Lãnh đạo Hà Nội, TPHCM không phải khoán xe công

Lãnh đạo Hà Nội, TPHCM không phải khoán xe công
TPO - Ông Trần Đức Thắng, Cục trưởng Quản lý Công sản (Bộ Tài chính) cho biết, dự thảo khoán xe công có xét tới yếu tố đặc thù của Hà Nội, TPHCM và cơ quan Đảng sẽ không thực hiện khoán kinh phí xe đưa đón đi làm, mà vẫn bố trí xe riêng phục vụ thường xuyên. 

Theo ông Trần Đức Thắng, Bộ Tài chính đưa ra lấy ý kiến việc khoán kinh phí sử dụng xe công. Theo đó, những chức danh dự kiến sẽ khoán (bắt buộc) kinh phí xe đưa đón từ nhà tới nơi làm việc và ngược lại gồm: Thứ trưởng và tương đương; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND, UBND, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội chuyên trách các tỉnh thành; Chủ tịch HĐQT, HĐTV và Tổng giám đốc các tập đoàn kinh tế nhà nước.

Với các chức danh này, theo ông Thắng, trường hợp cần thiết phải bố trí xe phục vụ đưa đón từ nơi ở đến nơi làm việc và ngược lại với các chức danh này, các Bộ, ngành có thể bố trí xe để đưa đón các chức danh này từ nơi ở đến nơi làm việc. Tuy nhiên, về người có quyền quyết định, Bộ Tài chính đề xuất 2 phương án:

Thứ nhất: Do điều kiện không thể thực hiện khoán kinh phí với các chức danh lãnh đạo, người đứng đầu bộ ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế phải báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định. Những trường hợp như: Để đảm bảo bí mật, an toàn, do điều kiện khó khăn…

Phương án 2: Người đứng đầu bộ ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế tự xem xét quyết định.

“Trên cơ sở lấy ý kiến các bộ ngành địa phương, Bộ Tài chính sẽ nghiên cứu trình phương án trình Thủ tướng cho phù hợp. Nếu chúng ta thực hiện được việc khoán xe chức danh như trên, có thể giảm khoảng 700 xe công phục vụ chức danh”, ông Thắng nói. Trong khi hiện cả nước có khoảng 864 xe phục vụ chức danh.

Sau khi khoán kinh phí xe đưa đón từ nhà tới cơ quan, những lãnh đạo trên khi đi công tác sẽ được bố trí xe công phục vụ công tác chung, nhận khoán kinh phí sử dụng xe hoặc thuê xe dịch vụ.

Riêng ở cấp địa phương, dự thảo của Bộ Tài chính có xét tới yếu tố đặc thù của Hà Nội, TPHCM và cơ quan Đảng sẽ không thực hiện khoán kinh phí xe đưa đón đi làm, mà vẫn bố trí xe riêng phục vụ thường xuyên (đưa đón đi làm, công tác).

Cụ thể, Bí thư Thành ủy Hà Nội và TPHCM là Ủy viên Bộ Chính trị nên được bố trí một xe phục vụ thường xuyên trong suốt thời gian công tác, chủng loại xe do Thủ tướng quyết định, giá phù hợp theo thị trường.

Hà Nội và TPHCM chỉ thực hiện khoán (bắt buộc) kinh phí xe công đưa đưa đón đi làm với các chức danh: Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch HĐND, Phó Chủ tịch UBND, Ủy viên Ban thường vụ Thành ủy, Chủ tịch UB Mặt trận Tổ quốc.

Bí thư tỉnh ủy, thành ủy các tỉnh thành trực thuộc trung ương; phó bí thư thành ủy, Chủ tịch HĐND, UBND, trưởng đoàn đại biểu Quốc hội của Hà Nội và TPHCM được bố trí 1 xe công giá tối đa 1,1 tỷ đồng phục vụ thường xuyên suốt thời gian công tác.

Theo ông Thắng, nếu thực hiện khoán kinh phí sử dụng xe công sẽ giúp giảm khoảng 1 nửa chi phí ngân sách phải bỏ ra để nuôi xe công. Cả người nhận khoán và nhà nước đều được hưởng lợi.

Theo đó, hiện kinh phí chi trả cho một xe công khoảng 320 triệu đồng/xe/năm, trong khi cả nước hiện có khoảng cả nước có 34.211 ô tô công. Trong đó, xe phục vụ chức danh là 864 chiếc, công tác chung 17.047 chiếc và xe chuyên dùng hơn 16.300 chiếc.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.