Lạng Sơn: Tan nát rừng đặc dụng Hữu Liên

Lạng Sơn: Tan nát rừng đặc dụng Hữu Liên
TP - Trong chuyến đi thực tế sâu trong rừng Hữu Liên (huyện Hữu Lũng - Lạng Sơn) chúng tôi tận mắt chứng kiến máu rừng đang đổ hàng ngày, hàng giờ, vậy mà các ngành chức năng ở tỉnh dường như bó tay.
Lạng Sơn: Tan nát rừng đặc dụng Hữu Liên ảnh 1

Điểm tập kết gỗ tại cửa rừng (thôn Nà Noọc, xã Vạn Linh, huyện Chi Lăng)

Điều đáng nói là ngoài số “cửu vạn” tiếp tay thì chủ rừng, thậm chí một số cán bộ bảo vệ rừng cũng ăn tiền “làm luật”, hà hơi tiếp sức cho kẻ phá rừng.

Ngủ rừng cùng lâm tặc

Chúng tôi nhằm thôn Mỏ Cấy, xã Vạn Linh, huyện Chi Lăng khởi hành. Đây là một trong những điểm giáp ranh với rừng Hữu Liên. Chập tối, qua thôn Lân Cốc, Nà Nộc (xã Vạn Linh) ngay ở cửa rừng đã thấy hàng chục khối gỗ thành phẩm nằm la liệt mới tập kết tại đây để cho đám xe Minsk đến “ăn” rồi nhằm đêm tối chở đi. Chúng tôi men theo đường mòn đi vào sâu trong rừng.

Càng vào sâu càng cảm thấy khó thở. A Phương - người dẫn đường động viên: “Tý nữa là đến khu vực các anh sẽ thấy rừng đặc dụng vẫn còn sót những cây gỗ quý hàng trăm năm tuổi và cả sức tàn phá của bọn lâm tặc.

Quả thật, trước mắt chúng tôi là những cây rừng tự nhiên cao ngút, ngẩng lên nhìn ngọn mà chóng mặt. Có những cây nghiến to hai người ôm lừng lững. Ấy vậy mà chỉ loáng cái, sau ít phút rú rít của cưa máy chạy bằng dầu, cây đã đổ gục. Trong rừng sâu, nhộn nhạo những người. Từng tốp cưa, chặt đông như trẩy hội. Người hạ cây, người cưa cắt thành tấm rất miệt mài.

Cây cổ thụ to là thế, chỉ vài tiếng đồng hồ đã được đám thợ xẻ thành hàng chục tấm gỗ vuông thành, sắc cạnh. Rồi những cục thớt nghiến to như chiếc bánh xe vứt chỏng chơ để người dân bản địa đến khuân vác ra bìa rừng.

Cánh rừng này nằm ở ngã ba giáp ranh giữa các huyện Chi Lăng, Văn Quan và Bắc Sơn. Chúng tôi bước vào một cái lán dựng sát vào vách đá. Bên trong chất đầy xoong nồi, quần áo, cưa, rìu.

Bên ngoài để can dầu, xăng chạy máy cưa, nước uống. Đây có thể là “đại bản doanh” nên lán có vẻ hoành tráng hơn cả. Tôi đảo mắt quanh và nhẩm đếm được gần chục lán, mỗi lán có độ 3- 5 người.

Những người khai thác gỗ này cũng chỉ là “cửu” được một số “cai” sắm cho máy cưa để đốn gỗ. Mỗi khúc gỗ nghiến thành phẩm đường kính 40 cm mang ra cửa rừng bán được khoảng 70 ngàn đồng, một thanh gỗ lý khi đưa ra khỏi rừng có thể bỏ túi ngay vài trăm ngàn đồng.

Trời sập tối. Đám trai tráng lấy cưa ra mài, giũa cho công việc ngày hôm sau. Đống lửa được nhen lên để xua đi cái lạnh buốt xương và đàn muỗi rừng to tướng cứ nhằm người lao tới. Đôi ba tiếng hát giọng khê đặc lè nhè cất lên và tiếng rít thuốc lào sòng sọc. Tôi buột miệng hỏi một “đại ca” trông mặt khá lạnh và sắc: “Anh làm  công việc này lâu chưa? Không sợ công an, kiểm lâm sao?”.

Anh ta cười hềnh hệch: “Cũng gần chục năm thôi. Ban đầu thì đi vác gỗ thuê sau chuyển sang “cai cửu”. Làm nghề gì mà chẳng có kiểu cách. Nếu không làm sao thoát được vô khối các đội, trạm canh giữ xung quanh rừng”.

Giọng anh ta bỗng chùng xuống: “Tuy thế đời cũng bạc bẽo lắm. Cái đói, rét luôn thường trực nếu như xuất hiện những trận mưa to. Đường trơn, có thằng rơi xuống vực không lấy được xác. Nhiều lúc nghe trên đài thông báo tìm người thân nghe mà xót xa”.

Lộ mặt kẻ phá rừng

Rừng đặc dụng Hữu Liên có tổng diện tích tự nhiên là 10.604 ha, trong đó có 7.436,6 ha thuộc diện khoanh nuôi, bảo vệ, được coi là lá phổi của vùng Đông Bắc. Trong đó có nhiều loài cây nguyên sinh quý hiếm hàng trăm năm tuổi như lim, nghiến, sến, táu...

Trải qua những chặng đường vất vả cũng như những chứng kiến các điểm phá rừng tứ phía từ Lân Cà (huyện Bắc Sơn), Hữu Lễ (huyện Văn Quan) và trong “vùng trũng” Hữu Liên có hàng chục nhóm lâm tặc thi nhau chặt phá rừng.

Điều đáng nói là hàng năm Nhà nước bỏ ra rất nhiều tiền để giao rừng cho dân bảo vệ thế nhưng rừng cũng không giữ nổi. Ví như tại xã Hữu Lễ, các ngành chức năng đã giao 21 người quản lý 205 ha với mức khoán bảo vệ là 45 ngàn đồng/ha/năm.

Người ta còn khắc dấu lên thân cây to để dễ kiểm tra, kiểm soát nhưng rồi rừng vẫn mất. Nhiều vụ, thủ phạm lại chính là chủ rừng được giao khoán, họ bắt tay với lâm tặc để kiếm lời. Xã Hữu Liên (huyện Hữu Lũng) có trên 400 hộ dân được giao khoán cũng xảy ra tình trạng “chảy máu” tài nguyên  rừng.

Theo thống kê của các ngành chức năng, ở riêng xã này cũng có tới 200 hộ dân có cưa máy  chạy xăng. Nhưng lâm tặc không thể tự mình ngang nhiên phá rừng. Một người dân địa phương chuyên nghề chở thớt nghiến tên là Hùng kể vanh vách thủ đoạn “bôi trơn” để con đường thớt gỗ được thông suốt: Mỗi lần qua trạm kiểm soát đầu rừng Hữu Liên, mỗi xe Minsk chở thớt phải chi 50 ngàn đồng/lượt.

Sau khi đủ 5 - 10 xe thì mới bật ba-ri- e cho qua. Chưa hết, tại đỉnh dốc Ba Mìn, Đèo Trá lại có một tốp khác đứng ra thu tiền “làm luật”. Theo lời của Hùng, đây là lực lượng của xã (?!).

Đối với đám này, chỉ cần để tờ tiền 20 ngàn đồng trên tay lái là được qua ngay, khỏi cần trình bày. Cánh xe Minsk “bay” chở gỗ, thớt nghiến chủ yếu hoạt động từ chập tối cho đến rạng sáng. Từng đoàn lặc lè hàng trên xe, tiếng động cơ gào rú suốt đêm.

Nếu không có việc “nhắm mắt cho qua” của các ngành chức năng thì khó lòng vượt qua được con đường độc đạo từ Hữu Liên ra thị trấn Hữu Lũng, để từ đó lâm sản mang về xuôi hoặc ngược sang Trung Quốc tiêu thụ.

Chúng tôi đến Ban Quản lý rừng đặc dụng Hữu Liên (trực thuộc Sở NN &PTNT tỉnh Lạng Sơn) thấy vắng hoe. Ban quản lý có 10 cán bộ, được thành lập từ cuối năm 2006, chính thức đi vào hoạt động từ tháng 1/2007 mới xử lý, chuyển Kiểm lâm huyện được 1 vụ phá rừng. Nhưng ít nhất đến nay đã có 2 cán bộ bị xử lý kỷ luật vì tiếp tay cho lâm tặc.

Ngày 15/8, tổ công tác của phòng PC 15 (CA tỉnh Lạng Sơn) đã bắt quả tang Lưu Hoài Vũ (SN 1972) là cán bộ của Ban quản lý rừng đặc dụng Hữu Liên đang có hành vi nhận tiền hối lộ 1,1 triệu đồng. Vũ khai nhận trong những lần được cử đi tuần tra bảo vệ rừng đã thu tiền “làm luật” mỗi cưa máy từ 500 ngàn đến 2 triệu đồng. Nếu như ai không chịu cống nộp sẽ bị thu cưa máy mang về Ban quản lý rồi đòi tiền chuộc.

Như vậy, bước đầu đã lộ ra những con “mọt” rừng, cơ quan điều tra đang củng cố hồ sơ và sẽ lôi ra ánh sáng những đối tượng mất chất khác trong nay mai.

Chúng tôi rời những vạt rừng vào lúc chạng vạng. Nhìn về sau lưng, buổi hoàng hôn như tím bầm bởi những khoảng  rừng chảy máu đang cất tiếng kêu cứu.

MỚI - NÓNG
Ngừng phiên tòa tranh chấp liên quan đến Hoa hậu Lê Hoàng Phương
Ngừng phiên tòa tranh chấp liên quan đến Hoa hậu Lê Hoàng Phương
TPO - Sau khi xuất hiện bằng chứng mới, Hội đồng xét xử quyết định tạm dừng phiên tòa  tranh chấp Hợp đồng quảng bá thương hiệu giữa Ban tổ chức cuộc thi Miss Grand Vietnam 2023 (BTC) và Công ty Cổ phần Bệnh viện Phẫu thuật thẩm mỹ Nam An (Bệnh viện Nam An), trong đó Hoa hậu Lê Hoàng Phương tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.