Lạng Sơn: Đại giỗ chung ngày 17/2

Tế lễ cán bộ, chiến sỹ Sư đoàn 337 hy sinh tại cầu Khánh Khê, tháng 2/1979 .Ảnh: D.C
Tế lễ cán bộ, chiến sỹ Sư đoàn 337 hy sinh tại cầu Khánh Khê, tháng 2/1979 .Ảnh: D.C
TPO - Sáng 17/2/1979, quân Trung Quốc dùng hỏa lực, binh lính bắn giết hàng trăm cán bộ, lực lượng vũ trang và dân thường sinh sống ở biên giới Lạng Sơn. Ngày này, nhiều tổ chức, gia đình làm giỗ tưởng nhớ những người đã hy sinh nơi tuyến đầu.

Năm nào cũng vậy, gia đình bà Chu Ngọc Lan (72 tuổi), trú tại khu Vườn Sái, thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc, Lạng Sơn lại tổ chức lễ cúng giỗ cho chồng bà là ông Hứa Đức Cảnh bị pháo Trung Quốc sát hại vào sáng 17/2/1979.

Bà Lan cho biết, rạng sáng hôm đó, bà dẫn 3 con ra ga đường sắt Đồng Đăng, cách nhà chừng 2 km để sơ tán về xuôi. Bỗng nhiên, trời đỏ rực ở mé cửa khẩu Hữu Nghị, kèm theo những tiếng rít vang trời của pháo, đạn. Tàu hỏa đi tiếp than, nước ở khu vực Ba Cống bị pháo Trung Quốc nã trúng, lái tàu tử vong tại chỗ. Hành khách đi tàu ở Đồng Đăng phải tản vào góc núi, đồi, men theo đường mòn đi về hướng huyện Chi Lăng, huyện Văn Quan ở tuyến sau.

Lạng Sơn: Đại giỗ chung ngày 17/2 ảnh 1 Cán bộ, nhân dân thị trấn Đồng Đăng thăm hỏi, động viên gia đình nhân ngày giỗ của chồng bà Lan (giữa). Ảnh: Duy Chiến

Trên đường đi, bà Lan nghe tin dữ. Khoảng 4h45 phút cùng ngày, 2 quả đạn pháo rơi trúng nhà bà, ông Cảnh tử vong tại chỗ. “Tôi không tin là sự thật bởi nếu chiến đấu với giặc thì chồng tôi có nhiều kinh nghiệm. Ông Cảnh tham gia chiến trường miền Nam. Năm 1972, ông chiến đấu tại mặt trận Bình Trị Thiên ác liệt mà không hề hấn gì”. Bà Lan nói.

Nhân ngày giỗ 17/2, tập thể lãnh đạo bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn đến gia đình liệt sỹ Nguyễn Thị Thủy ở phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn thắp nhang, dâng hoa tưởng niệm. Bác sĩ Phan Thanh Huy, giám đốc bệnh viện cho biết: Sáng 17/2/1979, chiến sự xảy ra ác liệt ở khu vực Đồng Đăng làm nhiều cán bộ, người dân và bộ đội địa phương hy sinh, bị thương.

Lạng Sơn: Đại giỗ chung ngày 17/2 ảnh 2  Cán bộ bệnh viện Đa khoa Lạng Sơn thắp nhang tưởng niệm bác sỹ Nguyễn Thị Thủy đã hy sinh sáng 17/2/1979 .Ảnh: Duy Chiến

Nhận nhiệm vụ, các cán bộ của Bệnh viện đa khoa Lạng Sơn bao gồm: bác sỹ Nguyễn Thị Thủy (khi đó 27 tuổi), y tá Nguyễn Thị Sâm (23 tuổi) và lái xe cứu thương Lê Văn Thuận (40 tuổi) vượt qua tuyến lửa đạn lên biên giới. Sau 2 đợt, họ đã chuyển được hàng chục người bị thương về tuyến sau cấp cứu.

Đến tầm trưa, nhóm cán bộ y tế lọt vào ổ phục kích của địch tại khu vực cầu Khuổi Mươi (nay thuộc thôn Khuổi Mươi, xã Thụy Hùng, huyện Cao Lộc). Cả 3 cán bộ của bệnh viện đều hy sinh.

Lạng Sơn: Đại giỗ chung ngày 17/2 ảnh 3 Tưởng nhớ chỉ huy, chiến sỹ đồn Biên phòng Hữu Nghị đã ngã xuống vì biên cương Tổ quốc - Ảnh: Duy Chiến

Ở thị trấn Đồng Đăng, ngày 17/2 có hàng trăm hộ gia đình tổ chức cúng giỗ cho người thân đã mất trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới, nhất là khu vực pháo đài Đồng Đăng. Nhiều người mang hương, hoa, lễ vật đến đây thắp hương, cầu khấn vong linh người khuất siêu thoát. Nơi đây, chính quyền địa phương và nhân dân mới tìm thấy hơn 30 bộ hài cốt ở tầng hầm đầu tiên. Đến nay vẫn chưa ai tiếp cận được tầng hầm thứ 3, nơi ước tính còn hàng trăm hài cốt nằm lại.

Lạng Sơn: Đại giỗ chung ngày 17/2 ảnh 4

Các cơ sở thờ tự ở Lạng Sơn làm lễ cầu siêu cho những người tử vong ngày 17/2/1979 - Ảnh: Duy Chiến

 

Trưa 16/2, tại đền Mẫu Thoải, phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn nằm bên bờ sông Kỳ Cùng, hàng ngàn người dân tham dự “Khai xuân Kỷ Hợi” và “Lễ cầu siêu cho các Anh hùng liệt sỹ, cán bộ nhân dân đã tử nạn trong cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc” (17/2/1979- 17/2/2019).

MỚI - NÓNG