Lấy chồng Hàn Quốc, làn sóng mới ở Cần Thơ

Lấy chồng Hàn Quốc, làn sóng mới ở Cần Thơ
TPCN - Trong khi phong trào lấy chồng Đài Loan tạm lắng xuống, thì lấy chồng Hàn Quốc lại tăng nhiệt ở Cần Thơ. 6 tháng đầu năm 2005 có 178 cô gái và 6 tháng cuối năm là 201 cô gái lấy chồng Hàn Quốc.
Lấy chồng Hàn Quốc, làn sóng mới ở Cần Thơ ảnh 1
Các cô gái đang chờ làm thủ tục kết hôn với người Hàn Quốc tại Sở Tư pháp Cần Thơ

Trong khi đó, năm 2004 chỉ có 34 cô gái lấy chồng Hàn Quốc.

Đầu năm 2006, số lượng này đang tiếp tục tăng.

Những “xã, ấp Hàn Quốc” ở Cần Thơ

Con số 379 cô gái lấy chồng Hàn Quốc ở Cần Thơ chủ yếu tập trung vào các huyện vùng ven. Đây là những miền quê nghèo. Những xã như Thuận Hưng, Kiên Trung, Tân Lộc (huyện Thốt Nốt), xã Vĩnh Trinh (huyện Vĩnh Thạnh) vốn là “thị trường” của các chú rể Đài Loan trước đây thì hiện nay đã chuyển hướng sang Hàn Quốc một cách nhanh chóng.

Tại xã Thuận Hưng, trong năm 2004 chỉ  có 1 cô gái lấy chồng Hàn Quốc thì trong năm 2005 đã có 30 cô. Chưa đầy 2 tháng đầu năm 2006, đã có 15 cô gái xin xác nhận độc thân để lấy chồng Hàn Quốc.

Những người Hàn Quốc mà các cô gái lấy làm chồng thường ở độ tuổi 30-45, tập trung ở các vùng nông thôn có thu nhập thấp, khó có khả năng lấy vợ bản xứ.

Theo cán bộ tư pháp Cần Thơ thì họ  nhắm vào vùng nông thôn Việt Nam vì có nhiều cô gái trẻ đẹp. Những cặp dâu Việt rể Hàn thường chênh lệch từ một đến hai … con giáp.

Cô dâu Nguyễn Thị T, 21 tuổi, ở xã Thuận Hưng, đã sánh duyên cùng “chú rể” người Hàn 59 tuổi (chênh lệch nhau 38 tuổi). Các cô dâu thường ở độ tuổi 18 – 25, đa phần có trình độ học vấn cấp một, cấp hai, cá biệt có trường hợp mù chữ.

Những cô gái  này không có công ăn việc làm ổn định, nhiều cô sinh sống trong những gia đình không có ruộng đất canh tác.

Theo số liệu của Sở Tư pháp Cần Thơ, khi số lượng các cô gái lấy chồng Hàn Quốc tăng lên thì số lượng các cô gái lấy chồng Đài Loan giảm rõ rệt, từ 2.744 cuộc kết hôn năm 2000 chỉ còn 1.215 trong năm 2004.

 Sáu tháng đầu năm 2005 chỉ có 561 cô gái lấy chồng Đài Loan và 6 tháng cuối năm 2005 chưa có con số thống kê cụ thể nhưng cán bộ tư pháp Cần Thơ khẳng định là còn ít hơn nữa.

Hộ ông Trần Văn T ở xã Thuận Hưng, đầu năm 2005 gả cô con gái đầu lòng Trần Thị T cho chàng trai Hàn Quốc. Cô T đi nửa năm thấy khá giả trở về Việt Nam chèo kéo thêm cô em ruột và sau đó là cả cháu ruột (gọi T bằng cô) sang làm dâu xứ Hàn.

Ở những xã như Kiên Trung (Thốt Nốt) hay Vĩnh Trinh (Vĩnh Thạnh) đã có trên dưới 30 cô gái lấy chồng Hàn Quốc. ấp Tân Qưới và ấp Tân Phước 1 là 2 ấp trong xã Thuận Hưng có số lượng các cô gái lấy chồng Hàn Quốc nhiều nhất.

Tại ấp Tân Phước 1, nơi trước đây có  nhiều “cụm Đài Loan” thì nay đã xuất hiện thêm “cụm Hàn Quốc” với gần 15 hộ. Và những “cụm Hàn Quốc”, “ấp Hàn Quốc” theo cách gọi dân gian ra đời ngày một nhiều.

Đặc biệt nhất là xã cù lao Tân Lộc (Thốt Nốt) từng được gọi là “xã Đài Loan” những năm trước thì năm 2005 đã có 60 cô gái lấy chồng Hàn Quốc và nhiều người dân địa phương hiện chuyển sang gọi Tân Lộc là “xã Hàn Quốc”.

Đâu là nguyên nhân của sự đột biến?

Thống kê tại Sở Tư pháp Cần Thơ cho thấy 79% các cô gái lấy chồng Hàn Quốc xuất thân từ những gia đình khó khăn, số còn lại do…sở thích.

Kết quả của những cuộc xuất giá bước đầu là khá khả quan: 67% cô gái lấy chồng Hàn Quốc đã giúp đỡ được gia đình. Đa phần các cô dâu được hỏi đều trả lời đang có cuộc sống ổn định và hạnh phúc ở xứ người, chỉ có 18% là bất hạnh.

Anh Phan Văn Tùng, Phó chủ tịch UBND xã Thuận Hưng cho biết: “Gần 10% số hộ trong xã là hộ nghèo , nên các cô gái trẻ và gia đình của họ chọn cách lấy chồng Hàn Quốc”.

Mỗi cuộc kết hôn, các chú rể Hàn Quốc “chi” từ 200 - 320 triệu đồng. Số tiền này qua nhiều trung gian, nhiều chi phí và khi đến tay gia đình cô dâu chỉ còn lại 3-4 triệu đồng.

Tuy nhiên, anh Tùng cho biết, nhiều cô gái lấy chồng Hàn Quốc, mỗi cô mỗi quý (3 tháng) đã gửi về nhà được 20 - 40 triệu đồng, cá biệt có cô gửi về nhà cả trăm triệu đồng.

Như 2 cô gái con ông Trần Văn T ở xã Thuận Hưng chỉ trong một năm đã gửi tiền cho ông cất căn nhà hơn trăm triệu và mua sắm đầy đủ tiện nghi.

Việc lấy chồng Hàn Quốc hay Đài Loan với các cô và gia đình các cô không phải là vấn đề lớn.

Nhưng có sự chuyển hướng mau lẹ do tác động khách quan là thời gian gần đây, tại một số nơi ở ĐBSCL, việc kết hôn với người Đài Loan bị xem như một “nạn” và bị lên án nhiều. Bởi vậy, những người dẫn mối quay sang thị trường Hàn Quốc còn đầy tiềm năng.

Thêm nữa, thủ tục đăng ký hết hôn với người Hàn Quốc rất đơn giản. Khi lấy chồng Đài Loan, hai bên trai gái buộc phải có mặt phỏng vấn tại Sở Tư pháp và danh sách phải niêm yết ở nơi cư trú.

Tuy nhiên, khi lấy chồng Hàn Quốc, các cô gái chỉ cần giấy chứng nhận độc thân có chứng thực của xã. Các chú rể có thể đăng ký kết hôn tại Hàn Quốc mà không cần có mặt cô dâu, sau đó gửi hồ sơ đăng ký kết hôn sang Việt Nam.

Tại đây, các cô gái chỉ việc mang hồ sơ đến Sở tư pháp để viết “ghi chú hôn nhân”. Nếu các cặp vợ chồng này làm đăng ký kết hôn tại Lãnh sự quán Hàn Quốc tại Việt Nam  thì mỗi cô dâu cũng chỉ cần điền các thông tin cá nhân vào một mẫu giấy in sẵn y như… tuyển dụng lao động.

Nhờ sự “thông thoáng” này các cô gái trẻ rất nhanh chóng được cấp visa để lên máy bay về nhà chồng. Và làn sóng lấy chồng Hàn Quốc vì thế lan nhanh qua các vùng quê…

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.