Lay lắt bệnh viện tư - Bài cuối: “Dịch vụ hóa” bệnh viện công

Nở rộ khám dịch vụ, mổ dịch vụ, giường dịch vụ… trong bệnh viện công
Nở rộ khám dịch vụ, mổ dịch vụ, giường dịch vụ… trong bệnh viện công
TP - Ở bệnh viện công, người bệnh có tiền cũng được coi là “thượng đế”. “Tư nhân hóa bệnh viện công” bằng cách xã hội hóa và lấy cơ sở vật chất của nhà nước để đầu tư dịch vụ đang nở rộ.

“Nằm ở bệnh viện Phụ sản quốc tế Sài Gòn, phòng “xịn” hai giường chỉ có giá 1,3 triệu đồng/ngày nhưng được nhân viên phục vụ tận răng, có xà phòng, bàn chải đánh răng, nước suối và cả ăn sáng.

Sướng nhất là điều dưỡng luôn theo dõi sát” - chị Nguyễn Thị Hạnh, 32 tuổi ở quận 7 giới thiệu cho một hội những phụ nữ sắp sinh. Dịch vụ như chị Hạnh giới thiệu là kiểu phòng bệnh - khách sạn đang nở rộ tại những bệnh viện tư. Ở một số bệnh viện tư, giá phòng có thể dao động từ 1,5- 4 triệu đồng/ngày.

“Chạy đua” dịch vụ

Cứ tưởng loại hình này chỉ xuất hiện ở bệnh viện tư nhưng nay, các bệnh viện công cũng có dịch vụ tương tự. Anh Trần Văn L., 36 tuổi ở Bình Dương kể lại chuyện đặt phòng dịch vụ cho vợ “lót ổ” ở bệnh viện Từ Dũ TPHCM. Với loại phòng 2 triệu đồng/ngày, sản phụ và một thân nhân được ở một phòng hướng ra đường thoáng mát. 

Trong phòng có tivi, máy lạnh và một tủ lạnh, ngoài ra chẳng còn gì hơn. Nhưng kiểu kinh doanh dạng “tư nhân hóa bệnh viện công” này lại đang ăn nên làm ra. 

Ở Bệnh viện Điều dưỡng phục hồi chức năng TPHCM (quận 8), trong lúc phòng khách sạn tại khu vực quanh bệnh viện giá chỉ có 250-400 nghìn đồng/ngày đêm thì trong bệnh viện phòng “dịch vụ” có giá 500-550 nghìn đồng/ngày. 

Chỉ thêm ti vi, hai chiếc giường, máy điều hòa nhưng người bệnh lũ lượt chờ để được lên lịch vào ở. Ở khu dịch vụ mới xây có tên khu M, khu N…của Bệnh viện Từ Dũ, không đăng ký trước không thể có phòng.

Ở khoa Sản chật chội và cũ nát, các sản phụ nằm chen chúc nhau. Nhưng bệnh viện cũng tận dụng cắt ra một vài phòng rồi gắn vào cái tên “dịch vụ” để thu tiền. Mỗi ngày bệnh nhân nằm trong phòng loại này phải trả 250 nghìn đồng. Nhưng các sản phụ đều sẵn sàng trả tiền để có phòng nằm. 

Vào bệnh viện công hiện nay, nơi thấp thoáng bóng dáng của bệnh viện tư chính là khu dịch vụ. “Ở bệnh viện tư chăm sóc như thế nào thì ở khu dịch vụ bệnh viện công cũng chạy theo như thế. Dịch vụ trong bệnh viện công tệ hơn nhưng cái được là đội ngũ y bác sĩ có tay nghề cao nên người bệnh an tâm hơn - anh Thái Văn Dũng, có vợ sinh ở Từ Dũ nhận định. 

Bác sĩ Lê Văn Mừng, làm việc tại một bệnh viện công ở quận 5, TPHCM ví von: “Vài năm trở lại đây, sau khi nở rộ xã hội hóa y tế, cho tư nhân đầu tư vào bệnh viện công, bệnh viện cũng làm dịch vụ thì xuất hiện “hai thế giới trong bệnh viện công”. 

“Một thế giới dành cho người bệnh có tiền trong khu dịch vụ, còn lại một thế giới là người nghèo nằm, ngồi, ăn uống ở hành lang, ghế đá hay gốc cây” - bác sĩ Mừng nói. Bác sĩ Hà Văn Minh công tác tại bệnh viện Triều An nói, đang có sự bất bình đẳng không chỉ giữa bệnh viện công và bệnh viện tư. 

“Bệnh viện công có đất đai, tài chính, con người và trang thiết bị hầu như của Nhà nước, không phải trả tiền sử dụng thương hiệu, được giảm thuế nhưng lại “đẻ” ra “tư nhân hóa” để thu tiền bằng hoặc hơn cả bệnh viện tư rồi chia chác theo thỏa thuận”, bác sĩ Minh đặt vấn đề. 

Bệnh nhân Nguyễn Thị Thu Hoài, 55 tuổi ở quận 5, TPHCM nói không có ý kiến gì với việc làm dịch vụ của bệnh viện công nhưng đôi khi ngao ngán vì người khám bảo hiểm y tế đợi mỏi gối. “Có khi tôi phải đi 5 giờ sáng để lấy số nhưng vẫn mãi chờ bác sĩ đến tận trưa do họ bận… chạy khám phòng dịch vụ” - bà kể.

Cạnh tranh: không “có cửa” 

Chính sách xã hội hóa đi không đúng cách đã góp phần bóp chết bệnh viện tư.

TS Nguyễn Hoài Nam - Giám đốc cố vấn chuyên môn Bệnh viện quốc tế Minh Anh (TPHCM)
Tạo ra một hệ thống bệnh viện tư để cạnh tranh lại với bệnh viện công, người hưởng lợi đầu tiên là bệnh nhân. Nhưng thực tế, người bệnh đang trở thành miếng mồi ngon cho hàng loạt kiểu kinh doanh “dịch vụ” trong bệnh viện.
Về lâu dài, kiểu làm ăn này vô tình phân hóa, tạo bất công trong y tế. “Khu vực dịch vụ được đầu tư nhiều hơn trong bệnh viện công, mọi nguồn lực đều tập trung vào đây vì nó đẻ ra lợi nhuận cao, nhiều khả năng khám chữa bệnh ở khu vực thường sẽ bỏ ngỏ” - một chuyên gia y tế nhìn nhận. 
Lay lắt bệnh viện tư - Bài cuối: “Dịch vụ hóa” bệnh viện công ảnh 1 Tòa nhà mới xây 11 tầng của BV Từ Dũ dành làm dịch vụ 

Theo bác sĩ Lê Đức Định Miên - Khoa Ngoại thần kinh, bệnh viện Nguyễn Tri Phương, nhân lực hiện là vấn đề mà các bệnh viện tư đau đầu. Theo bác sĩ Miên, để tạo dựng uy tín, không ít ông chủ của bệnh viện tư đổ tiền để mời giáo sư, bác sĩ đầu ngành. Tuy nhiên, cạnh tranh kiểu này với bệnh viện công là “không ăn thua”. 

Ông Lý Ngọc Kính - nguyên Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh từng nói, một bác sĩ giỏi ở một bệnh viện giàu có cũng như một chiếc đũa lẻ loi, không thể tạo dựng thành công nếu không có một nguồn nhân lực đồng đều và dồi dào. Nhiều bệnh viện vừa ra đời đã đổ tiền mời bác sĩ giỏi về nhưng những cuộc tháo chạy lại diễn ra sau đó khi bệnh viện không có bệnh nhân. 

Theo PGS - TS Nguyễn Hoài Nam - Giám đốc cố vấn chuyên môn của Bệnh viện quốc tế Minh Anh, hiện vẫn chưa có sự công bằng giữa y tế công và tư. “Bệnh viện tư vẫn không có cửa để cạnh tranh với bệnh viện công”- ông nói. 

Theo bác sĩ Nam, chính sách xã hội hóa đi không đúng cách đã góp phần bóp chết bệnh viện tư. TS Lê Trường Giang - Chủ tịch Hội y tế công cộng TPHCM cho rằng cần phải kiểm soát tỷ lệ khám, chữa bệnh trong khu vực dịch vụ của bệnh viện công, để không vượt quá 50%. “Nếu vượt mức này đồng nghĩa bệnh viện công không còn là công nữa” - bác sĩ Giang nhìn nhận.

Ở một khía cạnh khác, bác sĩ Phan Thanh Hải - Giám đốc Trung tâm y khoa Medic cho rằng, sự công bằng là vấn đề mà bệnh viện tư lo lắng nhất. Ông nói như bảo hiểm y tế ký với bệnh viện tư khác với bệnh viện công. Dẫn chứng cụ thể: Một bệnh nhân chụp CTscan ở bệnh viện tư chỉ được hưởng 500 nghìn đồng nhưng lại được hưởng 700 nghìn đồng nếu họ chụp ở bệnh viện công. 

Giải pháp bệnh viện công quá tải hợp tác với bệnh viện tư nhằm khai thác công suất giường bệnh dư thừa, theo các lãnh đạo bệnh viện tư là rất khó. 

“Cho đến nay vẫn chưa có những quy định rõ ràng nào để khuyến khích sự hợp tác này. Vì vậy, bệnh viện công vẫn quá tải nhưng giường ở bệnh viện tư vẫn trống rỗng”, bác sĩ Mừng kể.

Chỉ có 15% bệnh viện tư nhân đạt được tỷ lệ sử dụng giường bệnh trên 60%, số còn lại chỉ hoạt động 40-60% công suất thiết kế. 60% người đang làm việc cho bệnh viện tư là đội ngũ biên chế của bệnh viện công.

Chỉ riêng TPHCM hiện có khoảng 35 bệnh viện tư nhưng khoảng 15% trong số này phải rao bán do khó khăn về tài chính.

MỚI - NÓNG
Chi tiết gói viện trợ Mỹ sắp chuyển cho Ukraine
Chi tiết gói viện trợ Mỹ sắp chuyển cho Ukraine
TPO - Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 24/4 đã công bố gói hỗ trợ an ninh mới cho Ukraine, trị giá ước tính khoảng 1 tỷ USD. Động thái này diễn ra ngay sau khi Thượng viện Mỹ thông qua dự luật viện trợ nước ngoài trị giá 95 tỷ USD, bao gồm gần 61 tỷ USD dành cho Ukraine.