Lao đao vì phân bón “dỏm”

Lao đao vì phân bón “dỏm”
TP- Chưa bao giờ người làm vườn ở Đồng Nai lại lo lắng với tình cảnh phân giả, phân kém chất lượng như hiện nay. 

Đồng Nai hiện có trên 300 ngàn hécta cây nông nghiệp, trong đó đa số là các loại cây ăn trái như chôm chôm, sầu riêng, quýt, cam, xoài… Mỗi năm, người nông dân tiêu thụ hàng trăm ngàn tấn phân các loại để phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Tiền thật mua phân bón… “trời ơi” !

Đang mùa thu hoạch quýt, vườn quýt của bà Nguyễn Thị Sáu ở xã Trà Cổ (huyện Tân Phú) có hơn chục nhân công đang làm việc, hàng chục cần xé (sọt) đựng quýt chật cả góc sân.

Nhưng gặp chúng tôi, bà Sáu méo xẹo: “Đã thu hoạch được hơn chục tấn, nhưng chất lượng quả rất thấp. So với mọi năm thì năng suất giảm hẳn do mua phải phân bón giả, phân không đạt chất lượng”.

Có ba hécta đất trồng quýt, với kỹ thuật làm quýt trái vụ, mỗi năm bà Sáu thu hoạch quýt trái bán hàng trăm triệu đồng, nhưng chi phí đầu tư cũng mất đi hơn phân nửa, trong đó chủ yếu là khoản phân bón.

Cách đây 3 tháng, bà Sáu mua 5 bao urê sữa, 5 bao phân tím, 5 bao phân SA và 20 bao phân 633 ở một đại lý bán phân bón và thuốc bảo vệ thực vật lớn ở thị trấn Tân Phú. Bón cho vườn cây được hơn một tháng, bà Sáu phát hiện phân không tan. Bà Sáu hốt một nắm phân ra hỏi đại lý bán phân, ông Nam chủ đại lý xem xong rồi nói là phân sấy khô nên tan chậm.

Nhưng hai tháng sau phần lớn lượng phân vẫn còn nằm trơ dưới gốc, bà Sáu lại ra bắt đền nơi bán phân, lần này ông chủ đại lý phân bón mới thừa nhận: “Đây là phân kém chất lượng chứ không phải phân giả, mà tôi chỉ là đại lý buôn bán chứ có sản xuất ra đâu?”.

Một tháng trước khi thu hoạch quýt, bà Sáu lại đến đại lý này mua phân để bón thúc cho cây, Nhưng “cả tháng mưa dầm dề, vậy mà phân bón vẫn y nguyên không hề tan”, bà Sáu cho biết.

Hai đợt bón phân, đều gặp phải phân bón “dỏm”, cũng không bắt đền được ai, tiền mua phân thiếu ở đại lý 70 – 80 chục triệu vẫn phải trả đủ. Bà Sáu lo lắng: “Gặp phân kém chất lượng mất mùa đã đành, vườn cây của tôi còn bị ảnh hưởng nặng, chúng tôi biết kêu ai?’.

Bà Lê Thị Xê có 4 ha quýt ở thị trấn Tân Phú thì cho biết: “Vườn quýt của tôi cũng vậy có khi phân bón cả tháng vẫn chưa tan”. Bà Đinh Thị Kim Trong ở xã Tân Hiệp, Long Thành trồng vài hécta mì.

Để đạt năng suất cao, một vụ trồng, bà Trong bón mấy đợt phân, lúc thì bón DAB, lúc lại bón NPK nhưng lần bón phân nào cũng gặp phải phân kém chất lượng. Bà Trong tỏ vẻ ngao ngán: “Giá phân đã đắt lại gặp phải phân “dỏm”, trong khi đó giá củ mì hiện nay lại rẻ mạt”.

Khắp các địa phương trong tỉnh Đồng Nai hầu như nơi nào nông dân cũng gặp phải tình trạng mua phải phân giả, phân kém chất lượng. Tuy nhiên phần lớn các nhà vườn thường mua chịu phân ở các đại lý cung ứng,  khi thu hoạch xong mới trả tiền cả gốc lẫn lãi. Nên đành cắn răng chịu, không biết kêu ai vì nếu làm căng ra thì mùa sau đại lý sẽ không cho ghi nợ.

Lỗ hổng từ quản lý

Ông Huỳnh Thành Vinh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Đồng Nai cho rằng: “Trong năm, lợi dụng giá phân biến động, nhiều doanh nghiệp sản xuất phân trong nước đã đưa ra thị trường các loại phân bón giả, nhái kém chất lượng. Cuối cùng chỉ có nông dân là lãnh hậu quả”.

Ông Trương Phước Đông, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Đồng Nai cho biết, qua kiểm tra các cơ sở kinh doanh phân bón trên địa bàn tỉnh đã phát hiện hàng chục nơi bán phân kém chất lượng.

Mới đây, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Đồng Nai lập đoàn thanh tra các cơ sở sản xuất phân bón trên địa bàn tỉnh. Kết quả, trong số 20 cơ sở sản xuất được kiểm tra thì có đến 16 cơ sở vi phạm chủ yếu là vi phạm về nhãn mác và chất lượng sản phẩm.

Ông Lê Kỳ Liêm, Phó phòng Chế biến Sở NN&PTNT- một thành viên trong đoàn kiểm tra cho biết gọi là cơ sở sản xuất, nhưng nhiều cơ sở quy mô, công nghệ sản xuất còn tệ hơn thợ hồ, họ chỉ cần vài cái cuốc, xẻng, xe rùa, khá hơn thì có cái cái máy trộn bê tông là đủ để thành lập một cơ sở sản xuất phân.

Quy trình kiểm tra hiện nay cũng rất bất cập, muốn kiểm tra thì phải báo trước, do vậy khi đến kiểm tra thì cơ sở sản xuất đã trống trơn. Chủ cơ sở báo phân đã xuất hết, hoặc đưa ra mẫu kiểm tra có tính đối phó”.

Ông Phan Minh Báu, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh cho biết, mức phạt hành chính hiện nay chưa đủ sức răn đe, phạt tối đa chỉ được 20 triệu đồng mà không có hình thức phạt bổ sung như rút giấy phép kinh doanh hoặc đóng cửa các cơ sở sản xuất phân không đạt chất lượng.

Một bất cập nữa là hiện nay chưa có quy định nào về thành phần dưỡng chất của phân bón, bao nhiêu thì gọi là giả, bao nhiêu thì gọi là kém chất lượng do vậy rất khó xử lý.

MỚI - NÓNG
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
TP - Thông tin từ Bộ Tài chính cho hay, đến nay có khoảng 40 địa phương gửi báo cáo thu chi tiền công đức. Theo đó, điểm nhấn là nhiều địa phương có số thu tiền công đức rất cao, lên tới 200-400 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, việc chi tiền công đức cũng đang cho thấy có khá nhiều bất cập khi mỗi nơi làm theo một kiểu. Trong khi có nơi xin giữ lại để tu bổ di tích, có chỗ nguồn thu lại được để dùng cho từ thiện.