Lấy chồng nghề biển, hồn treo cột buồm...

Lấy chồng nghề biển, hồn treo cột buồm...
Gần 15 năm trở lại đây, làng chài Tam Hải, huyện Núi Thành, Quảng Nam đã có trên 100 phụ nữ cam chịu cảnh lẻ bóng, thầm lặng nuôi con khi chồng lần lượt ra khơi, chẳng trở về.
Lấy chồng nghề biển, hồn treo cột buồm... ảnh 1
Hơn 1 năm đã trôi qua nhưng chị Lương Thị Lan cùng mẹ chồng và 2 đứa con vẫn mong đợi chồng trở về

Làng chài Tam Hải, Núi Thành, Quảng Nam vào một ngày giữa tháng bảy, gió lớn và mưa dông. Con đò ì ạch lắc lư rời bến đưa hơn 30 người về làng chài. “Bây giờ làng chài đã có tên mới: làng của những ngôi mộ gió, chú ạ!”, ông lái đò nói.

Hơn một năm trôi qua, 20 thuyền viên trên chiếc tàu định mệnh Qna 1431 gặp nạn trong cơn bão số 2 vào tháng 6/2004, vẫn mãi không trở về trong mong đợi của người thân. Có lẽ họ đã mãi mãi nằm lại ngoài biển khơi.

Những nấm mộ gió, những chiếc bàn thờ lần lượt được dựng lên trong những căn nhà nhỏ, trĩu nặng nỗi buồn.

Những đám tang lặng lẽ

Những người con gái của cái làng có trên 1.700 hộ dân này ai cũng thầm hiểu “lấy chồng nghề biển hồn treo cột buồm”, nhưng vì “duyên lỡ yêu thương” nên đành phận - chị Nguyễn Thị Lan, ở làng chài, tâm sự. Đa số những trường hợp chết biển đều không tìm được xác.

Họ mãi mãi nằm lại ngoài biển khơi trong sự tiếc thương vô ngần của người thân. Những chiếc bình hương lần lượt đặt trên bàn thờ, nhưng họ vẫn hi vọng và chờ đợi, chờ đợi... đến mỏi mòn. Cũng không ít những đứa trẻ, mỗi lần thấy tàu đi biển về là chúng chạy về khoe mẹ: “Mẹ ơi! Tàu ba về rồi”.

Theo phong tục của dân làng chài, những người mất tích không tìm được xác, sau ba tháng mười ngày sẽ được xây mộ gió. Mộ chỉ có một tấm bia ghi tên họ gắn trên một lún đất. Trong nhà, người thân lập bàn thờ thờ những người ra đi không trở về.

Lấy chồng nghề biển, hồn treo cột buồm... ảnh 2
Những nấm mộ gió ở làng chài Tam hải

Người lập mộ gió đầu tiên trong số 20 thuyền viên mất tích trên chuyến tàu định mệnh Qna 1431 là gia đình của thuyên viên Nguyễn Văn Cường. Anh ra đi bỏ lại người vợ không có công ăn việc làm và hai đứa con nhỏ đang học PTCS.

Ngày tôi về làng chài Tam Hải đúng vào ngày những người thân của 20 thuyền viên gặp nạn trên chuyến tàu định mệnh ấy đang lập những nấm mộ gió cuối cùng.

Những đám tang lặng lẽ, không có tiếng trống đưa tang, không ồn ào, đông đúc như những đám tang có xác người chết, không có tiếng khóc thành lời. Nhưng nước mắt của những người đưa tang cứ chảy ròng, đôi mắt đỏ hoe, sưng vù.

Cả làng chưa một ai tái giá

Khi hỏi về cuộc sống của những người đàn bà xấu số có chồng chết biển bây giờ ra sao, chị Phạm Thị Sen, chủ tịch Hội Phụ nữ xã Tam Hải, rưng rưng: “Khổ lắm chú ơi, buôn gánh bán bưng để nuôi con và trả nợ”.

Chị Sen cũng nằm trong hoàn cảnh ấy. Chồng chị mất cách đây ba năm, để lại ba đứa con, chị thường xuyên đau ốm. Hằng ngày ngoài công việc ở xã, chị phải làm thuê kiếm tiền mua thêm muối mắm.

Hoàn cảnh của chị Thương cũng thật oái oăm, chồng chị bị sóng biển cuốn trôi cách đây hai năm, để lại ba đứa con nhỏ. Hằng ngày chị đạp xe dạo khắp nơi mua đồ phế thải, kiếm lời nuôi con.

Khi chúng tôi đến nhà chị Thành, vợ anh Huỳnh Việt (bị sóng cuốn trôi năm 2003), thì nghe tin chị đang làm thuê ở thôn 7 chưa về. Đứa con chưa đầy 2 tuổi đang gửi nhờ hàng xóm trông coi. Ban ngày chị Thành đi làm thuê, ban đêm phụ việc những người bán quán.

Khi đến nhà chị Trần Thị Liên, trên bàn thờ vẫn còn nghi ngút khói hương. Nén nhang một ai đó vừa thắp vẫn chưa tàn. Khuôn mặt hốc hác, khóe mắt chị vẫn còn đỏ hoe. Bốn đứa con ngồi thẫn thờ bên từng góc nhà nhìn ảnh cha trên bàn thờ và khóc.

Chồng chị, anh Phạm Hội, đi câu mực vào năm 2004 rồi bị sóng cuốn trôi mất tích, đến nay vẫn chưa tìm được xác. Vợ chồng chị bao năm nghèo khổ, thấy người ta đi câu mực trúng lớn, chị bằng lòng cho chồng đi theo may ra đổi đời. Ai ngờ... “Biết như vậy tôi không để ông ấy đi đâu. Ai rồi cũng chết, nhưng chết ở nhà còn thấy mặt chồng, còn bây giờ không thấy được nên bắt cứ thương nhớ hoài” - chị Liên tâm sự.

Ở làng chài này từ thôn 1 đến 7, nơi nào cũng có vài người đàn ông chết biển không tìm được xác, và những người phụ nữ vẫn cứ chờ đợi. Năm tháng đã trôi qua, dù biết rằng chồng họ nằm lại mãi mãi ngoài biển khơi nhưng đến giờ cả làng chưa một ai tái giá, bởi ai cũng rất sợ khi phải gặp thêm một người chồng nghề biển.

MỚI - NÓNG