Lao động giá rẻ: Mất dần lợi thế

Lao động giá rẻ: Mất dần lợi thế
TP - Năm 2009 sẽ là một năm khó khăn, đầy thách thức với Việt Nam, tỉ lệ thất nghiệp sẽ lên tới 8,2% trong khi lợi thế lao động giá rẻ cũng giảm dần, đại diện Economist Intelligence Unit (EIU) nhận định.
Lao động giá rẻ: Mất dần lợi thế ảnh 1
Những vấn đề được coi là trở ngại lớn trong sự phát triển của Việt Nam được nhắc lại nhiều lần là thiếu lao động kỹ năng

Trao đổi với báo chí trước thềm Hội nghị Kinh tế Đối ngoại với Chính phủ Việt Nam 2009, ông Justin Wood, giám đốc phụ trách Corporate Network tại Khu vực Đông Nam Á của EIU cho biết, nền kinh tế toàn cầu đang rơi vào suy thoái nghiêm trọng và Việt Nam cũng không nằm ngoài vòng xoáy.

“Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm nay sẽ giảm. Tuy nhiên, Việt Nam là một trong số rất ít các nước có được mức tăng trưởng dương”- Ông Justin Wood cho biết.

Theo ông Justin Wood, việc dự báo mức tăng trưởng của Việt Nam xuống thấp như vậy chủ yếu do ảnh hưởng các yếu tố môi trường bên ngoài. Giá trị xuất khẩu của các nước trong khu vực châu Á năm nay sẽ giảm khoảng 31%so với năm 2008.

Bên cạnh xuất khẩu suy giảm, lĩnh vực đầu tư cũng bị đánh giá ảnh hưởng nặng nề. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam (FDI) được dự báo giảm tới 70 phần trăm với lượng vốn FDI thực hiện sẽ giảm còn 2,2 tỷ USD, giảm hơn 5 tỷ USD so với con số 7,6 tỷ USD của năm 2008. Tỷ lệ thất nghiệp năm 2009 sẽ tăng gấp đôi, từ mức 4,7 phần trăm năm 2008 lên mức 8,2 phần trăm trong năm 2009.

Lợi thế lao động mất dần

Những vấn đề được coi là trở ngại lớn trong sự phát triển của Việt Nam được nhắc lại nhiều lần là cơ sở hạ tầng, thiếu lao động kỹ năng, môi trường kinh doanh kém thuận lợi.

Lao động giá rẻ: Mất dần lợi thế ảnh 2
Ông Justin Wood, giám đốc phụ trách Corporate Network tại khu vực Đông Nam Á của EIU

Hội nghị Kinh tế Đối ngoại với Chính phủ Việt Nam 2009, do Economist Intelligence Unit (EIU) tổ chức, được xem là cơ hội để giới đầu tư nước ngoài gặp gỡ lãnh đạo cấp cao, các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam, cũng như thảo luận kế hoạch phát triển kinh tế của Việt Nam trong tương lai.

Ông Charles Goddard, trưởng ban biên tập của EIU cũng cho rằng, cải thiện kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phát triển ngành tài chính, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đầu tư hơn nữa cho giáo dục… là những khuyến nghị sẽ được các doanh nghiệp, nhà tổ chức đưa ra với Chính phủ Việt Nam trong hội nghị năm nay. 

Ông Justin Wood cho rằng, 15 năm qua, Việt Nam có sự phát triển khá tốt từ một nước thu nhập thấp trở thành nước có thu nhập trung bình. Tuy nhiên, nhiều nước khác trong khu vực châu Á cũng có sự chuyển đổi mô hình phát triển khá tốt.

Vấn đề đặt ra là Việt Nam sẽ phát triển theo hướng nào. Một số nước như Indonesia, Philipinnes sau khi trở thành nước có thu nhập trung bình thì chững lại. Ông tin rằng Việt Nam có tiềm năng lớn để phát triển. Tuy nhiên để phát triển thành nước như Philipinnes hay Hàn Quốc thì đó là một câu hỏi lớn. 

MỚI - NÓNG