Làng 'Sáu Không' trong rừng thẳm

Làng 'Sáu Không' trong rừng thẳm
TP - Nằm cách trung tâm xã Đăk Nuê ( huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk) khoảng 35 km, cách TP Buôn Ma Thuột  gần 90km có một làng đồng bào Mông di cư tự do tồn tại 2 năm nay trong tình cảnh sáu không: không tên, điện, đường, trường, trạm và chợ.

Hai năm trở lại đây, đồng bào Mông từ các tỉnh Hà Giang, Cao Bằng, Lào Cai  di cư tự do ồ ạt vào Đắk Nuê. Đến nay, đã có 105 nóc nhà Mông quây quần lại thành làng, không có người đứng đầu quản lý, chưa hề có tên trên bản đồ hành chính của xã.

Đường vào làng Mông là một lối mòn hai bên cây cối rậm rạp, lầy lội và trơn như mỡ. Khi chúng tôi vừa chuẩn bị qua cầu bắc nối đôi bờ con suối đầu tiên thì gặp hai cha con người làng đang loay hoay với chiếc xe máy để vượt qua cây cầu.

Nói là cầu nhưng thực ra là mấy cây gỗ được bà con lấy từ rừng bắc tạm, đi không cẩn thận là tõm xuống suối ! Cố gắng đẩy xe tiến lên, người bố làu bàu: " Đường sá thế này thì đi bộ còn khỏe hơn. Ốm khi nào không ốm, lại ốm vào hôm trời mưa! "- Thì ra con gái anh hôm nay bị sốt, anh vừa chở con ra ngoài huyện khám bệnh .

Phải mất hơn ba tiếng đồng hồ lội bộ gần 10km chúng tôi mới tới làng. Đập vào mắt chúng tôi là những ngôi nhà dựng tạm bằng tranh tre, nứa, lá, nằm thưa thớt trong thung lũng, bốn bề là núi.

Bên căn nhà như túp lều của mình, ông Vừ Sánh Chứ, 53 tuổi, cho biết dân làng sống chủ yếu nhờ mấy mảnh ruộng lúa và ngô trên rẫy, thu hoạch chẳng đáng bao nhiêu nên cái đói luôn hiện hữu.

"Nhà tôi 3 người vào đây từ đầu năm nay, chỉ mượn lại được hai sào đất trồng lúa rẫy. Mỗi vụ thu được có 10 bao lúa, sao nuôi đủ ba miệng ăn!" - Ông Chứ nói.

Ở đây, tiền chẳng mua được gì. Muốn có muối ăn, dầu thắp phải vượt mấy chục cây số ra huyện. Cách làng 3 cây số mới có một cửa hàng tạp hóa buôn bán mấy thứ lặt vặt của một người Tày.

Chủ quán chỉ vào hàng quán trống trơn : "Mấy hôm nay trời mưa không lấy được gì về bán cả, bữa nào nắng mình mới ra ngoài mua thịt mỡ và cá muối giá rẻ về bán lại cho bà con". Thỉnh thoảng anh lại làm thịt con heo khoảng năm chục kí  bán cho đồng bào trong vùng.

Đói, rét, đối với những người dân nơi đây đã quen. Cái mà họ sợ nhất chính là đau ốm và con em không được học cái chữ.

Chị Giàng Thị Giằng mới 27 tuổi đã có bốn con. Cách đây hai tháng, chị chuyển dạ sinh đứa thứ năm, sinh khó nhưng chị vẫn không đến bệnh viện được vì đường xa, tiền  không có. Chị nằm vật vã đau, sang ngày thứ ba chịu không nổi nữa mới được mọi người gánh đi viện, ra đến nơi thì đã muộn chỉ cứu được mẹ.

"Đói còn tìm được củ mì, bắp ngô trên rẫy, chớ bị bệnh thì chẳng biết lấy gì để chữa!"- Chị sụt sùi. Mỗi khi đau ốm, muốn ra bệnh viện huyện chỉ còn cách khiêng bằng võng, cả chục thanh niên thay nhau khiêng.

Hoàng hôn xuống, làng Mông lọt thỏm dưới thung lũng đen thui, xám xịt. Những ngọn đèn dầu leo lét được thắp lên. Cũng có nhà không thắp đèn, chỉ bập bùng lửa bếp. Chủ nhà giải thích: "Trời mưa lâu quá hơn tuần này dầu dự trữ sắp hết rồi, phải đỏ lửa để tiết kiệm dầu. Không có dầu dự trữ trong nhà nguy hiểm lắm".

Con chữ xa vời

Làng có hơn 100 cháu đến tuổi đi học, không trường lớp đành phải theo bố mẹ lên nương rẫy. Anh Thầu Xeo Ly chỉ 3 đứa con nheo nhóc đang cặm cụi cắt lúa rẫy: "Mình từ Lào Cai vào đây năm 1997, khi đó làng này mới có mấy nhà thôi. Năm ngoái đưa cả gia đình vào, nhờ cắm đất sớm nên không thiếu ăn nhưng vẫn thiếu đủ thứ. Muốn tụi nó đi học nhưng không có trường, ra ngoài huyện học thì xa".

Đứa lớn Thầu Thị Chiết sinh năm 1993 học lớp 3 ở Lào Cai vào đây còn biết đôi chữ bập bẹ. Còn em trai Thầu Xeo Tê năm nay 12 tuổi chỉ biết đi rẫy , trông em.

Anh Giàng A Dế, cùng 2 em ruột kéo nhau vào đây từ năm 2008. Ba ngôi nhà được dựng lên cạnh nhau, ở đó có đến 7 người con của anh và 14 đứa cháu ở tuổi đi học vẫn quanh quẩn chơi với nhau thay vì được đến trường "Giá mà có cái trường để cho con đi học. Chừng này đứa mà không có đứa nào biết lấy một cái chữ thì rồi cũng khổ như bố mẹ nó thôi". Anh day dứt.

Thương những đứa trẻ làng Mông thèm khát cái chữ, anh Hà Văn Như người dân tộc Tày có hai ha rẫy nằm cạnh làng Mông đã tự nguyện hiến đất, cùng đồng bào lập trường nhưng không có bàn ghế, cũng chưa có giáo viên.

Trao đổi với PV, Chủ tịch xã Đăk Nuê -Y Đút Tơr cho biết: "Do chưa hộ nào có hộ khẩu ở đây nên chưa thể đề nghị với cấp thẩm quyền điều giáo viên về". Vậy chừng nào bà con mới được lập hộ khẩu ? Chủ tịch xã lắc đầu: Chịu thôi, ai mà biết được !  

MỚI - NÓNG