Làng rau sống ế ẩm vì bị người tiêu dùng tẩy chay

Làng rau sống ế ẩm vì bị người tiêu dùng tẩy chay
Thở dài nhìn rổ rau sống còn tươi nguyên, chị Thắng (chợ Nhà Xanh, quận Cầu Giấy, Hà Nội) dọn dẹp cửa hàng chuẩn bị ra về. Đây là ngày thứ ba liên tiếp, hàng rau của chị ế ẩm kể từ khi dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm bùng phát.
Làng rau sống ế ẩm vì bị người tiêu dùng tẩy chay ảnh 1
Nông dân xã Minh Khai, Từ Liêm vẫn chăm sóc rau sống mong ngày hết dịch. Ảnh: VnExpress.

Không chỉ chị Thắng mà cả dãy hàng rau ở khu chợ Nhà Xanh cũng lâm vào hoàn cảnh tương tự. Từ khi có thông báo về đợt dịch tiêu chảy, khách hàng mua rau sống thưa dần. Nhiều khách thậm chí còn bỏ hẳn rau, chỉ mua các loại củ, quả cho bữa ăn gia đình.

Theo các chủ hàng rau ở chợ Nhà Xanh, chợ Quan Hoa..., giá các loại rau sống từ đầu tháng 11 giảm mạnh. Xà lách từ 2.000 đến 2.500 đồng một lạng, sau 3 ngày chỉ còn 700 đến 1.000 đồng. Có cửa hàng hạ xuống còn 500 đồng (bằng với giá nhập) mà vẫn ế.

"Tôi cũng đoán trước được tình hình nên chỉ nhập số rau sống bằng một nửa so với thường ngày, vậy mà bán vẫn không hết", chị Thắng nói.

Nhặt nhạnh một ít mùi tàu và hành tươi ở chợ Ngọc Hà, chị Dung (tập thể Giảng Võ), cho biết: "Hôm nay, nhà tôi làm món nem cuốn, thiếu các loại rau thơm, xà lách chắc sẽ bớt ngon nhưng vì sức khỏe nên phải chịu khó vậy".

Các loại rau khác cũng bị "vạ lây" vì việc tẩy chay rau sống. Nhiều khách hàng cho biết, trong những ngày này tốt nhất là chỉ nên ăn các loại củ, quả có thể luộc chín. "Cứ rau có lá là tôi bỏ, nhỡ đâu còn dính chút thuốc sâu hay phân tươi thì nguy hiểm lắm", một "ông" nội trợ cẩn thận nói.

Nông dân thiệt hại tiền tỷ

Theo số liệu của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội, hiện các huyện ngoại thành đang cung cấp được khoảng 40% lượng rau tiêu thụ hàng ngày cho người dân thủ đô. Nhiều vùng trồng rau ở các huyện ngoại thành như Từ Liêm, Thanh Trì... đang được quy hoạch thành vùng trồng rau an toàn và rau sạch.

Cách Hà Nội khoảng 10km, xã Minh Khai (Từ Liêm) được coi là một trong những "rốn" rau của thủ đô. Hàng trăm nông dân trồng rau ở đây đang lao đao. Nhiều ha trồng các loại rau thơm, xà lách... có nguy cơ mất trắng vì ảnh hưởng của dịch tiêu chảy.

Bên cạnh thửa ruộng trồng xà lách xanh mơn mởn đang kỳ thu hoạch, chị Hà (thôn Phúc Lý, xã Minh Khai) cho biết, tuần trước, ngày nào chị cũng bán được gần 100 kg với giá 8.000 đồng một kg. Đến hôm qua (4/11), giá còn 3.000 đồng nhưng chỉ bán hết 30kg, số còn lại đành bỏ lại thùng rác vì "rau đã thu hoạch thì không thể bảo quản qua ngày". Theo chị, những hộ nông dân trồng xà lách xung quanh cũng không khá khẩm gì hơn.

Chung cảnh ngộ với xà lách, các loại rau thơm như kinh giới, húng quế, rau răm... cũng đang "chết già" trên ruộng. Quẩy đôi thùng tưới nước về sau buổi làm đồng, cô Thìn nói: "Món mắm tôm làm chúng tôi đến khổ. Rau chúng tôi là rau an toàn, mọi người trong thôn vẫn ăn đấy có làm sao đâu".

Nói rồi cô đưa ra dẫn chứng, bình thường, mỗi ngày mấy thửa trồng kinh giới, húng quế nhà cô cho thu hoạch khoảng 500 mớ mỗi loại. Hôm qua đi chợ, đưa 150 mớ mà cô vẫn còn thừa tới 1/3.

Theo cô, nguyên nhân là do các hàng bán bún đậu mắm tôm và lòng lợn tiết canh, nguồn tiêu thụ chủ yếu các loại rau này, không bán được.

Không nhiều rau sống như xã Minh Khai, nhưng nhiều nông dân các xã trồng rau khác ở huyện Từ Liêm cũng đang hết sức lo lắng. Đối với họ, mấy sào rau là nguồn thu duy nhất của gia đình.

"Cả nhà tôi chỉ trông vào mấy sào rau này, nhà hai vợ chồng chỉ làm nông, mấy đứa con thì còn nhỏ", chị Hòa (thôn 2, Tây Tựu), thở dài, nói.

Chỉ vào những ruộng rau xanh mướt Nguyễn Khắc Nhương, cán bộ trạm Bảo vệ thực vật huyện Từ Liêm, cho biết, 3 năm nay huyện quy đã quy hoạch vùng trồng rau an toàn ở 4 xã Minh Khai, Tây Tựu, Liên Mạc và Phú Diễn. Kể từ đó, nông dân đã không còn bón phân xanh (phân tươi) cho rau mà chỉ dùng phân vi sinh và đạm. Riêng rau sống xã Phúc Lý được khách hàng rất ưa chuộng với 2 loại xà lách trứng và xà lách ly ty ngon và đẹp mắt hơn các nơi khác.

"Vụ rau này nông dân thiệt hại cả tỷ đồng. Chỉ mong sao dịch bệnh sớm qua. Đang chính vụ thế này, bao nhiêu ha rau đến kỳ thu hoạch cũng phải bỏ đi mất", anh Nhương nói.

Theo Nguyễn Hưng
VnExpress

MỚI - NÓNG