Lật lại việc bổ nhiệm Nguyễn Việt Tiến và Bùi Tiến Dũng

Lật lại việc bổ nhiệm Nguyễn Việt Tiến và Bùi Tiến Dũng
TP - Hôm qua (10/4), Bộ trưởng Bộ Nội vụ Đỗ Quang Trung đã có cuộc trao đổi vơi báo chí xung quanh dư luận “chạy chức” của nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Việt Tiến.
Lật lại việc bổ nhiệm Nguyễn Việt Tiến và Bùi Tiến Dũng ảnh 1
Bộ trưởng Đỗ Quang Trung

Thưa Bộ trưởng, trả lời báo chí về trường hợp nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Việt Tiến, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Thế Tiệm cho biết cơ quan điều tra đang làm rõ dư luận cho rằng ông Tiến “chạy chức”. Bộ Nội vụ đã nhận được đề nghị từ phía cơ quan điều tra về việc rà soát trường hợp ông Nguyễn Việt Tiến?

Chúng tôi chưa nhận được. Tuy nhiên, tôi ủng hộ cách làm này của cơ quan điều tra.

Qua vụ PMU 18, dư luận rất quan tâm đến công tác đề bạt cất nhắc các cán bộ đã bị cơ quan điều tra khởi tố, bắt giam. Bộ trưởng đánh giá thế nào về việc này?

Đây là vấn đề lớn, nói ngay thì không đơn giản. Qua vụ PMU18, Nguyễn Việt Tiến, hoặc vụ Lã Thị Kim Oanh, tôi chỉ nói trách nhiệm, phạm vi của Bộ Nội vụ. Bộ Nội vụ có trách nhiệm thẩm định diện cán bộ do Thủ tướng quyết định, chúng tôi đang xem xét kiểm điểm rút kinh nghiệm theo quy định chung.

Trước hết, tôi đang chỉ đạo xem quy trình có chỗ nào chưa chặt chẽ, chưa rõ. Trường hợp của Bùi Tiến Dũng và Nguyễn Việt Tiến cũng đang xem xét lại, Bộ Nội vụ đang cùng với Bộ GTVT kiểm điểm lại nên chưa thể nói rõ ràng được.

Có thông tin rằng trước khi bị bắt ông Tiến từng được đưa vào diện quy hoạch đề bạt chức vụ cao hơn. Bộ trưởng đánh giá thế nào về việc này?

Cái đó đang cho kiểm tra xem lại. Riêng Bộ Nội vụ chưa có văn bản nào đề bạt ông Tiến giữ chức vụ cao hơn.

Nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội Mai Thúc Lân đặt vấn đề, trước đây ở một Hội nghị TW, ông Nguyễn Việt Tiến có số phiếu rất thấp và đã bị gạt ra, nhưng hội nghị sau lại được đưa ra để lấy phiếu tín nhiệm. Ông có thấy điều này rất không bình thường?

Tôi vừa đọc bài trả lời của anh Lân, và tôi đồng ý với ý kiến này. Vấn đề cần được rút kinh nghiệm ở đây là phải làm rõ tại sao không tán thành, vì kết quả bỏ phiếu mới chỉ thể hiện có hay không tán thành. Nhưng còn lý do vì sao phiếu thấp thì phải làm rõ đối với từng cán bộ.

Khi ông Tiến chuẩn bị lên Thứ trưởng, ông đã ký văn bản yêu cầu xác minh 5 vấn đề liên quan đến ông Tiến? Kết quả xác minh như thế nào, thưa Bộ trưởng?

Tôi đang cho xem lại, nhưng tôi nhớ lúc đó đã có đơn thư tố cáo. Anh em báo cáo và tôi đã ký yêu cầu Bộ GTVT báo cáo vì cơ quan nào trình cán bộ diện quy hoạch, cơ quan đó có trách nhiệm.

Sau đó, Bộ GTVT đã có văn bản báo cáo kết quả xác minh, song cụ thể thế nào tôi không nhớ. Việc này phải xem lại hồ sơ tôi mới trả lời được.

Thời gian đó cũng từng có những ý kiến phản đối việc đề bạt ông  Tiến lên Thứ trưởng?

Nếu anh em theo dõi ghi vào trong hồ sơ có gì không đồng ý, không bao giờ tôi trình. Về sau này mới có ý kiến phản đối.

Nếu có thể nhận trách nhiệm về việc này, Bộ Nội vụ có trách nhiệm như thế nào?

Nói về trách nhiệm cán bộ phải nói về những vị trí một, bây giờ đang xem xét phải qua kiểm tra mới làm rõ được. Cũng như điều tra chạy án chỗ nào, của ai mới quy trách nhiệm được...

Không riêng ông Tiến, khi ông Đào Đình Bình được vào ủy viên TW, rồi đề bạt Bộ trưởng,  dường như đã từng có nhiều ý kiến không đồng ý?

Cái này tôi chưa trả lời cụ thể được, vì do Quốc hội phê chuẩn. Anh Đào Đình Bình cũng một lần Quốc hội bỏ phiếu không quá bán, nên không được. Anh ấy vào TW qua Đại hội nên tôi không bình luận.

Theo Bộ trưởng, quy trình bổ nhiệm cán bộ hiện nay có khe hở nào để nạn chạy chức chạy quyền xảy ra?

Tôi suy nghĩ lắm và đã nói rất nhiều lần, anh em làm việc này phải xem lại xem có gì sơ hở về mặt quy trình. Trước hết tôi muốn nói về mặt quy trình thủ tục hành chính, rồi đến con người. Không phải chỉ ở trường hợp anh Tiến mà chúng tôi phải rút kinh nghiệm chung...

Không phải đến vụ này mà trong vụ Lã Thị Kim Oanh đã phát hiện ra có việc chạy chức chạy quyền?

Vụ Lã Thị Kim Oanh chúng tôi đã rút kinh nghiệm với Bộ NN & PTNT. Cụ thể, chúng tôi kiến nghị đẩy nhanh cải cách DNNN, tách quản lý nhà nước với DN.

Thứ hai là phân công rõ ràng, với những DN trực thuộc Bộ mà Bộ trưởng quyết định bổ nhiệm, thì Bộ Nội vụ không có thoả thuận mà để bộ chủ quản quyết định và phải có trách nhiệm. Bộ Nội vụ chỉ có trách nhiệm kiểm tra giám sát.

Thưa Bộ trưởng, có dư luận cho rằng muốn “chạy chức” Thứ trưởng hay Bộ trưởng phải chi phí nhiều tỷ đồng. Ông đã nghe chuyện này, hoặc dư luận nào về việc chạy chức chạy quyền ở Bộ GTVT?

Dư luận về chạy chức chạy quyền đã có từ lâu, không riêng ở Bộ GTVT. Sửa cái này bằng cách nào chính là sự chặt chẽ của quy trình. Công tác bổ nhiệm cán bộ không phải do cá nhân quyết định mà là tập thể.

Ngay cả các chức danh Thủ tướng quyết định không phải qua Ban Bí thư, song vẫn phải lấy ý kiến các ban Đảng và các cơ quan tham gia. Đây cũng là một cách khắc phục nạn chạy chức, chạy quyền, nếu giao cho một cá nhân nào quyết định thì cực kỳ nguy hiểm.

Xin cảm ơn Bộ trưởng!

Công Minh thực hiện

MỚI - NÓNG