Lấy ý kiến dân trước, Quốc hội quyết sau

Đại biểu Quốc hội ấn nút biểu quyết thông qua các dự án luật kỳ họp thứ 9. Ảnh: Như Ý.
Đại biểu Quốc hội ấn nút biểu quyết thông qua các dự án luật kỳ họp thứ 9. Ảnh: Như Ý.
TP - Chiều 11/8, Ủy ban thường vụ Quốc hội tiếp tục cho ý kiến về các vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự án Luật trưng cầu ý dân.

Ông Nguyễn Doãn Khánh, Phó trưởng ban Nội chính Trung ương cho rằng cần phải làm rõ nội hàm trưng cầu ý dân là trước hay sau nghị quyết của Quốc hội. Theo ông Khánh, cần lấy ý kiến dân trước khi Quốc hội đưa ra quyết định, các nước phương Tây làm theo hướng này. Tức là dân quyết trước, Quốc hội làm theo. “Điều này thể hiện quyền lực cao nhất thuộc về người dân và cũng đảm bảo tính khả thi, phù hợp với Hiến pháp của chúng ta”, ông Khánh nêu quan điểm.

Cũng theo ông Khánh, nội dung trưng cầu ý dân như dự thảo luật không đủ rõ để xác định dân có quyền gì và Quốc hội có quyền gì? Theo ông Khánh, phải quy định cụ thể hai nhóm chính: Nhóm vấn đề Quốc hội có quyền chủ động đưa ra lấy ý kiến dân và nhóm vấn đề do các chủ thể có sáng kiến, có quyền đề xuất.

Chỉ lấy trưng cầu ý dân trên phạm vi cả nước, hay cần quy định ở cả góc độ địa phương là vấn đề nhận được nhiều ý kiến khác nhau. Theo Thường trực Ủy ban pháp luật, Hiến pháp và Luật Tổ chức Quốc hội quy định, những vấn đề đưa ra trưng cầu ý dân là những vấn đề quan trọng của đất nước, có ý nghĩa ở tầm quốc gia. Nếu chỉ thực hiện trong phạm vi một địa phương, có thể dẫn đến kết quả mang tính cục bộ, phiến diện, không phản ánh được ý chí, nguyện vọng của đại đa số nhân dân cả nước. Do vậy những vấn đề thuộc về địa phương không nên trưng cầu ý dân mà chỉ áp dụng hình thức lấy ý kiến nhân dân.

Cho rằng, luật chưa đưa ra được nguyên tắc trưng cầu ý dân, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị, với những việc hệ trọng dứt khoát phải trưng cầu ý dân, chẳng hạn như những vấn đề liên quan đến quốc phòng an ninh; đối ngoại quan hệ tới đất nước, ảnh hưởng tới sự phát triển tồn vong của đất nước; hay vấn đề kinh tế xã hội lớn làm ảnh hưởng tới quốc kế dân sinh.

Bỏ phiếu tín nhiệm: cần được cụ thể hóa trong luật

Trước đó, sáng 11/8, tại buổi cho ý kiến về dự án Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân của UB Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn đề nghị, ngoài việc chất vấn theo cách thông thường vừa qua, cần tạo điều kiện để đại biểu Quốc hội có thể trình chiếu các bức ảnh, đoạn clip liên quan. “Chất vấn kèm hình ảnh, clip rất súc tích và khó cãi được”, ông Sơn cũng cho biết, điều này đã được nhiều tỉnh, thành áp dụng rất hiệu quả.

Khi trả lời bằng văn bản, ông Sơn đề nghị người được chất vấn không được ủy quyền trả lời thay, mà phải trực tiếp trả lời và ký tên dưới văn bản đó. Ngoài ra, phần chất vấn Thủ tướng, hoặc Phó Thủ tướng cần đi vào chất vấn luôn mà không cần phải đọc báo cáo cho mất thời giờ, vì báo cáo này cũng gần tương tự như báo cáo về kinh tế xã hội đã được trình bày trước đó.

Dự thảo luật quy định, người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội đánh giá “tín nhiệm thấp” có thể xin từ chức. Đối với người được lấy phiếu tín nhiệm có từ 2/3 tổng số đại biểu Quốc hội trở lên đánh giá “tín nhiệm thấp” thì Ủy ban thường vụ Quốc hội trình Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm. Bên cạnh đó, dự thảo cũng quy định, người được đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm có quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội bỏ phiếu không tín nhiệm có thể xin từ chức. Nếu không từ chức, cơ quan hoặc người có thẩm quyền giới thiệu đề nghị miễn nhiệm người không được Quốc hội tín nhiệm.

Khẳng định việc bỏ phiếu và lấy phiếu tín nhiệm là hai vấn đề khác nhau, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng cho rằng, bỏ phiếu là việc làm cực kỳ hệ trọng. Tuy nhiên, dù đã có quy định cụ thể, song việc này vẫn chưa được thực hiện trong nhiều năm nay. Chủ tịch Quốc hội đề nghị ban soạn thảo cân nhắc, lưu ý thêm về điều này. Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai cũng cho rằng, việc bỏ phiếu tín nhiệm đã được quy định trong Hiến pháp, do vậy cần phải được cụ thể hóa trong luật.  

MỚI - NÓNG