Lấy chồng Đài Loan: Con đường chẳng có hoa hồng

Lấy chồng Đài Loan: Con đường chẳng có hoa hồng
Làn sóng cô dâu Việt Nam lấy chồng Đài Loan đang di chuyển dần từ phía Nam ra Bắc. Ôm giấc mơ đổi đời nhanh chóng, hiều cô dâu Việt Nam đã phải mất cả nghìn đô để được lấy chồng ngoại.
Lấy chồng Đài Loan: Con đường chẳng có hoa hồng ảnh 1
Môi giới cô dâu Việt khắp mọi nơi. Ảnh: Trang Hạ

Tôi gặp cô dâu Việt Nam tên Hiền (đã đổi tên - PV), người Cần Thơ ở một quán cơm trên đường Tiểu Cảng. Hiền theo chồng về thành phố Cao Hùng đã ba năm, sinh cho nhà chồng một đứa con trai, và vừa mới xin được việc bưng bê ở quán cơm này vài tháng.

Hiền vẫn còn có thể thuật lại rõ ràng ngày gặp chồng ở Việt Nam. Đám môi giới chất mười bảy cô gái vào chiếc ô tô 9 chỗ ngồi, chở thẳng một mạch đến nơi xem mặt.

Bốn cô một lượt vào chào các chàng rể tương lai. Môi giới vắn tắt: “23 tuổi, 20 tuổi, 19 tuổi, 19 tuổi!”.

Câu tự giới thiệu tiếng Trung mà Hiền phải học thuộc và đọc ra trơn tru lúc đó là: “Em rất dịu dàng và quan tâm người khác, sau này em nhất định sẽ là một người vợ tốt!”.

Hiền bảo, hôm đó chồng bây giờ của cô, một anh thợ sửa điện nước, lắp đặt bếp gas tư nhân có hỏi kỹ: “Thế nếu cô ấy bỏ trốn thì sao?”. Hiền chưa trả lời, bà “mẹ nuôi” đã đỡ lời: “Cô ấy nhà nghèo lắm, trốn về thì sống thế nào được”.

Nhiều cuộc hôn nhân Đài - Việt chỉ dựa trên một vài thông tin sơ sài như thế. Hiền còn may mắn vì gặp một người chồng tốt, hiền lành và chăm chỉ. Thái - chồng Hiền bây giờ cho biết, hồi cưới vợ chỉ đinh ninh lời dặn của Cty môi giới: Phải phấn đấu làm thế nào cho cô dâu… mang bầu càng nhanh càng tốt! Và nghiêm cấm vợ làm quen với các cô dâu Việt khác! Có thế mới giữ được cô dâu Việt làm vợ lâu dài!

Các quảng cáo môi giới hôn nhân ở Đài Loan thậm chí còn đi xa hơn trong “công nghệ quảng cáo”: “Không đủ 300 cô cho bạn chọn, chúng tôi sẽ hoàn lại tiền!”. Song hiện tượng môi giới hôn nhân theo kiểu tập trung tại TP.HCM giờ đã không còn thịnh hành mà biến tướng thành một cách “xem mặt” kín đáo, nhẹ nhàng ở miền Bắc.

Theo ông Su Jen-chung, Tổ trưởng Tổ Lãnh vụ tại Văn phòng Kinh tế và Văn hoá Đài Bắc tại Hà Nội, trong thời gian gần đây, nhất là sau thời điểm Đài Loan tạm “đóng cửa” với cô dâu Campuchia, một số Cty môi giới đã chuyển toàn bộ thị trường sang Việt Nam và có xu hướng hoạt động mạnh tại các tỉnh thành miền Bắc của Việt Nam.

Sau sáu tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, hiện tại “cô dâu miền Bắc” trở thành một hiện tượng đáng chú ý. Năm 1999, mỗi tháng Văn phòng đại diện Kinh tế và Văn hoá Đài Bắc tiếp nhận vỏn vẹn mười mấy đôi “chồng Đài vợ Việt”.

Năm 2000 tăng lên xấp xỉ 30 đôi một tháng. Đến năm 2004, mỗi tháng có tới 60 - 80 đôi cô dâu chú rể đến phỏng vấn xin Visa qua xứ Đài. Từ đầu năm 2005 đến nay tăng vọt đến 150 - 200 đôi xin đăng ký một tháng.

Huyện Thuỷ Nguyên (Hải Phòng) trở thành điểm nóng với những thôn có tới 30 cô gái lấy chồng Đài Loan. Đã hình thành các đường dây môi giới hôn nhân chuyên nghiệp ở miền Bắc.

Mất tiền để được cưới chồng

Tuy nhiên, một hiện tượng bất bình thường là, trong khi gia đình các cô dâu ở phía Nam có thể nhận được chút đỉnh vài trăm USD sau khi gả con sang Đài Loan thì nhiều gia đình cô dâu ở miền Bắc bị buộc phải mất thêm hàng trăm USD cho bà mối.

Một chú rể Đài Loan mới cưới vợ Việt đầu năm 2005 cho phóng viên Tiền Phong biết, ngoài số tiền anh ta trả cho môi giới khoảng 7.000 USD, gia đình cô dâu ở Hải Dương cũng đã mất 1.000 USD để được “ra mắt” chú rể!

Trong cuộc Hội thảo về hiện tượng di dân và cô dâu Việt Nam tại Đài Loan được tổ chức tại Hà Nội sáng 16/8/2005, hàng chục học giả Đài Loan và Việt Nam đều băn khoăn trước hiện tượng cô dâu Việt di chuyển dần ra phía Bắc.

Liệu những biến động đang ngấm ngầm vận động này có báo hiệu những làn sóng mới trong lĩnh vực hôn nhân Việt Nam Đài Loan. Và liệu đây có phải là kết quả của những Cty môi giới hôn nhân Đài Loan có sự tiếp tay của một số người Việt hám tiền đang lan dần ra phía Bắc?

Thiên biến vạn hoá trên con đường cô dâu Việt đặt chân được đến đất Đài Loan. Theo một nghiên cứu mới nhất của Đại học Quốc tế Tế Nam, Phó giáo sư Hứa Nhã Huệ cho biết, bà đã làm đề tài nghiên cứu “Hiện trạng sống của trẻ em trong các gia đình Đài Loan có cô dâu Đông Nam Á”, đa số trong đó là các gia đình có cô dâu Việt Nam và cho kết quả bất ngờ: Có tới 85% các gia đình này thu nhập thấp hoặc có mức sống nghèo khổ.

Tức là thu nhập cả gia đình dưới hai vạn Đài tệ (10 triệu VNĐ) một tháng. Ngoài ra tỉ lệ con lai bị chậm phát triển trí óc hoặc tật nguyền cao hơn rất nhiều so với tỉ lệ bình quân của Đài Loan.

Nghiên cứu này cũng cho hay có đến 86% chú rể Đài Loan tuy có công việc, song chủ yếu chỉ là công việc tay chân, công nhân v.v… 14% thất nghiệp hoàn toàn và quá bán là công việc không ổn định.

Vậy nên không ngạc nhiên khi bên cạnh những cô dâu Việt Nam thực sự tìm được hạnh phúc, sống trong tổ ấm gia đình êm ái, được cả gia đình người Đài Loan yêu mến thì cũng có những số phận kết thúc bằng nước mắt.

MỚI - NÓNG
Một nhân viên của Ukrainian Armor chuẩn bị đặt súng cối vào hộp tại khu nhà xưởng không được công khai vị trí. (Ảnh: Reuter)
Ngành vũ khí nội địa Ukraine kêu khó đủ đường
TPO - Hàng trăm doanh nghiệp sản xuất vũ khí và thiết bị quân sự đã mọc lên ở Ukraine kể từ khi cuộc xung đột với Nga nổ ra, nhưng nhiều doanh nghiệp trong số đó đang chật vật vì thiếu tiền và tất cả đều lo sợ sẽ trở thành mục tiêu của tên lửa Nga.