Lập ban điều phối cung cấp thực phẩm an toàn cho Hà Nội

Rau củ quả an toàn là mong muốn của người tiêu dùng. Ảnh: Hồng Vĩnh
Rau củ quả an toàn là mong muốn của người tiêu dùng. Ảnh: Hồng Vĩnh
TP - Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (Bộ NN&PTNT) cho biết, năm 2015, nhiệm vụ trọng tâm của cơ quan chức năng là giảm tồn dư thuốc bảo vệ thực vật và kháng sinh trong rau và thịt, tập trung tại Hà Nội và TPHCM.

Ông đánh giá thế nào về mức độ an toàn của thực phẩm nói chung và nông sản nói riêng trong năm qua?

Tình hình vệ sinh an toàn thực phẩm trong năm qua đã tốt hơn, hoạt động kiểm soát năm 2014 là có hiệu quả nhưng nhìn chung một số lĩnh vực chuyển biến còn chậm, vẫn có những vụ vi phạm tồn dư hóa chất.

Thực tế, dư lượng còn ở mức cao so với các nước tiên tiến nhưng là mặt bằng chung của các nước đang phát triển. Tồn dư hóa chất trong thịt là khoảng 6,8%, nghĩa là 93,2% vẫn an toàn. Cơ bản hệ thống kiểm soát đã xử lý được các vi phạm. Năm 2015, chúng tôi sẽ cố gắng giảm 10% lượng tồn dư so với mức hiện nay. 

Đối với các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM, năm nay có giải pháp gì đột phá không, thưa ông?

Lập ban điều phối cung cấp thực phẩm an toàn cho Hà Nội ảnh 1

Ông Nguyễn Như Tiệp

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT vừa ban hành Quyết định số 15/QĐ-BNN-QLCL về việc thành lập Ban Điều phối và Tổ công tác giúp việc Ban Điều phối Chương trình chuỗi cung cấp rau, thịt an toàn cho Hà Nội. Năm 2015 được Bộ NN&PTNT đặt là “Năm hành động vệ sinh an toàn thực phẩm”, theo công thức “2 - 2 - 2”. Tức là khi nguồn lực có hạn, cần tập trung vào những việc cấp thiết trước.

Chủ đề năm nay là giảm tồn dư kháng sinh và thuốc bảo vệ thực vật ở 2 thực phẩm là: Rau và thịt, tại 2 thành phố lớn Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

Cùng với đó là 3 hành động trọng tâm: Vận động người sản xuất sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng cách. Tiếp đó là kiểm soát khâu sau thu hoạch, hướng dẫn giết mổ đảm bảo vệ sinh. Cuối cùng là kiểm soát khâu bày bán, đặc biệt là thịt ở các chợ đầu mối.

Hà Nội quyết tâm rất cao, ít nhất là đảm bảo vệ sinh ở các chợ, ví như thịt trước nay thường được bán ở bàn gỗ, bề mặt không dễ lau rửa, dùng mấy năm trời, rất dễ gây ô nhiễm vi sinh. Nay ít nhất bàn bán thịt phải bằng bàn inox. 

Vừa qua nhiều siêu thị nhập rau không có nhãn mác. Vậy rau sau khi ra thị trường có cơ quan chức năng nào kiểm tra độ an toàn không, thưa ông?

Hiện Bộ NN&PTNT đã có Thông tư 45 quy định, đối với cơ sở có đăng ký kinh doanh (HTX, trang trại) phải được đăng ký và được kiểm tra để cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất rau an toàn.

Các hộ nhỏ lẻ thì không bắt buộc phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất rau an toàn nên Bộ đã có Thông tư 51 yêu cầu các hộ nhỏ lẻ phải có bản cam kết về: Đất, nước không có tồn dư kim loại nặng. Trong quá trình trồng rau dùng thuốc BVTV phải theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất.

Chính quyền xã phải kiểm tra để đảm bảo các hộ dân làm đúng quy trình. Khi ra thị trường đương nhiên sẽ có kiểm tra, xử lý theo đúng quy định. 

Giáp Tết, các thực phẩm không đảm bảo an toàn thường gia tăng, Cục có biện pháp gì để ngăn chặn?

Thực tế đó là những sản phẩm không rõ nguồn gốc. Bộ NN&PTNT đang thực hiện chỉ đạo của Chính phủ để xây dựng chuỗi thực phẩm an toàn, từ khâu trồng trọt đến tiêu thụ. Đối với thực phẩm nhập khẩu chúng ta đang duy trì lấy mẫu xác suất để kiểm nghiệm.

Việt Nam là đối tác của tất cả các nước trên thế giới, mọi kiểm tra, kiểm soát đều được thực thi theo thông lệ quốc tế, không phân biệt đối xử với nước nào. Nếu thấy có dấu hiệu vi phạm chúng tôi áp dụng chế độ kiểm tra tăng. Ngoài ra, Việt Nam còn đang thực hiện việc kiểm tra từ nguồn, năm 2014 đã có đoàn kiểm tra tại Mỹ, Myanmar, Brazil... 

Còn việc công khai kết quả kiểm tra đối với các doanh nghiệp vi phạm được triển khai ra sao, thưa ông?

Các đoàn thanh tra, giám sát trên diện rộng, cả không gian và thời gian. Ngoài thanh tra định kỳ còn có thanh tra đột xuất. Năm nay chúng tôi sẽ tập trung vào thanh tra đột xuất để tiến hành xử lý. Tuy nhiên, đúng là hiện nay việc công khai còn chưa nhiều. Công khai lên là hình phạt nghiêm trọng nhất, đáng sợ nhất đối với nhà sản xuất.

Người tiêu dùng Việt Nam có sức ép rất hiệu quả, người ta sẵn sàng tẩy chay những sản phẩm không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Ngoài ra, các cơ quan từ trung ương đến địa phương đều có đường dây nóng, người dân đều có thể liên hệ. Nếu phản ánh đúng, rõ ràng địa chỉ thì chúng tôi sẽ truy xuất và xử lý. 

Cảm ơn ông.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.