Lập bệnh viện dã chiến

Lập bệnh viện dã chiến
TP - Hệ thống bệnh viện dã chiến ở các trường học được triển khai từ hôm qua để sẵn sàng đối phó trong trường hợp dịch bệnh lan đến Việt Nam, quan chức ngành y tế TPHCM cho  biết.

Bác sĩ Phan Văn Nghiệm- Trưởng phòng Nghiệp vụ y, Sở Y tế TPHCM, chiều qua cho biết, thành phố vừa thành lập ban chỉ đạo phòng chống dịch cúm lợn. Hôm qua Sở Y tế cũng đã thành lập bốn tiểu ban chống dịch, gồm truyền thông, hậu cần, điều trị và dự phòng.

“Thuốc Tamiflu đã được cung cấp cho các cơ sở chữa trị, bốn bệnh viện là Nhiệt đới, Nhi đồng 1-2 và Phạm Ngọc Thạnh, mỗi bệnh viện đều có 50 giường bệnh sẵn sàng. Hệ thống bệnh viện dã chiến ở các trường học cũng được triển khai từ hôm nay (tức hôm qua, 28/4)”- bác sĩ Nghiệm cho biết.

Ngoài ra kế hoạch tác chiến khi có dịch giữa các đơn vị đều đã được trình bày. Quân đoàn 4 cũng ráo riết chuẩn bị diễn tập chống dịch. Trong khi đó, theo bác sĩ Nguyễn Văn Sáu- Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch Y tế Quốc tế TPHCM, đến chiều tối nay, chưa phát hiện trường hợp nào nghi ngờ nhiễm cúm từ sân bay, hải cảng.

“Khi khách xuống ga, hành khách sẽ có lối đi riêng để được tiến hành đo thân nhiệt từ xa. Nếu phát hiện có thân nhiệt cao, màn hình máy đo sẽ hiện lên màu đỏ và hành khách đó sẽ lập tức được tiến hành kiểm tra ban đầu của quy trình giám sát kiểm dịch cúm nguy hiểm”- bác sĩ Sáu cho biết.

Tại sân bay Quốc tế Tân Sơn Nhất chiều qua, khá nhiều hành khách từ Mỹ đến Việt Nam đã tự mang khẩu trang chống dịch. Trong khi đó, theo Trung tâm kiểm dịch, người Việt Nam vẫn đi lại bình thường tại các nước đang nằm trong vùng dịch như Mỹ.

Bằng chứng là, theo bác sĩ Sáu, số người đến làm các thủ tục về y tế như chích ngừa tại Trung tâm để ra nước này vẫn nhiều như thời gian trước. “Trước khi đi sang các nước này chúng tôi đã phát tờ rơi tuyên truyền về tình hình dịch cúm lợn cũng như các biện pháp phòng chống dịch”- Bác sĩ Sáu nói.

Kiểm dịch tại sân bay Nội Bài và Đà Nẵng

Chiều 28/4, đoàn chuyên gia Cục Y tế Dự phòng & Môi trường, Sở Y tế Hà Nội đến kiểm tra, giám sát việc triển khai công tác phòng chống dịch cúm lợn tại sân bay Quốc tế Nội Bài (Hà Nội).

Ông Nguyễn Tiến Hòa - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch Y tế Quốc tế (Nội Bài) cho biết, đến chiều qua, thành phố tăng cường cho Trung tâm 1.000 tờ khai kiểm dịch y tế để phát cho các khách nhập cảnh vào Việt Nam khai rõ tiền sử; tăng cường 20 nhiệt kế đo tai; Trung tâm cũng đã có một máy đo thân nhiệt để đo nhiệt độ các khách nhập cảnh qua sân bay.

Ông Hòa cho biết, nếu phát hiện có ca nghi ngờ, sẽ đưa vào phòng cách ly để theo dõi. Hiện trung tâm có năm bác sĩ và đang đề xuất xin thêm khoảng năm bác sĩ bổ sung trong đợt này.

Hôm qua, Cụm cảng Hàng không miền Trung cho hay, đơn vị này đang khẩn trương phối hợp với TT kiểm dịch y tế quốc tế tại Đà Nẵng triển khai máy đo thân nhiệt đối với tất cả các hành khách quốc tế qua đường hàng không đến sân bay. Hai máy đo thân nhiệt cũng được đặt tại cảng Tiên Sa. Hiện tại chỉ còn một đường bay quốc tế duy nhất đang hoạt động ở sân bay Đà Nẵng là tuyến Đà Nẵng - Siem Reap - Singapore.

Cùng ngày, Bộ Y tế có công điện khẩn về việc cấp bách tăng cường công tác điều trị phòng chống dịch cúm lợn gửi các bệnh viện, sở y tế tỉnh thành phố, y tế các ngành.

Việt Nam đang rất thiếu số liệu lâm sàng cúm trong báo cáo. Nguyên nhân là do nhiều người, thậm chí cả cán bộ y tế, đều cho rằng cúm là bệnh đơn giản nên không báo cáo. Nhưng trên thực tế, để biết được virus cúm biến đổi như thế nào, biến đổi khi nào thì luôn phải giám sát chặt. Có rất nhiều ca cúm tập thể tại các trường học, cơ quan nhưng không được thông báo.

Viện Vệ sinh Dịch tễ T.Ư phối hợp với Viện Pasteur TPHCM triển khai hệ thống giám sát cúm thông thường tại 15 điểm trên 10 tỉnh từ tháng 10/2006 đến nay. Kết quả đã lấy được 20.000 mẫu, trong đó 20% dương tính với cúm thường trên thế giới như cúm H3N2, cúm B...

Các chủng virus cúm biến đổi liên tục, song tại Việt Nam chưa phát hiện chủng virus cúm lạ.

Ông Hiển cũng khẳng định, hiện Viện Vệ sinh Dịch tễ T.Ư hoàn toàn có khả năng xét nghiệm phát hiện sớm được bệnh nhân nhiễm cúm lợn A/H1N1 bằng kỹ thuật giải mã gene.

MỚI - NÓNG