Lắp hộp đen ôtô: Chi phí cao, tiêu chí chưa rõ

Lắp hộp đen ôtô: Chi phí cao, tiêu chí chưa rõ
TP - Theo tính toán của Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam, trên 100 nghìn phương tiện kinh doanh vận tải sẽ phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (hộp đen) với tổng kinh phí khoảng 1.000 tỷ đồng. Trong khi đó, một số tiêu chí về hộp đen chưa rõ ràng.

>> Đề nghị xây dựng kho dữ liệu khi lắp hộp đen ô tô
>> Tài xế và ô tô bị giám sát bằng 'hộp đen'

 
Lắp hộp đen ôtô: Chi phí cao, tiêu chí chưa rõ ảnh 1

Theo Nghị định số 91/2009/NĐ-CP, đến ngày 1-7-2011, xe ôtô kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định có cự ly từ 500 km trở lên, xe kinh doanh vận chuyển khách du lịch, vận tải hàng hóa bằng container phải gắn hộp đen. Ngày 1-1-2012 sẽ áp dụng với xe thuộc diện trên có cự ly dưới 300 km. Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam, cho biết, cả nước sẽ có trên 100 nghìn xe thuộc diện phải lắp đặt hộp đen. Tính sơ bộ mỗi thiết bị có giá từ 8 - 10 triệu đồng thì số tiền mà ngành vận tải bỏ ra lắp đặt hộp đen sẽ lên tới nghìn tỷ đồng.

Cuối tháng 3, Bộ GTVT ban hành bộ quy chuẩn lắp hộp đen nên các doanh nghiệp vận tải chỉ có gần 4 tháng để hoàn thành việc lắp đặt. Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam vừa kiến nghị Bộ GTVT lùi thời hạn áp dụng từ 6 tháng đến 1 năm.

Nhiều doanh nghiệp vận tải quy mô lớn như: Mai Linh, Hải Âu, Hoàng Long, Transerco... đã tự lắp đặt hộp đen. Tuy nhiên, thiết bị này đơn thuần phục vụ lợi ích của doanh nghiệp trong việc quản lý hoạt động vận tải như: nhiên liệu, số lượng hành khách, hành trình phương tiện... để tránh thất thoát, gian lận. Sẽ có tiêu chí hoàn toàn mới để phục vụ nhu cầu quản lý, giám sát của lực lượng chức năng. Do vậy, không ít doanh nghiệp tỏ ra lo lắng bởi họ phải tự bỏ tiền túi lắp đặt thiết bị giám sát chính mình.

Ngoài ra, một số doanh nghiệp đã lắp hộp đen lo lắng cho số phận của thiết bị không đáp ứng được các tiêu chí mà Bộ GTVT vừa ban hành tại Thông tư số 08/2011/TT-BGTVT như: tiêu chí kiểm soát về tốc độ, số lần đóng- mở cửa, đầu đọc máy in... Ông Nguyễn Đình Chung, Giám đốc Cty Vận tải Đa phương thức Duyên Hải (Hải Phòng), băn khoăn: “Liệu các thiết bị đã được lắp đặt có phải thay hoặc nâng cấp? Nếu thay mới sẽ mất hàng tỷ đồng, còn nâng cấp thì cũng tốn kém không ít”.

Theo phản ánh của một số nhà sản xuất, cung ứng hộp đen, một số tiêu chí của bộ quy chuẩn mà Bộ GTVT vừa ban hành chưa rõ ràng khiến họ lúng túng trong việc thiết kế, chế tạo, đặt hàng nhà sản xuất nước ngoài như: tốc độ tối thiểu bao nhiêu thì được coi là một lần dừng - đỗ trong khi sai số cho phép là trên dưới 5km/giờ. Hay quy định về thời gian lái xe liên tục quá 4 tiếng là vi phạm nhưng lại chưa có tiêu chí trong việc kiểm soát lái xe chạy nhiều ca trong ngày, xuyên đêm...

Tuy nhiên, ông Nguyễn Thành Long, Giám đốc Cty TNHH Trực Nhân chuyên nhập khẩu và cung cấp hộp đen, nói rằng: “Về phần cứng, hầu hết sản phẩm hộp đen đã và đang lưu hành trên thị trường đều đáp ứng được các tiêu chuẩn kỹ thuật của Bộ GTVT. Đối với các tiêu chí cụ thể, chỉ cần có yêu cầu rõ ràng là có thể cài đặt được”.

Giải đáp lo lắng của các doanh nghiệp nhỏ sẽ tốn kém hàng chục nghìn USD đầu tư máy chủ (server), ông Long cho rằng, vấn đề này hoàn toàn có thể giải quyết thông qua việc doanh nghiệp vận tải thuê luôn server của nhà cung cấp thiết bị với mức giá từ 70- 80 nghìn đồng/xe/tháng. Đối với một số doanh nghiệp đang sử dụng hệ thống định vị, sẽ phải bổ sung nâng cấp phần mềm và phần cứng cho hộp đen. Tuy nhiên, chi phí cho công đoạn này không cao do chỉ phải cài lại phần mềm. Chi phí tối đa cho việc này chắc chắn không quá cao so với giá bán của thiết bị đã sử dụng, ông Long nói.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Con đường hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn
Con đường hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn
TPO - Triển lãm "Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh huyền thoại" giới thiệu khoảng 100 tài liệu, hình ảnh có nội dung cô đọng, ấn tượng nhất về sự ra đời của “tuyến lửa” Trường Sơn - nơi luôn rung chuyển, bị cày xới và hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn, chất độc hóa học của kẻ thù.