Lấy mẫu giám sát trên đàn lợn tại Việt Nam

Lấy mẫu giám sát trên đàn lợn tại Việt Nam
TPO – Hôm nay 27/4, Cục Thú y cho biết đang xém xét tăng cường mức độ kiểm soát lợn và sản phẩm lợn nhập từ các nước châu Mỹ, phối hợp cùng Trung tâm phòng chống dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) và AAHL của Úc để lấy mẫu giám sát trên đàn lợn nội địa tại Việt Nam.

>> Cúm lợn sẽ ảnh hưởng tới chứng khoán

Việt Nam chưa bao giờ có cúm lợn !

Ông Hoàng Văn Năm - Phó Cục trưởng Cục Thú y - nhấn mạnh: Việc cảnh báo là hoàn toàn đúng, nhưng cũng phải làm sao để người dân đỡ hoang mang.

Thực tế từ trước đến nay Việt Nam chưa bao giờ có cúm lợn xảy ra, kể cả với các chủng cổ điển đã từng xảy ra trên thế giới. Vấn đề hiện nay là áp dụng thực hành chăn nuôi tốt, đảm bảo an toàn, ngăn chặn các loại mầm bệnh vào trong con lợn, thực hiện tốt khâu kiểm dịch đầu vào và quan trọng là con người tiếp xúc với lợn phải có trang bị tối thiểu: khẩu trang, găng tay...

Trong trường hợp nếu kịch bản xấu xảy ra, chúng ta cũng đã có nhiều kinh nghiệm trong phòng chống dịch.

TTXVN

Theo thông tin từ Cục Thú y, virus cúm lợn gây ra tỷ lệ nhiễm cao nhưng tỷ lệ chết thấp. Nghiên cứu cũng cho thấy virus cúm lợn có thể lưu hành trên lợn suốt cả năm nhưng thường gây dịch trong các tháng cuối mùa Thu và mùa Đông, tương tự như mùa dịch cúm trên người.

Virus cúm lợn thể cổ điển (là một loại virus cúm A/H1N1) lần đầu tiên được phát hiện trên lợn vào năm 1930. Các tuýp phụ virus cúm lợn đã từng được phân lập trên lợn bao gồm: H1N1, H1N2, H3N1, H3N2, và H2N3, trong đó các tuýp phụ H1N1, H3N2 và H1N2 là thường gặp nhất.

"Ở Mỹ vi rút tuýp phụ H1N1 đã được phát hiện lưu hành trên các đàn lợn trước năm 1998 nhưng kể từ tháng 8/1998 thì đã phân lập được cả týp phụ H3N2 trên lợn. Tại Việt Nam chưa phát hiện vi rút cúm lợn, cả thể cổ điển và thể virus mới hiện nay"- Cục Thú y cho biết.

Mặc dù virus gây bệnh trên người hiện nay ở Mỹ và Mêhicô cũng được gọi bằng tên virus cúm lợn (cũng thuộc tuýp phụ virus cúm A/H1N1) nhưng theo CDC đây là thể virus mới, rất khác biệt so với virus cúm lợn thể cổ điển.

Virus mới này là một chủng virus cúm A (H1N1) có chứa nguyên liệu di truyền từ 4 nguồn: virus cúm lợn Bắc Mỹ, virus cúm loài cầm Bắc Mỹ, virus cúm người và virus cúm lợn chủng châu Á và châu Âu. Đây là kiểu kết hợp chưa từng xảy ra trước đây.

Trong tuyên bố ngày 26/4/2009, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ Vilsack khẳng định không phát hiện thấy trường hợp lợn nào nhiễm virus mới này.

Hiện nay, trong số các loại thuốc kháng virus hiện có thì Tamiflu (oseltamivir) và zanamivir là những loại thuốc tỏ ra có hiệu quả trong điều trị và phòng virus cúm A (H1N1) nhưng cũng giống như các loại thuốc kháng virus khác, thuốc này chỉ có tác dụng nếu được sử dụng sớm.

Chưa có kết luận virus cúm lợn lây từ lợn sang người

Cục Thú y cũng cho biết WHO và Mạng lưới cảnh báo và ứng phó toàn cầu (GOARN) đã cử chuyên gia đến Mêhicô làm việc cùng các cơ quan y tế địa phương để điều tra thu thập thông tin dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm và giám sát các trường hợp bệnh lâm sàng

Những thông tin hiện có cho thấy phần lớn các trường hợp bệnh hiện nay đều không có tiếp xúc trực tiếp với lợn nên chưa thể kết luận virus mới này lây từ lợn sang người, do đó, WHO không khuyến cáo các nước áp dụng bất kỳ biện pháp hạn chế đi lại hay buôn bán.

Nhiều nước ở châu Mỹ Latin, châu Âu và châu Á đã bắt đầu tăng cường hoạt động giám sát hoặc kiểm tra sàng lọc ở các sân bay và cửa khẩu.

Dự kiến Ủy ban các vấn đề khẩn cấp của WHO có thể sẽ nhóm họp vào ngày mai, 28/4, để xem xét tình hình lây lan virus và quyết định xem có tăng mức cảnh báo đại dịch hay không.

Cúm lợn là một bệnh đường hô hấp thường gặp ở lợn do các chủng virus cúm A gây nên. Thông thường con người không mắc bệnh cúm lợn nhưng có thể nhiễm virus. Đã từng ghi nhận có trường hợp virus cúm lợn lây từ người sang người nhưng trước đây sự lây nhiễm này rất hạn chế và không lây lan đến quá 3 người.

Các trường hợp bệnh thường có biểu hiện triệu chứng lâm sàng của bệnh cúm mùa vụ như sốt, đau nhức mình mẩy ho, chảy nước mũi, đau họng; một số trường hợp nặng thì có biểu hiện nôn mửa và tiêu chảy.

MỚI - NÓNG
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
TPO - Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai biểu quyết, thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Phùng Ngọc Mỹ (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Ủy viên Ban cán sự đảng, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh) và ông Mai Xuân Hải (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Giám đốc Sở Y tế, nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh).