Buôn lậu mùa áp Tết: Ðến hẹn lại lên - Bài 6:

Lạng Sơn căng mình đối phó

Hàng rào ngăn hàng lậu ở khu vực Hang Dơi, Thác Ném. Ảnh: Duy Chiến
Hàng rào ngăn hàng lậu ở khu vực Hang Dơi, Thác Ném. Ảnh: Duy Chiến
Tháng 12 hàng năm được coi là “tháng củ mật”, áp Tết Nguyên đán và đi cùng nó là tình hình xuất nhập cảnh và buôn lậu qua biên giới Việt - Trung gia tăng. Các lực lượng chức năng tỉnh Lạng Sơn lại hao tâm tổn trí đối phó với các thủ đoạn của thương lái. Cuộc chiến chống hàng lậu lại nóng.

Trở lại “Tổng kho Hang Dơi”

Trưa 1/12, phóng viên báo Tiền Phong có mặt tại khu vực Hang Dơi - Thác Ném thuộc thôn Khưa Đa, xã Tân Mỹ, huyện Văn Lãng. Giữa trưa, trời lất phất mưa bụi. Trên những thớ đá xám lạnh, lởm chởm chạy dọc biên giới là những lùm cây im lìm, bí hiểm. Sự tĩnh lặng đáng ngờ.

Địa danh Hang Dơi trở thành “điểm nóng” buôn lậu ở địa phương này, kể từ khi vụ án buôn lậu qua biên giới do Thanh Thớt cầm đầu bị lực lượng trinh sát Bộ Công an triệt phá chừng hai chục năm qua. Đến nay, tình hình buôn lậu không rầm rộ như trước, các “chủ cai” đường dây buôn lậu lớn bị đi tù hoặc đã già, “rửa tay gác kiếm”. Tuy nhiên, nơi đây cũng không phải đã hết những phức tạp, khó khăn.

Dẫn chúng tôi trở lại Hàng Dơi, đại úy Nông Văn Tôn, Đội trưởng đội phòng chống ma túy và tội phạm Đồn biên phòng (BP) Tân Thanh cho biết, Hang Dơi vẫn là địa bàn mà các đơn vị chức năng đặc biệt quan tâm, chính vì vậy anh là một trong những sỹ quan của đồn BP Tân Thanh được cử xuống trạm BP Cốc Nam (đơn vị trực thuộc đồn Tân Thanh) nhằm tăng cường lực lượng trong dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Canh Tý.

Trước mắt chúng tôi là con đường độc đạo xuyên qua biên giới được án ngữ bởi một ngôi nhà khá vững chãi. Đây là nơi trú ngụ, làm nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát vùng biên của lực lượng BP Cốc Nam gồm 5 cán bộ, chiến sỹ thay phiên nhau canh gác đường biên 24/24 giờ. Đại úy Trần Văn Đề đang trực chính ở “Tổ công tác Hang Dơi” đón khách và theo đề nghị của tôi, đại úy Đề dẫn đến thị sát vùng biên giới Việt - Trung.

Hàng rào bằng ống kẽm giả thép được dựng lên ở khu vực mốc 1103 sừng sững, tạo nên “bức tường thành mềm”, cao gần 3m, dài 46,5 m nối giữa hai quả núi đá vôi cheo leo. Công trình này được xây dựng từ tháng 8/2019 và hoàn thành sau gần 3 tháng.

Theo quan sát của phóng viên, hai bên cánh gà, len qua những thớ núi đá, lùm cây là hàng chục vệt đường mòn, đường xương cá cheo leo xuyên biên giới. Nơi đây, vào các đêm khuya, khi có tín hiệu “thông đường”, chủ hàng dùng bộ đàm sai khiến “cửu vạn” mang, vác hàng từ Trung Quốc tập kết tại các “tổng kho” nhà dân dưới chân núi Hang Dơi, Thác Ném, Khưa Đa rồi chờ thời cơ vận chuyển bằng ô tô về xuôi tiêu thụ.

Lạng Sơn căng mình đối phó ảnh 1

Lực lượng BP Cốc Nam bắt giữ hàng nhập lậu. Ảnh: Duy Chiến

Gian nan chống hàng lậu

Bên kia biên giới, hàng hóa được chất đống cao như núi ở khu chợ Lũng Nghịu thuộc Khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây, Trung Quốc. Càng về dịp cuối năm, hàng hóa lại càng nhiều. Phóng viên Tiền Phong chứng kiến, có đêm ở khu vực Hang Dơi, Thác Ném có ánh đèn pin lấp loáng như sao sa và nhộn nhịp bước chân vội vã. Họ đang cõng hàng qua biên giới.

Đại úy Trần Văn Đề cho biết, từ khi có hàng rào chắn ngang biên giới, tình hình buôn lậu có chiều hướng giảm. Thế nhưng nó chỉ hiệu quả bước đầu vì chất liệu hàng rào làm bằng ống kẽm rất mềm, rỗng ruột nên đám “cửu vạn” có thể dùng tay bẻ cong thanh kẽm một cách dễ dàng. Thêm nữa, trên đỉnh hàng rào không bố trí mớ bùng nhùng, nhiều người dân địa phương tận dụng để trèo qua. “Mới đây, đoàn liên ngành của tỉnh đến kiểm tra và ghi nhận sự bất cập này và đang tìm cách khắc phục”. Đại úy Đề nói.

Theo báo cáo của Trạm BP Cốc Nam, do nhu cầu sử dụng trong nước cùng lợi nhuận từ hàng hóa trốn thuế mang lại nên các đối tượng buôn lậu từng ngày, từng giờ lén lút, thường xuyên cắt cử người theo dõi lực lượng BP. Khi bị lộ, họ vứt hàng hóa chạy thoát thân về biên kia biên giới. Vậy nên hàng lậu thu giữ được chủ yếu là vô chủ.

Từ đầu năm đến cuối tháng 11/2019, trạm BP Cốc Nam chủ trì, phối hợp với các lực lượng Hải quan, Công an, Quản lý thị trường địa phương tiến hành chặn bắt 46 vụ buôn lậu hàng hóa, trị giá gần 2,5 tỷ đồng. Điển hình là đêm khuya ngày 2/11, tại khu vực Hang Dơi - Khưa Đa, lực lượng BP Cốc Nam phát hiện một nhóm người mang vác hàng hóa từ bên kia biên giới vào Việt Nam. Thấy lực lượng chức năng, đối tượng buôn lậu đã “bỏ của chạy người” để lại tang vật gồm 28 bao tải dứa, bên trong nhét đầy quần áo, vải vóc, giày dép nhựa.

Điều đáng lo ngại, từ tháng 3/2019 trở lại đây có khoảng 600 người dân tộc Mông từ các tỉnh Hà Giang, Yên Bái đến khu vực biên giới Tân Mỹ, Tân Thanh (huyện Văn Lãng) thuê trọ, vác hàng, tiềm ẩn nguy cơ phức tạp về an ninh trật tự. Lực lượng BP đã phối hợp với công an huyện và chính quyền địa phương tổ chức rà soát, bước đầu vận động họ quay về quê sinh sống, làm ăn. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn nhiều người trụ lại để chuẩn bị cho một mùa làm “cửu vạn” sôi động.

Yết hầu ngăn “lũ” buôn lậu

Trạm kiểm soát liên ngành (KSLN) Dốc Quýt nằm ở km4+800 quốc lộ 1A thuộc địa phận xã Phú Xá, huyện Cao Lộc, cách cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị 5km, cách cửa khẩu Cốc Nam khoảng 7km, là tuyến độc đạo giao thương hàng hóa từ biên giới Lạng Sơn, Cao Bằng về Hà Nội và các tỉnh miền xuôi. Có thể nói, trạm KSLN này nằm ở vị trí yết hầu trong việc kiểm soát hàng hóa, ngăn chặn hàng nhập lậu từ Trung Quốc.

Ông Bùi Văn Lợi, Trạm trưởng KSLN Dốc Quýt cho biết: “Hiện nay, kiểm soát khó nhất là tại các tuyến đường tránh. Các đối tượng lợi dụng đêm tối để vận chuyển hàng lậu, vì thế việc xây dựng kế hoạch ngăn chặn đạt hiệu quả và bảo đảm an toàn cho anh em luôn được đơn vị tính toán tỉ mỉ, chi tiết”.

Trạm KSLN Dốc Quýt đang đối mặt với không ít khó khăn do các đối tượng buôn lậu tìm mọi cách để trốn tránh bằng cách vận chuyển theo các tuyến đường tránh để vượt trạm. Chẳng hạn như các đối tượng vận chuyển hàng lậu từ Tân Thanh, Cốc Nam, Đồng Đăng theo quốc lộ 1B rồi rẽ vào đường Phú Xá - Tam Lung, hoặc đi thẳng đến cầu Khánh Khê, theo đường Song Giáp và tập kết hàng lậu về thành phố Lạng Sơn.

Không những vậy, các đối tượng buôn lậu còn tổ chức lực lượng “chim lợn”, đeo bám nhất cử nhất động của cán bộ trạm, khiến cho việc xây dựng kế hoạch chống buôn lậu mất nhiều thời gian, kỳ công và tiềm ẩn rủi ro. Đấy là chưa kể các đầu nậu tổ chức vận chuyển hàng lậu tiếp cận, mua chuộc, tha hóa cán bộ trong lực lượng khiến cuộc chiến chống hàng lậu trở nên gian nan hơn.

(Còn nữa)

“Ðến nay, tình hình buôn lậu đã tiếp tục được kiểm soát do các lực lượng chức năng tăng cường các hoạt động nghiệp vụ. Tuy nhiên, vẫn tiềm ẩn những diễn biến phức tạp theo thời vụ tại khu vực biên giới. Trong 11 tháng 2019, tỉnh Lạng Sơn đã xử lý: 5.844 vụ (bằng 101,37% so với cùng kỳ năm 2018), tổng số tiền xử lý vi phạm hành chính gần 121 tỷ đồng” (Báo cáo của Ban chỉ đạo 389 tỉnh Lạng Sơn)

MỚI - NÓNG