Lãnh đạo TP HCM 'giải phẫu' quá tải bệnh viện

Quá tải đến nỗi nhiều năm nay bệnh nhi điều trị ở BV Nhi Đồng 1 TPHCM phải nằm ra cả hành lang. Ảnh: Lê Nguyễn.
Quá tải đến nỗi nhiều năm nay bệnh nhi điều trị ở BV Nhi Đồng 1 TPHCM phải nằm ra cả hành lang. Ảnh: Lê Nguyễn.
TP - Ngày 6/3 diễn ra buổi làm việc giữa Bộ Y tế,  lãnh đạo Thành ủy TPHCM và các bệnh viện trên địa bàn về tình trạng quá tải bệnh viện trong khi các dự án giảm tải chậm tiến độ. Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng xót xa khi chứng kiến quá tải ở bệnh viện.

Tại cuộc họp, bác sĩ Phan Văn Báu, Giám đốc Bệnh viện Nhân dân 115, cho rằng TPHCM “cõng” 40%-50% bệnh nhân các tỉnh. Thế nhưng, hệ thống bệnh viện công đã quá tải trong khi y tế tư nhân vẫn chưa được khai thác hết. Bệnh viện Nhân dân 115 quá tải nhưng Bệnh viện tư Quốc tế City gần đó  lại vắng khách. 

Theo bác sĩ Báu, dù cả hai đã bắt tay hợp tác nhưng chưa có cơ chế rõ ràng. Lý do là bệnh nhân điều trị dịch vụ ở Bệnh viện Nhân dân 115 được áp một giá nhưng ở Bệnh viện Quốc tế City thì giá khác nên việc thanh toán BHYT cũng khác. Bác sĩ Võ Đức Chiến, Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Tri Phương nói, quá tải bệnh viện là đương nhiên, bởi theo ông 40 năm qua thành phố xây mới được vài bệnh viện. “Phải tạo điều kiện thúc đẩy các dự án bệnh viện, chứ không thể cơ chế bình cũ rượu cũng cũ thì khó mà giảm tải, nâng cao chất lượng”, bác sĩ Chiến nói.

Giảm tải

Lãnh đạo TP HCM 'giải phẫu' quá tải bệnh viện ảnh 1 Ông Thăng đến thăm Trạm y tế phường Bình Hưng Hòa A (quận Bình Tân) nơi có 100 nghìn dân chỉ có 50 thẻ BHYT đăng ký.   Ảnh: Quốc Ngọc.

Bác sĩ Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho rằng ngành Y tế đã cố gắng nâng cấp, mở rộng cơ sở vật chất và nhân lực nhưng TPHCM vẫn chưa đáp ứng hết nhu cầu người bệnh. Giải pháp, theo ông Thượng, TPHCM tập trung tăng giường bệnh, xây dựng bệnh viện mới, nâng cấp các bệnh viện công, phát triển hệ thống y tế tư nhân. Tuy nhiên, hiện thành phố cũng chỉ mới có một số công trình cơi nới của các bệnh viện hoàn thành, các dự án xây mới như Bệnh viện Nhi thành phố, Khu khám, chẩn đoán, điều trị kỹ thuật cao của Bệnh viện Ung Bướu, mở rộng Bệnh viện Tai Mũi Họng, Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình vẫn ì ạch.

Để giảm tải, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, TPHCM cần tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, tăng số giường bệnh nhưng quan trọng hơn là khuyến khích xã hội hóa, kết hợp công-tư. “Chú trọng đến đầu tư đội ngũ y bác sĩ không chỉ đáp ứng về số lượng mà cả chất lượng. Trang thiết bị, máy móc có thể mua được ngay nhưng nhân lực thì không thể có ngày một ngày hai”- bà Tiến nói.

Khi nghe đến việc giảm tải khó khăn, Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng bày tỏ: “Tôi không thể tưởng tượng được tại một thành phố văn minh, hiện đại, lớn nhất nước như TPHCM mà lại có một bệnh viện xập xệ, manh mún như Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình”. Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, việc đầu tư cơ sở hạ tầng cho y tế công còn khiêm tốn,  cơ sở vật chất các bệnh viện chủ yếu là trước 1975, giờ mới chỉ cơi nới thêm.

Ông Thăng yêu cầu tháng 9 năm nay đưa vào sử dụng Bệnh viện Nhi đồng TPHCM tại huyện Bình Chánh. Đồng thời, tháo gỡ các vướng mắc, bảo đảm ngày 2/4, có thể khởi công xây dựng Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2. Về dự án Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình, Bí thư Thành ủy TPHCM yêu cầu giải quyết sớm quỹ đất, thậm chí thay đổi nhà đầu tư để bảo đảm tiến độ. “Tôi đề nghị các bệnh viện phải khẩn trương đẩy mạnh xã hội hóa với mục đích hướng đến quyền lợi của người dân. Đừng sợ xã hội hóa mạnh sẽ sai định hướng XHCN nếu điều đó bảo đảm người dân hưởng lợi nhất. XHCN chính là tạo cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân”, ông Thăng nhấn mạnh.

Cứ đấu thầu nếu người bệnh được lợi

PGS Phạm Khánh Phong Lan - Phó giám đốc Sở Y tế thành phố cho rằng, bên cạnh ưu điểm, đấu thầu thuốc tập trung có nhiều hạn chế. “Đấu thầu tập trung nhưng nhân lực không có, giám đốc Sở Y tế kiêm nhiệm Giám đốc Trung tâm mua sắm thì như vừa đá bóng vừa thổi còi”, bà Lan nói. 

Theo bà  Lan, về giá thuốc, khi đấu thầu có nguyên tắc chia nhóm để tránh tình trạng chỉ thuốc rẻ trúng thầu. “Đôi khi chúng ta chỉ nhấn mạnh việc tiết kiệm cho quỹ BHYT, trong khi về giá trị điều trị thì chưa biết. Nếu nói đấu thầu tập trung tiết kiệm thì tôi xin nói con số 1.400 tỷ đồng tiết kiệm được là lấy giá kế hoạch trừ đi giá trúng thầu chứ không phải là so sánh giữa hai mặt hàng có cùng chủng loại. Cho nên con số đó, tiết kiệm đó không có ý nghĩa”, bà Lan nói.

Theo bà Lan vì thuốc giá rẻ vào bệnh viện, có tình trạng bác sĩ bệnh viện tránh kê đơn thuốc BHYT cho bệnh nhân vì e ngại chất lượng và khuyên bệnh nhân dùng thuốc tự chi trả. Từ bất cập trên, bà Lan đề nghị với Bí thư Thành ủy “không phải thuốc nào cũng phải đấu thầu”. “Ngoài ra, phải tăng cường tính tự chủ cho bệnh viện. Khi đi nắm tình hình, tôi thấy rất đau khi bệnh viện tự chủ là nhà nước không chi tiền nữa, nhưng bất cứ cử động gì từ tổ chức, tài chính, cho đến mua sắm… cái gì cũng phải xin. Cơ chế xin cho mất thời gian, nảy sinh nhiều vấn đề và quan trọng nhất là không phát huy được tính chủ động sáng tạo của đội ngũ trí thức tại bệnh viện”, bà Lan nói.

Bí thư Đinh La Thăng đặt vấn đề: kết dư BHYT là thật hay là do không thanh toán cho người dân? “Đừng lấy kết dư BHYT làm thành tích”. Và theo ông, UBND thành phố và Sở Y tế phải phân cấp tối đa cho bệnh viện tự chủ toàn diện.

Bí thư Đinh La Thăng cho rằng một thành phố có chất lượng sống tốt, văn minh thì không có chuyện người dân ăn thức ăn bẩn. Ông Thăng đề nghị không giao cho 3 sở quản lý thực phẩm như hiện nay mà chỉ Sở Y tế chịu trách nhiệm. “Nếu chưa có quy định thì TPHCM kiến nghị cho thí điểm Sở Y tế chịu trách nhiệm làm đầu mối”- ông Thăng nói.

MỚI - NÓNG