Lao động nghèo buốt lòng trong cơn bão giá

Lao động nghèo buốt lòng trong cơn bão giá
TPO -  10h đêm, 10 người phụ nữ ở trọ theo ngày trong căn phòng chưa đầy 10m2 ven bờ đê sông Hồng (Hà Nội) lộng gió rét. Mỗi người một góc đang lần giở những đồng tiền còm sau một ngày làm lụng vất vả. Giá cả phi mã khiến những người lao động nghèo như họ phải hoảng hốt.
Lao động nghèo buốt lòng trong cơn bão giá ảnh 1
Bữa cơm đạm bạc của các phụ nữ lao động ngoại tỉnh tại Hà Nội.

Có rau thì... thôi thịt

Chiều tháng riêng rét mướt. Trong khu nhà trọ tồi tàn ven sông Hồng (Hà Nội), thỉnh thoảng cơn gió mang theo mùi ngái ngái, nồng nồng từ bãi rác ngoài sông thổi vào, khiến  không khí càng thêm ngột ngạt.

Chị Vinh (32 tuổi) đang chuẩn bị bữa cơm chiều. Có vẻ việc nấu nướng không làm mất nhiều thời gian  của chị. Chỉ một nồi cơm, một đĩa rau luộc là xong bữa tối cho cả vợ chồng. Nấu xong cơm, chị ngồi đợi chồng chạy xe ôm  ngoài chợ Long Biên chưa về.

Thấy tôi có vẻ ái ngại trước rổ rau hoành tráng và thực đơn “nhất món” này, chị Vinh lý giải: Ra Tết, rau đắt như vàng. Quê trồng rau nhưng có mang lên đây được đâu; thèm lắm mà chẳng bữa nào được ăn thoải mái. Hôm nay coi như bữa cải thiện.

Bên chị Vinh là chị Lam ( Hà Nam) cũng bắc nồi nước chuẩn bị nấu cơm. Khác với chị Vinh, chị Lam lên Hà Nội mưu sinh chỉ có một mình. Hai đứa con và ba sào ruộng là tất cả tài sản chị để cho chồng lo liệu. Chị Lam làm nghề thu mua phế liệu. Vì ở một mình nên bữa cơm của chị Lam càng đơn giản. Một nồi cơm và...một quả trứng, là đồ ăn cả ngày của chị.

Đi từ sáng sớm đến tối mờ mắt mới về nên chị Lam không có nhiều  thời gian nấu nướng. Chị Lam xuề xoà, “nấu một bữa (tối) ăn cả ngày”. Chị cũng như hầu hết chị em khu trọ này, đều “không bao giờ biết đến bữa sáng”. Buổi trưa ăn cơm nguội nấu từ hôm qua và chất mặn là ít muối vừng chị mang từ nhà lên.

Chị Lam cười mếu: “Ngày trước còn có bữa thịt , bữa cá; nhưng ra Tết, giá cả lên, tiền chưa kiếm được, không chắt bóp thì làm sao có tiền mang về nhà”.Còn chị Hoà (Bắc Giang) thì nói: “Chúng tôi ăn cốt lấy no; gạo mang từ quê lên nên cứ lèn chặt cái bụng”. Nói chưa dứt lời, chị Hoà khựng lại: “Rét mướt, mạ chết cả, vụ này chẳng biết có gạo mà ăn không?”

Càng phải thắt lưng buộc bụng...

Chưa cấy xong vụ lúa muộn do đợt rét rét hại kéo dài, chị Liễu (Hà Nam) đã lật đật lên Hà Nội đi thu mua phế liệu (nghề chính của chị). Chị Liễu kể, năm ngoái hai vợ chồng dành được hơn triệu đồng nhưng số tiền ấy chỉ đủ tiêu tết. Hết Tết, hết tiền mà tiền đóng học phí cho con không có, chị phải chạy lên Hà Nội mong gom góp đủ để kịp đóng tiền học cho con. Nhưng lên Hà Nội được một tuần, chị Liễu đã mướt mồ hôi vì tiền nhà, tiền ăn tiêu hằng ngày.

Chị Liễu xót xa, “giá phòng tăng từ 3 nghìn đồng lên 5 nghìn đồng một ngày; đã cố gắng ở phòng nhỏ, đông người nhưng cũng chẳng ăn thua” (Chị Liễu ở trọ theo ngày cùng 9 chị em khác trong căn phòng chưa đầy 10m2). Công việc của chị Liễu giống như “người ta đi câu cá”, ngày ít, ngày nhiều, có ngày chẳng được gì. Riêng hôm nay chị Liễu kiếm được 5 nghìn đồng, nghĩa là đủ tiền trọ đêm nay. Thu chẳng đủ bù chi, số tiền hai trăm nghìn đồng học phí cho con vẫn là bài toán đối với chị.

Gánh hoa quả ở chợ Long Biên mỗi tháng trừ chi phí sinh hoạt của riêng mình, chị Hải (Nam Định) cũng dành được bảy trăm đến tám trăm nghìn/ tháng về nuôi ba đứa con ăn học. Ra tết, giá cả tăng mà tiền kiếm được vẫn  thế, chị Hải phải tìm cách khác để duy trì số tiền hằng tháng cho con.

Vẫn là chuyện thắt lưng buộc bụng, nhưng đối mặt với bài toán giá cả hiện nay, những người phụ nữ này đều thở dài, là chuyện phải thế. Chị Hải nói như mếu : “ Chúng tôi chả có nhu cầu nhiều, không mua bán sắm sửa, có “thít” thì chỉ biết “thít” cái dạ dày thôi”... Đồng thời với việc “thít” bữa cơm, tối nào chị Hải cũng nhặt nhạnh những hộp gỗ đựng hoa quả người ta bỏ đi về đun, để sưởi mỗi khi trời rét. Đó cũng là một cách tiết kiệm chi phí.

Để đối phó với “cơn bão giá”, thỉnh thoảng mấy chị em trong khu trọ còn nảy ra sáng kiến hái rau sương muối (cây mắm) ven sông về ăn. “Rau mắm ăn hơi ngái nhưng còn có chất xanh” - chị Hoà  nói. Có những hôm, mấy chị em ra chợ rau (Long Biên) từ sáng sớm để mua hoặc xin lại những lá rau già (người ta bỏ đi) về muối thành dưa.

Hoặc như chị Hoà, ra Tết ngoài việc gánh hoa quả thuê ở chợ Long Biên chị còn kiêm thêm việc bán nước buổi tối.Chắt bóp như thế vẫn chưa đủ tiền mang về nuôi ba cái “tàu há mồm”, con chị đang tuổi ăn tuổi học. “Tốn lắm, nhưng đành  phải cố thôi; phải làm đủ thứ để kiếm sống”.

10h đêm. Trong phòng trọ tường dán nhì nhằng sách báo, mười người phụ nữ mỗi người một góc đang lần giở những đồng tiền sau một ngày làm lụng vất vả. Cau mày nhẩm tính việc cân đối chi tiêu,  chuyện ăn uống và quan trọng nhất là việc duy trì số tiền gửi về cho gia đình.

Ngoài kia vẫn gió. Đợt rét mới lại về.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.