Lao động tự do sẽ có lương hưu

Lao động tự do sẽ có lương hưu
TP - Theo dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội, những người lao động tự do như xe ôm, bán hàng rong… và bà con nông dân... cũng có thể có lương hưu khi hết tuổi lao động.
Lao động tự do sẽ có lương hưu ảnh 1
Lao động tự do sẽ được hưởng lương hưu

Đại đa số các đại biểu Quốc hội chuyên trách đều đồng tình với việc cần bổ sung chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện vào dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội khi cho ý kiến về dự thảo luật này hôm qua, 21/2. 

Nếu được Quốc hội thông qua, loại hình này dự kiến sẽ được triển khai từ 1/1/2008. Như vậy, những người lao động tự do như xe ôm, bán hàng rong… và bà con nông dân... cũng có thể có lương hưu khi hết tuổi lao động.

Tiền Phong đã có cuộc trao đổi với ông Lương Phan Cừ, Phó Chủ nhiệm ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội về tính khả thi của quy định này.

Đây là vấn đề được người dân hết sức quan tâm nhưng vì sao dự luật chưa quy định một cách cụ thể về mức đóng, mức hưởng, cách thức hoạt động của loại hình bảo hiểm này, thưa ông?

Tinh thần chung là mọi người đều muốn có BHXH tự nguyện, điều này cũng hoàn toàn đúng với chủ trương của Đảng và Nhà nước ta và phù hợp với nhu cầu của rất nhiều người lao động. Nhưng với điều kiện nước ta hiện nay việc thực hiện được chính sách BHXH tự nguyện là rất khó khăn.

Vì thế, trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội, về chính sách BHXH tự nguyện cũng mới chỉ đề cập đến hai loại chế độ cho người tham gia là chế độ tuổi già (đã hết tuổi lao động) và tử tuất.

Sau này, khi loại hình bảo hiểm này phát triển thì có thể quy định thêm các chế độ khác. Về mức đóng, dự kiến dựa trên mức lương tối thiểu như là mức đóng BHXH bắt buộc và mức hưởng cũng như vậy.

Có nên thực hiện bảo hiểm thất nghiệp?

“Cần phải tính toán lại xem 5 năm qua có bao nhiêu người thất nghiệp. Nếu thực hiện bảo hiểm thất nghiệp thì nền kinh tế có “gánh” nổi không dù rõ ràng là nó ưu việt”- Ông Nguyễn Đức Dũng (đại biểu Kon Tum) nói.

Ông Dũng cho rằng chỉ những nước có nền kinh tế phát triển mới thực hiện loại hình bảo hiểm này, trong khi đó nước ta tuy kinh tế phát triển nhưng vẫn thuộc diện nước nghèo.

Trái lại, ông Phạm Ngọc Thiện (đại biểu Bạc Liêu) và một số đại biểu khác lại tán thành việc phải có loại hình bảo hiểm thất nghiệp.

“Bước vào nền kinh tế thị trường, cơ cấu kinh tế chuyển dịch từ nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ và cơ cấu lao động cũng chuyển dịch theo.

Vì thế, chính sách bảo hiểm thất nghiệp không những là việc chăm lo cụ thể cho đời sống người lao động mà còn góp phần đảm bảo an sinh xã hội.

Nếu có khó khăn thì vẫn phải thực hiện và Nhà nước cũng phải gánh chịu một phần”- Ông Thiện phân tích.

Tác dụng lớn của việc này là tạo ra sự liên thông giữa BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện. Tức là người nào đó có thể đang là lao động tự do, đang tham gia BHXH tự nguyện nhưng nếu họ được tiếp nhận vào lao động tại một cơ quan, doanh nghiệp nào đó thì lại chuyển sang BHXH bắt buộc và ngược lại. Đây là một hình thức an sinh xã hội.

Ông vừa nói có nhiều cái khó trong việc thực hiện chính sách BHXH tự nguyện ở nước ta hiện nay. Vậy vấn đề khó khăn nhất là gì?

Hiện thời thu nhập của người lao động là rất khác nhau nên BHXH tự nguyện khó triển khai hơn so với BHXH bắt buộc. Vì BHXH bắt buộc có thể thu tại cơ quan, doanh nghiệp còn bảo hiểm xã hội tự nguyện là phải thu của từng người một. Và nếu triển khai như vậy thì chi phí cho hoạt động của bộ máy sẽ rất lớn.

Thứ đến, liệu người dân có ý thức được lợi ích của mình khi hết tuổi lao động hoặc gặp rủi ro trong cuộc sống để mà nhiệt tình tham gia hay không? Một cái khó khác là BHXH tự nguyện khác với các loại hình bảo hiểm kinh doanh khác là nó không được phá sản. Và Nhà nước sẽ phải bảo đảm hoạt động cho quỹ BHXH tự nguyện và có thể phải hỗ trợ những khi cần thiết.

Muốn thu hút nhiều người tham gia BHXH tự nguyện- đây cũng là mong muốn chung của chúng ta - thì bản thân loại hình này phải có gì đó ưu việt hơn so với các loại hình bảo hiểm kinh doanh khác mà các doanh nghiệp đang triển khai?

Theo tôi cái ưu việt lớn nhất của BHXH tự nguyện như tôi đã nói là không bị phá sản. Người dân luôn luôn yên tâm rằng mình đóng góp vào đó thì đã nhận được sự bảo hộ của Nhà nước, kể cả khi đồng tiền có sự thay đổi, có biến động thì Nhà nước vẫn sẽ có trách nhiệm với người tham gia.

Theo tính toán của cơ quan chuyên môn, để triển khai được chính sách BHXH tự nguyện, ngân sách Nhà nước sẽ phải “gánh” thêm một phần không nhỏ. Loại hình BHXH này có khả thi khi ngân sách Nhà nước hiện rất khó khăn?

Đây là một câu hỏi rất khó đối với Nhà nước. Mong muốn cho người dân được hưởng an sinh xã hội khi người ta gặp rủi ro hay khi tuổi của họ đã cao là mong muốn chung và Nhà nước phải có trách nhiệm về việc này.

Chúng ta cũng đang tính toán để có thể cân đối được giữa mức đóng và mức hưởng. Theo tôi, dù khó khăn thì cũng phải có loại hình này và trong trường hợp hoạt động khó khăn thì Nhà nước phải đóng vai trò “bà đỡ”.

Tôi nghĩ trên thế giới đã có nhiều cách thực hiện BHXH tự nguyện. Với nước ta, đây là những bước đi ban đầu nhưng dù khó khăn thì vẫn phải làm. Có làm mới rút được kinh nghiệm để triển khai ngày càng tốt hơn, chứ không có cách nào khác.

Xin cảm ơn ông!

Hữu Khôi
Thực hiện

MỚI - NÓNG
Con đường hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn
Con đường hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn
TPO - Triển lãm "Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh huyền thoại" giới thiệu khoảng 100 tài liệu, hình ảnh có nội dung cô đọng, ấn tượng nhất về sự ra đời của “tuyến lửa” Trường Sơn - nơi luôn rung chuyển, bị cày xới và hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn, chất độc hóa học của kẻ thù.