoan ở mỏ dầu Bạch Hổ thuộc liên đoàn Vietsovpetro. Ảnh: TTXVN. 

Trường học trong “Làng Nga” được tổ chức với tiêu chuẩn cao của nước Nga... Ngược lại, người Nga ở Vũng Tàu cũng thể hiện trách nhiệm của mình, nhiều lần san sẻ lợi nhuận để giúp Vũng Tàu phát triển và hoàn thiện cơ sở hạng tầng…

Một thú vui đối với người Nga sinh sống ở Vũng Tàu là dạo phố, đôi khi không phải để mua sắm, mà chỉ để ngắm các gian hàng trưng bày đẹp mắt. Do đó, những con đường như Lê Hồng Phong, Nguyễn Văn Trỗi, Nguyễn Thái Học… được mệnh danh là “Phố Nga”. Nơi đây có nhiều cửa hiệu, nhà hàng bán đặc sản Nga.

Một nét mới thời kinh tế mở cửa là một số người Nga hết hợp đồng làm việc tại Liên doanh dầu khí Việt Xô ở lại Vũng Tàu sinh sống và lập nghiệp  như mở nhà hàng quán bar, câu lạc bộ thể thao biển, kinh doanh. Có một số người Nga còn lập gia đình với người Việt định cư ở Vũng Tàu. 

Người Nga ở Vũng Tàu - đó là hình ảnh thân thiết, sự hiện diện của các bạn Nga giữa lòng phố biển đã trở thành biểu tượng của tình hữu nghị là một dấu ấn  đẹp không phai mờ đối với cư dân Vũng Tàu.

MỚI - NÓNG