'Lãng phí nhất là giảm sút niềm tin của nhân dân'

TP - Thảo luận tại tổ về kinh tế - xã hội sáng 24/3, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TPHCM) cho rằng, điều khiến nhân dân đang giảm sút niềm tin chính là việc triển khai thực hiện, nói không đi đôi với làm. 

“Trong những cái lãng phí thì lãng phí nhất là giảm sút niềm tin của nhân dân”, đại biểu Tâm nói và cho rằng, giải pháp cấp thiết cần sớm thực hiện là cải tổ, đổi mới mạnh mẽ tổ chức bộ máy theo Hiến pháp một cách căn cơ, lâu dài, bền vững.

Cùng đề cập đến vấn đề đổi mới, đại biểu Đỗ Văn Đương (TPHCM) nêu nghịch lý, trong khi thu ngân sách chỉ 1 triệu tỷ đồng mỗi năm thì riêng chi lương thường xuyên cho cán bộ hành chính đã hết 400 nghìn tỷ đồng. Đồng tình với việc cấp thiết tinh giản biên chế, ông Đương đề nghị nên giao chỉ tiêu cụ thể cho từng địa phương và các bộ ngành, không để cảnh “cha chung không ai khóc”.

Giải pháp để thực hiện tinh giản bộ máy, theo ông Đương cần nhất thể hóa một số chức danh, giảm bớt cán bộ, hô khẩu hiệu, ngược lại phải coi trọng chuyên gia, cán bộ chuyên môn và cần trả lương xứng đáng cho họ. “Những gì dân làm được thì cơ quan Nhà nước đừng can thiệp. Cái gì cũng ngân sách Nhà nước thì chết, dân không nuôi nổi”, ông Đương nói.

Cùng quan điểm, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) cũng cho rằng, cần cải cách thể chế, trong đó có cải cách thể chế chính trị. “Phải dân chủ hóa xã hội. Người dân phải có quyền thay thế người lãnh đạo yếu kém từ cấp xã đến cấp huyện. Trong khi lý thuyết thì “đẩy thuyền là dân, lật thuyền cũng là dân”, nhưng thực tế quyền lực của dân rất hạn chế”, ông Nghĩa cho hay.

Theo ông Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, trong nhiệm kỳ qua, kinh tế - xã hội đã có những chuyển biến tích cực nhờ kết quả thực hiện ba khâu đột phá. Tuy nhiên, vẫn còn đó những khó khăn chưa vượt qua và nền kinh tế còn phải đối mặt với nhiều rủi ro, thách thức. Mục tiêu trở thành nước công nghiệp không thể thực hiện được vào năm 2020.

MỚI - NÓNG