Lãnh đạo Hội Phụ nữ lên tiếng vụ “PGĐ Sở bẻ hoa”

 "Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Tuyết trả lời báo chí về vụ PGĐ Sở ở Bình Thuận được cho là bẻ hoa chụp ảnh"
"Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Tuyết trả lời báo chí về vụ PGĐ Sở ở Bình Thuận được cho là bẻ hoa chụp ảnh"
TPO - Theo lãnh đạo Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, hành động một PGĐ Sở ở Bình Thuận được cho là bẻ hoa anh đào ở Đà Lạt để chụp ảnh là thiếu văn hóa, rất phản cảm và ảnh hưởng rất lớn đến hình ảnh của chị em phụ nữ Việt Nam.

Sáng 9/3, ĐH Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam khóa XII đã bế mạc. Thông tin nhanh tại họp báo, đại diện Hội cho biết, Hội nghị lần thứ nhất BCH T.Ư Hội LHPN Việt Nam khóa XII đã thống nhất số lượng ủy viên Đoàn chủ tịch là 33 ủy viên và đã bầu 31 ủy viên tại Hội nghị Ban chấp hành khóa XII lần thứ 1.

Ban chấp hành đã tín nhiệm bầu bà Nguyễn Thị Thu Hà - Ủy viên T.Ư Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam khóa XI tiếp tục tái cử Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam khóa XII. Ban chấp hành cũng đã bầu 4 Phó chủ tịch Hội là các đồng chí Bùi Thị Hòa, Trần Thị Hương, Hoàng Thị Ái Nhiên và Nguyễn Thị Tuyết.

Phát biểu tại cuộc họp báo, bà Nguyễn Thị Thu Hà, Chủ tịch Hội LHPN khóa XII cho biết, Ban Chấp hành T.Ư Hội khóa XII thể hiện tính kế thừa và đổi mới, mở rộng tính liên hiệp, đại diện tiêu biểu cho các tầng lớp phụ nữ trong cả nước, có đủ tiêu chuẩn, phẩm chất, năng lực, tâm huyết và gắn bó sự nghiệp bình đẳng và phát triển của phụ nữ Việt Nam và gánh vác trọng trách mà ĐH đã tin tưởng giao phó.

Xin bà cho biết về nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, đặc biệt là về chăm lo cho các hội viên phụ nữ?

Chủ tịch Hội Nguyễn Thị Thu Hà: Trong phần liên quan đến phản biện chính sách xã hội, có một việc họp báo trước ĐH tôi đã đề cập đến là rất muốn làm và thời gian tới vô cùng cần sự vào cuộc của cơ quan báo chí để lên tiếng mạnh mẽ hơn với sự bạo hành, vấn nạn bạo lực, xúc phạm đến nhân phẩm, danh dự của chị em phụ nữ.

Đây là điều rất nhức nhối và chúng tôi tự nhận thấy là Hội chưa có được tiếng nói thực sự mạnh mẽ, thuyết phục, bản lĩnh trong lĩnh vực này. Đây là điều chúng tôi rất muốn làm tuy nhiên không phải dễ. Chúng tôi sẽ cố gắng để làm để bảo vệ cho phụ nữ, trẻ em trước vấn đề như vậy.

Chúng tôi hiện nay đang xây dựng đề án tuyên truyền, vận động hỗ trợ phụ nữ chủ động tham gia giải quyết các vấn đề xã hội có liên quan đến phụ nữ bao gồm cả vấn đề giáo dục đạo đức, vấn đề phòng chống bạo lực gia đình, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm và vấn nạn mua bán phụ nữ, trẻ em.

Chúng tôi tiếp cận theo chức năng, nhiệm vụ tuyên truyền, vận động, hỗ trợ và chăm lo cho quyền, lợi ích chính đáng của phụ nữ. Nhưng chúng tôi không thể đủ nguồn lực, khả năng để đi đến từng đối tượng một, hỗ trợ theo kiểu cho con cá cụ thể. Chắc chắn thì không thể được. Đúng tinh thần hiện nay là phát huy quyền làm chủ, nội lực của chị em phụ nữ và lấy chính cái nội lực đó để giúp nhau.

Lãnh đạo Hội Phụ nữ lên tiếng vụ “PGĐ Sở bẻ hoa” ảnh 1

Bà Nguyễn Thị Thu Hà trúng cử chức Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam khóa XII

Trong thời gian qua có nhiều vụ việc liên quan đến hình ảnh người phụ nữ Việt Nam như vụ bẻ hoa ở Đà Lạt, nữ trưởng phòng ở Sở xây dựng Thanh Hoá được bổ nhiệm thần tốc, chụp ảnh phản cảm, ăn mặc hở hang để nổi tiếng trên mạng xã hội. Hội có quan điểm như thế nào về việc này?

Phó Chủ tịch Hội Nguyễn Thị Tuyết: Đúng là trong thời gian vừa qua, qua theo dõi các kênh thông tin, chúng ta thấy rằng có một số bài báo, thông tin về một số hình ảnh rất phản cảm, một số cá nhân phụ nữ cũng để lại cho công chúng, người đọc những cảm giác chưa thực sự hài lòng lắm với hình ảnh người phụ nữ Việt Nam.

Trong thời gian vừa qua, đặc biệt từ năm 2010, Hội Phụ nữ Việt Nam cũng rất quan tâm đến vấn đề có tình trạng phụ nữ đã mai một phẩm chất tốt đẹp của thế hệ phụ nữ Việt Nam. Cũng có hình ảnh chúng ta gọi là xuống cấp.

Chúng tôi đã thực hiện đề án tuyên truyền phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và sau 5 năm hội đã tổng kết đề án này.

Trong bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ở ĐH thì cũng đã nhắc đến phụ nữ Việt Nam sẽ rèn luyện, phấn đấu 4 phẩm chất đạo đức của người phụ nữ Việt Nam trong thời kỳ hiện đại hóa công nghiệp hóa là tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang. Tiếp nối đề án đó hiện nay, Hội tiếp tục đề xuất Chính phủ tiếp tục đề án tuyên truyền vận động phụ nữ tham gia giải quyết các vấn đề liên quan đến phụ nữ.

Trong đề án có rất nhiều vấn đề cần giải quyết như bạo lực gia đình, buôn bán phụ nữ….và có một nội dung là tiếp tục tuyên truyền giáo dục chị em rèn luyện các phẩm chất của người phụ nữ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Hội có lên tiếng về các vụ việc thu hút sự chú ý của dư luận, nhất là những lùm xùm tình ái, ăn mặc hở hang thu hút sự chú ý của công luận…để giữ gìn hình ảnh người phụ nữ Việt Nam?

Hiện nay phụ nữ Việt Nam vẫn được thế giới, nhân dân luôn luôn định hình với hình ảnh dịu dàng, kín đáo và là một vẻ đẹp rất riêng của văn hóa Á Đông. Những hình ảnh như trên đã nói theo quan điểm của chúng tôi có thể nói là thiếu văn hóa, rất phản cảm.

Trong tuyên truyền giáo dục phẩm chất thì cũng có cụ thể hướng dẫn chị em việc gì nên làm, việc gì không nên làm. Ví dụ ở nơi công cộng, nơi vườn hoa mà ngắt hoa là không được rồi. Chúng ta phải là tấm gương để giáo dục cho trẻ em. 

Chúng tôi có rất nhiều hình thức, viết bài viết, tài liệu, poster, sân khấu, không phải thể hiện trong sân khấu đâu mà còn đưa vào sinh hoạt Hội. vào các buổi sinh hoạt tại cộng đồng sẽ phát huy được hiệu quả, định hướng được chị em.

Về nữ trưởng phòng ở Sở Xây dựng Thanh Hóa thì hiện mới chỉ là thông tin, bao giờ chuyện đó rõ ràng thì chúng ta mới bàn tiếp. Nhưng tất nhiên mọi vi phạm đạo đức thì chúng tôi hoàn toàn phản đối.

Chúng tôi rất phản đối những người phụ nữ vi phạm về các phẩm chất đạo đức. Tôi nghĩ rằng không chỉ cơ quan Hội đâu mà tất cả người phụ nữ Việt Nam chân chính, từ các em thanh niên rất trẻ đến các bác cao tuổi đều không đồng tình.

Về vấn đề ăn mặc, tất nhiên chúng ta tiếp thu văn hóa nhưng phải phù hợp với văn hóa người Việt Nam. Tôi nghĩ việc ăn mặc là quyền của mỗi cá nhân tuy nhiên, chúng ta vẫn phải tôn trọng cộng đồng, tôn trọng những nơi mình đến. Ví dụ không thể mặc bộ dạ hội đi vào trong một hội nghị. Nó phải phù hợp với văn hóa của mình, tiếp thu có chọn lọc, hòa nhập nhưng không hòa tan. 

MỚI - NÓNG