Lạng Sơn: Phòng học xây ẩu gây nhiều bức xúc

Lạng Sơn: Phòng học xây ẩu gây nhiều bức xúc
TP - Gần đây, tại Lạng Sơn, dư luận lại đồng loạt lên tiếng về hàng loạt công trình không đảm bảo chất lượng, có dấu hiệu “rút ruột”, hoặc xây dựng trường học dở dang gây lãng phí tiền của nhà nước.

Trường tiểu học Khánh Hòa (thuộc xã Quốc Khánh, huyện Tràng Định) có 13 lớp với 324 học sinh. Nhiều em học sinh là người dân tộc ở vùng sâu, vùng xa đi bộ đến trường học chính đến gần 7km.

Chính vì vậy, trường Khánh Hoà được cấp trên quyết định cho xây dựng thêm phân trường Lũng Xá (cách trường chính chừng 5 km). Theo thiết kế, phân trường Lũng Xá được xây dựng gồm 2 phòng học, một phòng chờ, một bể nước và một nhà vệ sinh.

Toàn bộ công trình được đầu tư khoảng 145 triệu đồng do Cty TNHH Nam Sơn (huyện Tràng Định) thi công.

Đến tháng 1/2006, khi công trình hoàn thành, tiến hành làm thủ tục nghiệm thu, Ban Giám hiệu trường Tiểu học Khánh Hòa được mời đến ký biên bản giao nhận công trình, cô giáo Hoàng Thị Thêm, dân tộc Tày, Hiệu trưởng cương quyết không ký vào biên bản.

Cô bức xúc lý giải: Nhà trường là đơn vị quản lý, sử dụng công trình nhưng chỉ duy nhất một lần nhà trường được “đi đo đất cùng” còn khởi công, quá trình xây dựng nhà trường không được hay biết tý gì.

Điều quan trọng hơn đó chính là chất lượng công trình không đảm bảo. Không thuyết phục được cô Hiệu trưởng, đơn vị thi công cũng lập tức “cửa đóng then cài” đã 5 tháng nay.

Còn công trình dãy nhà học số 2 trường PTCS xã Sàn Viên (huyện Lộc Bình) mới xây xong và đưa vào sử dụng từ năm 2003 cùng với nhà ở cho giáo viên đến công trình vệ sinh đều thi công rất ẩu.

Tường bị xé dọc, xé ngang có nguy cơ bị đổ bất cứ lúc nào. Bên cạnh đó tại dãy nhà số 1 được đưa vào sử dụng từ năm 2001, cả tường trước, tường sau và đầu hồi đều bị nứt. Trần nhà bị bong từng mảng.

Năm học vừa qua, mặc dù rất thiếu phòng học nhưng vì sự an toàn tính mạng của thầy và trò, nhà trường cùng địa phương buộc phải đóng cửa phòng học này lại.

Còn dãy nhà ở cho giáo viên được xây xong từ năm 2002, đến khi nghiệm thu, địa phương mới được mời đến… giám sát (?!). Chỉ vài ngày sau, công trình đã bị đổ, xã không ký vào biên bản nghiệm thu, người ta đành xây lại. Và đến bây giờ mới qua 3 năm sử dụng, những vết nứt của tường mỗi ngày một rộng hơn...

Trường chưa xây xong đã... hoang phế

Trường THPT Tràng Định (huyện Tràng Định) được đầu tư sửa chữa, nâng cấp toàn bộ khu trường và được xây mới các hạng mục gồm 28 phòng học, phòng chờ, nhà ở cho giáo viên và học sinh cùng một nhà thực hành với tổng số vốn đầu tư khoảng 5 tỷ 600 triệu đồng.

Công trình thi công tháng 4/2004 do Cty Phát triển Hạ tầng đô thị Lạng Sơn đảm nhiệm. Tuy nhiên chưa đầy một năm sau, vào tháng 1/2005, bỗng dưng công trình “tạm nghỉ”, đơn vị thi công đã rút toàn bộ công nhân để lại khu nhà giáo viên và khu lớp học chưa trát vữa.Trải qua mưa nắng, công trình xuống cấp, nhiều cọc sắt thép đã hoen gỉ...

Công trình bị bỏ dở giữa chừng khiến trên 2.000 học sinh đang thiếu lớp học, lớp phải “sơ tán” lên phân trường Bình Độ để học. Một số giáo viên người dân tộc nhà ở xa đã phải ăn nhờ, ở đậu các cơ quan xung quanh trường trong cảnh chen chúc, chật chội của những căn nhà cấp 4 dột nát…

Chung một cảnh ngộ, Trường THCS Dân tộc Nội trú huyện Lộc Bình được xây mới ở khu đầu cầu Pò Lọi (thị trấn Lộc Bình) từ cuối năm 2001 và đã xây xong phần thô gồm 4 ngôi nhà.

Thế rồi không hiểu vì sao, công trình “chết yểu” từ cuối năm 2002 cho đến nay. Trải qua 4 năm phơi mình cùng sương, nắng công trình như một khu nhà hoang, cỏ mọc um tùm và đang ngày một hoang phế.

Đã đến lúc cần phải “mổ xẻ” quyết liệt đối với những sai phạm, lãng phí lớn tại các công trình xây dựng phục vụ giáo dục ở Lạng Sơn. Dư luận đòi hỏi các cấp chính quyền và ngành chức năng sớm vào cuộc và có biện pháp xử lý những sai phạm kể trên.

MỚI - NÓNG