Lao động Việt Nam ở nước ngoài: Có bị “ăn chặn” tiền lương?

Lao động Việt Nam ở nước ngoài: Có bị “ăn chặn” tiền lương?
Nhiều thuỷ thủ VN đi lao động xuất khẩu nặng nhọc, hiểm nguy trên một số tàu biển nước ngoài nhưng đồng lương chủ tàu trả cho họ lại bị “xà xẻo” qua các Cty môi giới
Lao động Việt Nam ở nước ngoài: Có bị “ăn chặn” tiền lương? ảnh 1
Ông Đàm Quốc Khánh           

Thuyền trưởng hạng 1 Đàm Quốc Khánh, hiện là Phó phòng thuyền viên công ty tố cáo:  Từ năm 1994 đến nay, Cty Inlaco Sài Gòn đã hợp tác với Cty Inlaco JAPAN làm đại lý môi giới xuất khẩu thuê thuyền viên VN, hai bên thoả thuận tiền lương các chủ tàu trả số tiền lương cho thuyền viên VN về tài khoản của Inlaco JAPAN, Inlaco JAPAN tính trả lại lương cho thuyền viên VN về tài khoản của Inlaco Sài Gòn, Inlaco Sài Gòn  lại trả lại cho người lao động. Hợp đồng lao động với thuyền viên được tách ra 2 khoản thu, TAX A và TAX B trong đó TAX A là khoản tiền thu trả cho đại lý cung cấp thuyền viên, đáng chú ý là TAX B, (tạm gọi  là thuế thu nhập phải nộp) rất cao, từ khoảng 40 đến 80% tổng lương  ký nhận, khiến đồng lương của người lao động thực nhận rất thấp so với mức lương ký, nhiều lao động chỉ trông chủ yếu vào tiền làm thêm giờ.

Tại biên bản một cuộc họp ngày 10/3/2005, khoản thu TAX B được các lãnh đạo Inlaco Sài Gòn giải thích chỉ là khoản danh nghĩa thêm vào bảng lương nhằm hợp thức hoá tránh sự kiểm soát của Liên đoàn vận tải quốc tế ITF vì mức lương chủ tàu nước ngoài trả cho thuyền viên VN thấp hơn mặt bằng tối thiểu quy định chung. Thực chất có đúng như vậy?

Khá nhiều hợp đồng của ngay chính Inlaco Sài Gòn, (do ban lãnh đạo mới hiện nay thực hiện) ký với chủ tàu nước ngoài, nhưng không ký qua Inlaco JAPAN, thuyền viên VN được hưởng mức lương cao hơn hẳn hoặc thậm chí có tàu thuyền viên không bị thu khoản TAX B  mà chỉ phải nộp phí TAX A 16% như tàu Jupiter Ace, Pioneer Second… Bảng lương có ký nhận thực tế của thuyền viên tàu Jupiter Ace, trọng tải chỉ 6.881 tấn cho thấy nếu với mức lương của Thuyền phó 2, chủ tàu trả 555 USD/tháng, người lao động được thực lĩnh 469 USD trong khi cùng chức danh đó, tại tàu P.C EXPLORER, (ký thông qua Inlaco Japan), trọng tải gấp 4 lần, vất vả nặng nhọc nguy hiểm hơn và bao giờ cũng được trả lương cao hơn tàu trọng tải nhỏ, chủ tàu trả lương 740 USD/tháng người lao động chỉ được lĩnh 426 USD, thu nhập còn lại chủ yếu phải vắt sức lao động làm thêm giờ… 

Nhiều Cty xuất khẩu thuyền viên khác không đặt ra khoản TAX B thu của thuyền viên, người lao động thực hưởng hầu hết mức lương được chủ tàu nước ngoài trả, chỉ phải nộp một phần thu vừa phải cho các chi phí môi giới, thuế… mà vẫn xuất khẩu thuyền viên VN đều đặn hàng năm. Khoản tiền được gọi là TAX B thực chất đã có thu. Cục Hàng hải VN từng có văn bản do ông Bùi Văn Trung, Phó ban, ký thay Trưởng ban Quan hệ quốc tế, thừa lệnh Cục trưởng, xác nhận rằng các thuyền viên đóng thuế thu nhập như bảng lương đính kèm, (bảng lương có ghi rõ phải đóng TAX A, TAX B) và còn khẳng định doanh nghiệp được quyền nhận số dư thuế thu nhập để duy trì và mở rộng phạm vi hoạt động.

Cơ quan chức năng cần vào cuộc

Lao động Việt Nam ở nước ngoài: Có bị “ăn chặn” tiền lương? ảnh 2
Ông Nguyễn Xuân Hồng

Rõ ràng khoản TAX B do Inlaco Sài Gòn và Inlaco JAPAN thoả thuận với nhau đặt ra với mức thu quá cao đó khiến người lao động chịu nhiều thiệt thòi, không thoả đáng với mức được hưởng từ phần trả lương cao của chủ tàu nước ngoài và công sức lao động của thuyền viên. Tuy nhiên có một thực tế là dù phải nộp khoản TAX B như vậy, nhưng so với lương chạy tàu trong nước vẫn nhỉnh hơn nên hầu hết người lao động đều cam chịu vì lo sợ đấu tranh sẽ không được đi “đánh thuê”. Cũng cần nói thêm là ngay chính tại Inlaco Sài Gòn, qua kiểm toán Nhà nước năm 2003 mới phát hiện ra khoản 15 tỷ đồng từ quỹ lương của CB CNV Cty trích lại từ khi thành lập Cty 1994 mà đại đa số CB CNV và ngay cả Chủ tịch Công đoàn Cty cũng không hay biết về số tiền lương khổng lồ được bí mật để lại này!

Hiện nay, chính Chủ tịch công đoàn của công ty- ông Nguyễn Xuân Hồng là người đã đề nghị làm rõ nhiều khuất tất như khoản tiền 15 tỷ giữ lại nhiều năm của quỹ lương CNVC được hạch toán và chia chác hàng năm như thế nào, mức chênh lệch quá đáng giữa lương của lãnh đạo và công nhân tới hơn 50 lần… cùng một số CB CNV phát hiện tố cáo sai phạm lại đang bị đe doạ mất việc. Đã đến lúc cơ quan chức năng cần làm rõ về nguồn thu TAX A, TAX B tại các hợp đồng xuất khẩu thuyền viên của Inlaco Sài Gòn để thuyền viên VN không còn phải chịu nhiều thiệt thòi.

MỚI - NÓNG