Lấy phiếu tín nhiệm tại QH: Sẽ 'vo tròn' để tồn tại (?)

Lấy phiếu tín nhiệm tại QH: Sẽ 'vo tròn' để tồn tại (?)
TP - “Vấn đề tôi băn khoăn nhất kỳ họp này chính là lấy phiếu tín nhiệm và đại biểu sẽ vo tròn lại để tồn tại” - Nhà sử học Dương Trung Quốc (ĐBQH tỉnh Đồng Nai) trao đổi với Tiền Phong.

> Tính trung thực là cần thiết hơn lúc nào hết
> Tướng Thước bàn về lấy phiếu tín nhiệm

ĐB Dương Trung Quốc nói:

Lấy phiếu là bước tiến tại Quốc hội, nhưng kỹ năng lấy phiếu, điều kiện để ĐBQH có được quyết định đúng đắn là một vấn đề. Tôi không nghĩ nhiều đến kết quả công bố đánh giá các vị được lấy phiếu. Tôi nghĩ người cho điểm cuối cùng là nhân dân, quan trọng là người dân có tin vào kết quả lấy phiếu không? Đã có thành phố lấy phiếu tín nhiệm rồi đấy, nhưng kết quả hoàn toàn chẳng có vấn đề gì. Cho nên đó là điều mà tôi băn khoăn nhất. Chưa kể, hiện nay không có một điều kiện nào cụ thể để ĐB có thể tự tin bỏ lá phiếu của mình. Ví như thông tin hỗ trợ của cơ quan có trách nhiệm, công cụ có thể định lượng để đánh giá.

Trong điều kiện mà ông cho là còn thiếu thông tin để đánh giá, vậy với riêng mình ông sẽ căn cứ vào đâu để bỏ phiếu?

Trong tay chúng tôi có bốn mấy bản tường trình của các vị sẽ được lấy phiếu. Tôi cho rằng làm như vậy bước đầu đã nghiêm túc nhưng không phản ánh được hết. Đương nhiên, khi bỏ phiếu tôi sẽ căn cứ vào những nhận thức và bằng trách nhiệm của mình. Tôi nghĩ, ban đầu cũng có thể có những trục trặc, chưa nhuần nhuyễn, chưa mang lại hiệu ứng như người dân mong muốn. Nhưng chúng ta phải chấp nhận thực tiễn và xác định phải làm từng bước.

Như vậy ông có cho rằng, việc đánh giá của ĐB dễ rơi vào chủ quan, cảm tính?

Rất chủ quan và khó khăn, ít nhất là với bản thân tôi. Nhưng tôi nghĩ, các cuộc điều trần từ trong năm của các Bộ trưởng đã ít nhiều giúp cho mình thông tin để kiểm tra, thẩm định điều mình đang suy nghĩ; rồi qua mạng thông tin truyền thông, (nhưng phải có bộ lọc chứ không phải nghe thông tin một chiều). Tóm lại, năng lực, kỹ năng của ĐB, công cụ thực hiện để đánh giá là rất quan trọng.

Vậy sao ông không chủ động liên hệ với người được lấy phiếu để có thêm thông tin?

Cho đến bây giờ tôi chưa làm, vì không có thời gian. Hơn nữa, tôi nghĩ cũng không giải quyết được gì nhiều từ những thông tin đó lúc này. Lấy thông tin người này không lấy người kia cũng không công bằng.

Cần người dám hy sinh

Hiến pháp chỉ quy định về bỏ phiếu. Bây giờ chia thành hai bước lấy phiếu, sau đó mới bỏ phiếu, phải chăng vì sợ rủi ro?

Tôi rất chú ý điều này. Thông lệ các nước người ta hay làm chỉ có bỏ phiếu bất tín nhiệm. Họ thấy có cá nhân biểu hiện đến mức độ có thể định lượng được thì sẽ đưa ra bỏ phiếu.

Chúng ta lấy phiếu qua hai bước. Sự thận trọng là cần thiết, nhất là đối với những người lần đầu tiên lấy phiếu. Nhưng hiệu ứng cuối cùng mới quan trọng. Nếu không cần thận, người ta sẽ vo tròn lại để tồn tại. Mà lúc này chúng ta đang cần người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, thậm chí dám hy sinh. Liệu cách lấy phiếu này có khuyến khích người ta dám vượt rào, đột phá hay sẽ quay lại tìm sự an toàn, “dĩ hòa vi quý”, lấy quan hệ, để ít nhất là tồn tại đã.

Vậy sao chúng ta không chọn cách bỏ phiếu bất thường, tức là chỉ những người nào mà Quốc hội thấy có vấn đề thì mới xem xét bỏ phiếu?

Cũng đừng tạo ra rủi ro mà cần sự chắc chắn. Mục tiêu lấy phiếu cũng là để mọi người tỉnh táo, cẩn trọng nghĩ đến trách nhiệm nhiều hơn. Còn tâm lý để “hạ” ông này, “hất” ông kia chỉ là hệ quả tất yếu đối với một số trường hợp cá biệt thôi. Lấy phiếu bất thường dễ bị “ghép” các yếu tố không phù hợp.

Để thẳng thắn, ông mong muốn hay kỳ vọng gì ở lần lấy phiếu này?

Tôi chỉ mong mọi người hiểu và chia sẻ khó khăn của ĐBQH. Đừng quá kỳ vọng, dù việc này rất chính đáng, cần phải làm và việc triển khai tôi cho là một bước tiến. Nhưng để kỳ vọng vào đó, tôi sợ rằng cũng sẽ dễ thất vọng. Bây giờ chúng ta phải dỏng tai lên, mở mắt thật to, nghe thật kỹ, hỏi thật nhiều thì chúng ta mới có thể có thông tin, để khi bỏ phiếu chúng ta tin là mình đã làm hết trách nhiệm của mình.

Cảm ơn ông!

Quốc hội thêm 2 Phó chủ nhiệm Văn phòng

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng vừa ký Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, bổ nhiệm hai Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội mới. Theo đó, ông Thân Đức Nam, ĐBQH khóa XIII, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty xây dựng công trình giao thông 5, giữ chức Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.

Ông Thân Đức Nam sinh năm 1958, quê Quảng Nam, thạc sĩ quản trị kinh doanh. Bà Nguyễn Thanh Hải, PGS-TS, ĐBQH khóa XIII, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội thôi làm nhiệm vụ chuyên trách để giữ chức Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội. Bà Nguyễn Thanh Hải sinh năm 1970, quê Hà Nội, là Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vật lý. Bà Hải từng là Phó Giám đốc Học Viện Thanh Thiếu niên Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam.

 
Nguyễn Tuấn
Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.