'Lão gò nhôm' độc nhất ĐBSCL

Họa sỹ Nguyễn Văn Phúc với vợ ở sân nha.
Họa sỹ Nguyễn Văn Phúc với vợ ở sân nha.
TP - Họa sỹ Nguyễn Văn Phúc 72 tuổi, tự gọi “lão gò nhôm”, làm tranh bằng vô số dấu đục kỳ ảo tạo đường nét bay bổng trên những tấm nhôm, dưới bóng cây xanh thành phố Cần Thơ. Ông hiện là họa sỹ duy nhất ở ĐBSCL sáng tác loại tranh này.

Đường đến nhà “lão gò nhôm” ngoằn ngoèo con hẻm nhỏ ở khu vực 2, phường An Bình (Ninh Kiều, Cần Thơ). Ngôi nhà cấp bốn giữa khu vườn xanh tươi, rộng hơn nghìn mét vuông. Từ sân vào nhà cơ man tranh và tượng gỗ. Có người vào đây say mê bức gò nhôm kỳ công mặt trống đồng, có người ngợi ca tranh về Bác Hồ, lại có người bình phẩm bức tranh gắn vào các mục tiêu thiên niên kỷ của Liên Hiệp Quốc, có người bị hút hồn bởi những bức gò nhôm miêu tả cuộc sống ĐBSCL. Mà loại sau nhiều nhất, đủ cỡ lớn bé.

Nền nã truyền thống

Cuộc sống ĐBSCL cũng là của lão họa sỹ 36 năm nay. Ông sinh ở xã Dị Sử (Mỹ Hào, Hưng Yên), tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội, làm việc ở Viện Khảo cổ hơn chục năm đến năm 1980, đưa vợ con vào Đài Truyền hình Cần Thơ. Sau đó, bị tai nạn nên đi dạy cao đẳng, năm 2005 nghỉ hưu. Ở đâu ông cũng gắn bó với hội họa, nghỉ hưu càng đam mê: trải qua tượng gỗ, màu nước, màu bột, sơn dầu, gò đồng, cuối cùng gắn chặt với gò nhôm dăm năm nay.

“Nhân vật, đường nét, bố cục tranh Văn Phúc bao giờ cũng cuồn cuộn sức sống và lòng yêu đời, vừa rất đời thường cũng rất nghệ thuật. Bên dưới cái nền nã truyền thống là những khám phá táo bạo. Có một sự hài hòa quý giá giữa công sức lao động và cái đẹp nghệ thuật.

        Nhà phê bình mỹ thuật Bùi Công Thuấn

Lão họa sỹ dáng người nhỏ nhắn nhưng lanh lẹ, mắt tinh anh. Rót chén trà hương thơm đặc biệt tự chế, ông bộc bạch: “Khảo cổ thì ném suy nghĩ xuống đất, truyền hình lại ném suy nghĩ lên trời, dạy học thì đưa đò qua sông, nghỉ hưu tôi mới nghĩ phải giữ lại cái gì đó cho mình. Trải qua những chất liệu cũ thấy khó tạo dấu ấn riêng cho đến hôm vớ được miếng nhôm, gõ búa hiện lên những hạt li ti kỳ ảo có thể tạo hình khối nên nảy ý tưởng làm tranh cho mình”.

Đến xem tranh gò nhôm của lão họa sỹ, nhà phê bình mỹ thuật Bùi Công Thuấn (ở tỉnh Đồng Nai) nhận xét: “Họa sĩ Văn Phúc là bậc thầy trong thể loại tranh gò nhôm. Tranh của ông đường nét tài hoa, có nhiều tìm tòi sáng tạo về bố cục, nội dung vừa dân dã vừa hiện đại. Về phong cách, tranh Văn Phúc có những đặc điểm riêng đủ sức thu hút và gây ấn tượng cho người xem ngay phút đầu gặp gỡ”. Phong cách nghệ thuật của ông, ban đầu còn ảnh hưởng của tranh dân gian Đông Hồ trầm tĩnh, về sau mới rõ đường nét của ông, vừa giản dị vừa tinh quái, phồn thực, sống động hồn cốt ĐBSCL phóng khoáng.

Một mô típ quen thuộc trong tranh của ông là lá dừa nước, được xử lý khéo làm nền lung linh. Mô típ khác là con cò, thường sử dụng trong tranh có các cô gái, với cái mỏ dài nghịch ngợm, gây cười hóm hỉnh. Hình ảnh sông nước, cầu khỉ, trái cây, lúa, cá cũng thường xuyên xuất hiện trong tranh của ông. Các họa tiết được cách điệu bay bổng đi vào tranh tự nhiên, hấp dẫn. Màu sắc của tranh gò nhôm chủ yếu trắng nguyên bản, điểm xuyết vài màu sơn lên nền, còn chiều sâu của tranh chủ yếu ở đường nét tài hoa làm lấp lánh ánh sáng.

'Lão gò nhôm' độc nhất ĐBSCL ảnh 1

Tranh chợ nổi dựng trong hồ cá.

Tranh của họa sĩ Phúc đậm bản sắc Việt từ đường nét, hình khối đến bố cục. Về chợ nổi, ông có nhiều tranh đều toát ra cuộc sống ĐBSCL hồn nhiên. Đờn ca tài tử cũng vậy, càng cách điệu cao độ càng như vọng tiếng đờn réo rắt. Hay đuốc lá dừa, bức này chồng đốt đuốc dẫn vợ ra chợ, bức kia mẹ đốt đuốc dắt con đi lấy chồng, đường nét thanh thoát đưa đến cảm giác êm ái với vẻ đẹp đời thường đáng chiêm ngưỡng, những tâm hồn đẹp giản dị đáng trân trọng.

Về bức tranh đờn ca tài tử cực kỳ sinh động mà Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ đã mua, ông nói: “Đó là bông hoa cuộc sống”. Đường nét uốn lượn những cánh hoa để tạo nên một bông hoa hội họa đặc sắc như nghệ thuật đờn ca tài tử, như đời sống của người dân vùng sông nước. Những cần đờn vít cong điệu nghệ hòa nhịp với cánh tay cô ca sỹ múa bay bổng phía sau. Cái cần kéo của cây đờn cò (nhị) cong đến mấy nhịp tựa sóng nước bồng bềnh. “Thắt hết cỡ đấy. Thắt eo các cô gái nhỏ đến mức không thể nhỏ hơn”, ông tủm tỉm rồi nhìn vườn cây đầy nắng.

Khám phá táo bạo

Khi làm tranh, ông trải tấm nhôm xuống đất, ngồi bệt lên, tay cầm dùi đặt trên một bàn chân, tay búa gõ liên tục và đường nét đậm nhạt hiện ra. Vừa gõ ông vừa kể, tranh nhôm không bị rỉ như đồng nên có thể để ngoài trời, thậm chí dựng vào hồ cá cho đàn cá bơi lượn với người trong tranh. Chợt ông nói “một bí mật của tôi mừng ngày 8/3 đầy yêu thương”. Đó là xem mặt sau của tranh, ông gọi là “thế giới âm bản”. Ông quay mặt sau bức tranh về các cô gái, tươi cười: “Thế giới âm này vừa huyền bí vừa mộng mị, đưa người xem vào một thế giới nửa tâm linh, huyền hoặc nhưng không sợ hãi mà là sung sướng khi ta chợt phát hiện ra, đó là nguồn vui bất tận”.

Tranh gò nhôm của lão họa sỹ Nguyễn Văn Phúc xem ra không kén người thưởng ngoạn, ở nhiều góc độ. Tuy nhiên, lại kén người thực hiện nên chuyên tranh gò nhôm ở ĐBSCL hiện vẫn mình ông.

Đậm chất sex nghệ thuật

Dịp hạn, mặn này, lão họa sỹ Nguyễn Văn Phúc gò bức “Tình ơi ta vẫn còn tang”, với hình ảnh chàng trai cầm gáo dội nước cho cô gái tắm, chua thêm: “Ngày nào cũng tắm/Hết tang lại tình”. Có người xem đề thêm: “Hoan hô anh Phúc thợ gò/nhôm kia gò được những cô đến là/đẹp xinh như thể bông hoa/lài kia trắng trẻo thật là dễ thương”. Còn bức “Một kỷ niệm đẹp” thể hiện chàng trai và cô gái quấn quít bên rặng dừa nước. Ông tâm tình: “Đàn ông ai mà chẳng có những kỷ niệm đẹp. Kẹt một nỗi chụp ảnh đưa lên thì vi phạm lời hứa với nàng, mà phạm luật nữa, may thay có ngôn ngữ mỹ thuật có thể diễn tả được phút lên thiên đàng ấy. Cám ơn thượng đế cho nhân loại ngôn ngữ yêu thương thầm kín này”. Người xem đề thêm: “Sương rơi em có lạnh không/Để anh ôm ấp, anh bồng cho êm/Em cười, thủ thỉ làm duyên/Ôi! Trần gian giống cõi tiên thế này”. Một nhà phê bình mỹ thuật nhận xét, tranh của ông Phúc “vừa kín đáo khuôn phép, vừa đậm chất sex nghệ thuật, có sức gợi những năng lượng tiềm ẩn”.

MỚI - NÓNG