Lào Cai: Báo động về rượu San Lùng giả

Lào Cai: Báo động về rượu San Lùng giả
Lào Cai vốn nổi tiếng có rượu San Lùng được ủ và chưng cất theo một quy trình đặc biệt, nhưng hiện nay mặt hàng này đang bị làm giả một cách tràn lan.

Tình trạng vi phạm sở hữu công nghiệp này không chỉ làm tổn hại cho nhà sản xuất, mà còn gây mất an toàn thực phẩm đe dọa tới sức khỏe và tính mạng của người tiêu dùng.

Đâu là San Lùng thật?

Đến thời điểm này ở Lào Cai chỉ có 38 hộ thuộc HTX sản xuất rượu San Lùng do chị Trần Thị Hoa - Nguyên là giáo viên ở thôn San Lùng (Bản Xèo, Bát Xát) nghỉ hưu làm chủ nhiệm.

Rượu San Lùng được chưng cất từ thóc cùng bí quyết gia truyền về men thảo dược của người Dao vùng cao Bát Xát để lại. Sản phẩm rượu San Lùng đã được nhận giải thưởng “Hàng Việt Nam chất lượng cao" tại Hội chợ hàng tiêu dùng toàn quốc năm 2003. Bình quân mỗi tháng HTX nấu rượu của chị Hoa chỉ sản xuất được xấp xỉ 4.000 lít. Hầu hết số rượu trên đã được Cty Du lịch Lào Cai đăng ký bao tiêu.

Nhằm bảo vệ và tôn vinh sản phẩm, được sự đồng ý của chính quyền dịa phương xã Bản Xèo và các cơ quan chức năng tỉnh Lào Cai, rượu San Lùng đã dược Cty Du lịch Lào Cai đăng ký với Cục Sở hữu Công nghiệp, và Cục Sở hữu trí tuệ thuộc Bộ Khoa học - Công nghệ Việt Nam cấp chứng chỉ công nhận về bản quyền thương hiệu và quyền kiểu dáng mẫu mã bao bì, nhãn mác.

Sản phẩm được đóng chai có nhãn mác, mẫu mã đạt tiêu chuẩn và chỉ tiêu thụ theo kênh thuộc ngành du lịch quản lý. Do sản phẩm nổi tiếng về chất lượng được người tiêu dùng ưa chuộng, nên cũng dễ bị những kẻ làm ăn bất chính nhái nhãn mác "đưa rượu mới kém chất lượng vào bình cũ của San Lùng" để kiếm lời.

Ông Chủ tịch UBND huyện Bát Xát rất bất bình về việc này và luôn phàn nàn: "Lạ thật, ở chỗ nào bây giờ cũng thấy treo biển quảng cáo nấu và bán rượu San Lùng đặc sản. Rượu San Lùng thứ thiệt chỉ có một màu trong suốt, thơm dịu đặc trưng của thứ men lá và thóc thóc nương, đằng này lại còn có thứ rượu San Lùng màu vàng bày bán ở một số nhà hàng mà chủ quán cứ cho đó là San Lùng thứ thiệt để bán cho khách không am tường, thật đáng trách và nguy hiểm khi dùng thứ hàng nhái kia". 

Có nhiều điểm vẫn ngang nhiên sản xuất rượu "San Lùng vàng"

Hiện nay, ngoài điểm sản xuất rượu San Lùng ở Bát Xát, tại Lào Cai còn có rất nhiều điểm nấu rượu, nhưng ở quy mô "cả làng" thì chỉ có thôn Hoà Lạc  (Gia Phú, Bảo Thắng). Điều đáng nói là chính quyền địa phương và cơ quan chức năng cũng không thế quản lý được số lượng cũng như chất lượng của trên 30 hộ nấu rượu tại đây.

Ông Đỗ Duy Vinh - Giám đốc Trung tâm Y tế Bảo Thắng, thành viên đoàn kiểm tra an toàn thực phẩm ATTP của tỉnh - cho biết: Ông đã từng đôi lần uống thử loại rượu của cơ sở này sau đó thấy đau đầu khác thường, ông đem mẫu đi kiểm tra mới biết: nồng độ aldehyt khá cao.

Ông Phạm Liêm - Giám đốc Trung tâm Y học dự phòng - cũng thừa nhận cơ sở của mình chưa đủ điều kiện để xét nghiệm, phân tích nồng độ của loại rượu này.

Đoàn kiểm tra ATTP đã gửi mẫu về Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương xét nghiệm, nhưng vẫn chưa có kết quả trả lời.

Vào nơi sản xuất rượu "San Lùng vàng"

Đoàn kiểm tra ATTP tỉnh Lào Cai đến thôn Hòa Lạc. Trước cửa nhà anh Vũ Văn Triều có khoảng 10 thùng phuy sức chứa 200 lít chứa đầy rượu. Anh nói rượu nhà tự nấu, nhưng thoáng nhìn đã biết ngay với cơ sở đơn giản chỉ một gian bếp và một nồi nấu thủ công không thể cho ra lượng sản phẩm rượu lớn như anh kể 20lít/ngày.

Xung quanh lò nấu và cách thức ngâm ủ rượu không đảm bảo vệ sinh. Đồ ủ rượu chỉ là mấy cái thúng được phủ bằng vỏ chăn chiên cũ nát. Trên sàn bếp chum chóe, can nhựa bày la liệt, không có lối đi. Đối nghịch với sự tuềnh toàng của cơ sở, chúng tôi thấy trên thân 20 can nhựa chứa đầy rượu có dán nhãn ghi tên cơ sở sản xuất rượu San Lùng rất cẩn thận đang chuẩn bị xuất cho khách.

Nhẩm tính qua những đồ đựng hiện có, trong nhà anh Triều đang trữ một lượng rượu khoảng 2.200 lít. Bằng cả lượng rượu của 30 hộ HTX San Lùng sản xuất trong một tháng.

Quan sát kỹ, chúng tôi thấy rượu San Lùng của các cơ sở này đều có màu ngà vàng, mùi thơm hương nếp. Tôi đã từng nghe kể, nấu rượu ngon phụ thuộc vào từng vùng đất. Thiên nhiên ban cho làng San Lùng nguồn nước thì chỉ có nước ở vùng này mới nấu ra được rượu ngon. Tôi cũng lại nghe kể: có nơi dùng rượu sắn bỏ thêm chất phụ gia là lá nếp thơm hái từ trên rừng về chế vào sẽ thơm chẳng kém gì rượu San Lùng, nhưng chỉ tội có màu vàng ngà, không dược trong suốt như San Lùng thât.

Có lẽ cơ sở sản xuất của Hoà Lạc đã làm điều đó nên giá bán mới rẻ như vậy (chị vợ anh Triều chỉ vào can rượu 20 lít chỉ bán 60.000 đồng/can, bình quân 3.000đồng/lít kém rượu San Lùng thật 13.000 đồng/lít).

Các hộ ông Hậu, bà Vanh trong xóm đều làm như vậy. Khi đoàn kiểm tra vào, hộ ông Vanh còn nhanh tay đậy thùng nước có màu vàng sánh lại, tôi dám chắc rằng đó là thứ phụ gia "thần kỳ" hoá phép rượu bình thường thành San Lùng để bán kiếm lời.

Bà con ở đây thật thà: Từ trước đến nay chúng tôi chưa thấy có cơ quan chức năng nào đến kiểm tra nhắc nhở hoặc hướng dẫn gì về an toàn thực phẩm. Rượu của làng làm ra còn người mua thì vẫn tiếp tục sản xuất (!?)

Theo chính quyền địa phương và một số bà con trong vùng, mỗi ngày có hàng chục lượt xe chất chứa đầy can loại 20 lít chở rượu ra khỏi làng. Lượng xuất bán lớn như vậy song chưa có cơ quan chức năng nào xác định được chất lượng nên sản phẩm cứ lưu thông, hậu quả người tiêu dùng chịu, thật là điều đáng lo ngại.

MỚI - NÓNG