Lạng Sơn: Công trình, xây rồi bỏ đó

Lạng Sơn: Công trình, xây rồi bỏ đó
TP - Rất nhiều công trình trong chương trình 135 không đem lại hiệu quả, gây lãng phí lớn ngân sách của Nhà nước và bức xúc của người dân.
Lạng Sơn: Công trình, xây rồi bỏ đó ảnh 1
Ngôi trường bề thế nhưng vắng lặng trên đỉnh Mẫu Sơn

Lạng Sơn là một tỉnh miền núi, biên giới, được hưởng nhiều ưu đãi của Nhà nước như chương trình 135, kiên cố hoá trường học và chương trình nước sạch nông thôn…

Công trình phòng khám đa khoa khu vực Mẫu Sơn xây 2 tầng trên diện tích 122m2 (trong đó có 10 giường bệnh). Ngày khởi công, bà con nhân dân xã Công Sơn (Cao Lộc) và Mẫu Sơn (Lộc Bình) vui mừng, mong ngóng sớm có nơi khám chữa bệnh đàng hoàng.

Đến tháng 4/2005, công trình được nghiệm thu với giá trị quyết toán 471,6 triệu đồng và được bàn giao cho UBND huyện Lộc Bình quản lý, sử dụng.

Nếu so với các trạm y tế xã thì phòng khám này là hiện đại: Nhưng tới nay tuyệt nhiên không thấy bóng dáng một y, bác sĩ nào đến và cũng chẳng thấy ai tới thăm, khám chữa bệnh gì. Xung quanh, cỏ bắt đầu mọc um tùm…

Cách đó chừng 200m, trường THCS cụm xã Mẫu Sơn. Ban dân tộc tỉnh Lạng Sơn làm chủ đầu tư với mức vốn là 715 triệu đồng. Công trình gồm 6 lớp học trên diện tích 275m2, 2 tầng.

Ngoài các phòng học khá kiên cố, trường còn có hệ thống phòng cháy, chữa cháy, chống sét, bàn ghế, giường nghỉ cho giáo viên, học sinh.

Thậm chí công trình nhà vệ sinh được xây dựng đến gần 20 gian chia làm 2 khu. Hỏi người dân thì được biết, cả ngôi trường lớn nhưng chỉ có khoảng 30 em học sinh đến học. Các thầy cô hết thời gian dạy buổi sáng là tranh thủ về ngay, không có ai ở lại.

Có thể nói, công trình trường THCS cụm xã Mẫu Sơn và phòng khám đa khoa khu vực đặt ở vị trí chưa hợp lý, không ở khu tập trung đông dân cư, điện lưới chưa kéo về được nên không có điện.

Không có chỗ nấu ăn cho bệnh nhân, công trình vệ sinh không đúng với thiết kế… Bởi thế, nay cả 2 công trình đều đang xuống cấp nghiêm trọng.

Công trình sạch… nước

ở Lạng Sơn, vấn đề nước sạch phục vụ dân sinh có khá nhiều cơ quan đảm nhiệm. Khá nhiều công trình trong số này xây xong rồi bỏ đó, gây bất bình dư luận.

Ví như dự án đầu tư hệ thống nước ăn xã Tân Mỹ (huyện Văn Lãng) do Ban 748 (bây giờ là Ban quản lý dự án và đầu tư xây dựng kinh tế cửa khẩu) làm chủ đầu tư.

Sau một năm thực hiện, công trình đã nhanh chóng hoàn thành và được quyết toán với số tiền 838 triệu đồng. Những tưởng hơn 140 hộ của hai thôn Cao Tiến và Nà Mò (xã Tân Mỹ) sẽ được dùng nước sạch.

Thế nhưng chỉ một thời gian ngắn sau, người dân lại phải trở lại với đôi thùng nước đi gánh ở khe núi vì công trình nước sạch không có nước.

Dân kiến nghị, thắc mắc thì chủ đầu tư đổ cho xã không biết giữ gìn, bảo vệ nguồn nước nên dẫn đến tắc đường ống nước.

Bên cạnh đó, hàng loạt công trình nước sạch khác như: Tuyến nước sạch nông thôn Nà Hó, Tá Liếng, Pá Nim (thuộc xã Hữu Vĩnh, Bắc Sơn) xây dựng từ năm 2003 nhưng chỉ vài tháng sau khi đưa vào sử dụng,  bùn đất từ thượng nguồn đã bịt kín ống. Công trình nước sạch ở xã Thạch Đạn (Cao Lộc) cũng chung một cảnh “xây rồi bỏ đó”...

Trong chương trình kiên cố hóa trường học, hiện tại nhiều lớp học học sinh lấy tay, que vạch lên tường, vữa trát đã rơi lả tả. Hiện tượng này đã xảy ra ở hàng loạt trường học như: Trường tiểu học Lợi Bát (huyện Lộc Bình), Lộc Yên (huyện Cao Lộc), Đào Viên, phân trường Pác Mười (huyện Tràng Định)...

MỚI - NÓNG