Lấy phiếu tín nhiệm: 'Chưa có đại biểu nào thắc mắc'

Trưởng Ban công tác đại biểu Trần Văn Túy chia sẻ với ĐBQH bên lề kỳ họp
Trưởng Ban công tác đại biểu Trần Văn Túy chia sẻ với ĐBQH bên lề kỳ họp
TPO - Trưởng Ban công tác đại biểu Trần Văn Túy tin rằng với sự thiết tha, nghiêm túc của Chủ tịch Quốc hội, đã hạn chế rất nhiều tình trạng"chạy" phiếu tín nhiệm.

Nghị quyết 85 của Quốc hội quy định: Trường hợp thấy cần làm rõ vấn đề liên quan đến người được lấy phiếu tín nhiệm thì chậm nhất là 15 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp tổ chức lấy phiếu tín nhiệm, đại biểu Quốc hội có quyền đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xác minh và trả lời bằng văn bản.

Trao đổi với Tiền Phong về việc này, Trưởng Ban công tác đại biểu Trần Văn Túy cho biết, đến thời điểm này, việc chuẩn bị cho quy trình lấy phiếu tín nhiệm đã hoàn tất và “đến nay chưa có đại biểu nào thắc mắc”.

“Tôi hoàn toàn tin tưởng vào bản lĩnh, trách nhiệm của đại biểu trước vận mệnh của đất nước và nguyện vọng của cử tri. Qua xem xét các vấn đề quan trọng của đất nước, thấy trình độ của đại biểu rất tốt”, ông Túy đánh giá.

Liên quan đến việc có hay không tình trạng lobby để “chạy” phiếu? Ông Túy cho biết, vấn đề này trong dư luận có thể có. “Nhưng tôi tin với sự thiết tha, nghiêm túc của Chủ tịch Quốc hội, đã hạn chế đi rất nhiều tình trạng đó, đặc biệt T.Ư vừa bàn đến việc nêu gương. Nếu có dư luận phản ánh về hiện tượng cá biệt nào đó thì cũng phải có căn cứ”, ông Túy cho hay.

Theo đại biểu quốc hội Vũ Trọng Kim (Hải Dương), việc Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm “không phải bất chợt”, mà là cả quá trình từ khi người được lấy phiếu tín nhiệm trúng cử hoặc phê chuẩn.

Ông Kim đánh giá, những vị trí đó trước hết là hoàn thành nhiệm vụ quyền hạn; thứ 2 là trách nhiệm làm đại biểu của dân và thứ 3 là đạo đức lối sống.

Theo đại biểu đoàn Hải Dương, khi đánh giá đạo đức lối sống cụ thể, có vấn đề thu nhập, tài sản. “Thu nhập có chính đáng không? Tài sản có phải vượt qua tầm mình xứng đáng với thu nhập không? Cái đó nhân dân theo dõi, ai cũng theo dõi cả”, ông Kim cho rằng, việc giải trình rất quan trọng, vì vậy, phải làm sao để "tạo điều kiện cho các vị được bầu, phê chuẩn được trình bày".

“Bản kiểm điểm đã nằm trong tay chúng tôi rồi, nhưng trong đó ít người nói đến vấn đề tài sản. Nếu có chất vấn gì về vấn đề tài sản thì chắc chắn đồng chí đó phải trả lời”, ông Kim nêu.

Liên quan đến việc lấy phiếu tín nhiệm, tại phiên khai mạc kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, đây là nội dung giám sát đặc biệt quan trọng, thể hiện sự ghi nhận, đánh giá của Quốc hội đối với những nỗ lực, cố gắng và kết quả đạt được từ đầu nhiệm kỳ đến nay của những người được lấy phiếu tín nhiệm.

“Trên cơ sở lắng nghe ý kiến của cử tri, từ thực tiễn theo dõi, giám sát của mình, mỗi đại biểu Quốc hội sẽ thực hiện việc đánh giá với tinh thần trách nhiệm, bảo đảm dân chủ, khách quan, công tâm", Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân nói.

MỚI - NÓNG