Lấy ý kiến nhân dân về Luật Phòng, chống tham nhũng

Lấy ý kiến nhân dân về Luật Phòng, chống tham nhũng
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) vừa quyết định lấy ý kiến nhân dân, các ngành, các cấp về 2 dự án: Luật Phòng, chống tham nhũng và Luật thực hiện tiết kiệm chống, lãng phí từ ngày 20/7 đến hết 20/9.

Đối với dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng, UBTVQH gợi ý việc lấy ý kiến tập trung vào việc kê khai tài sản; thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng; xử lý tố cáo hành vi tham nhũng; trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức; vai trò của các cơ quan báo chí...

Tại cuộc toạ đàm do Văn phòng Quốc hội tổ chức ngày 13/7 về dự luật này, Phó Viện trưởng Viện Khoa học thanh tra Đinh Văn Minh, thành viên Ban soạn thảo, cho biết, dự thảo mới nhất có 2 điểm thay đổi. Thứ nhất, bỏ quyền thanh tra đột xuất của cơ quan thanh tra vì không phù hợp với Luật thanh tra vừa ban hành. Thứ hai, bỏ quy định nghĩa vụ chứng minh nguồn gốc tài sản thuộc người kê khai tài sản vì trái với nguyên tắc chứng minh tội phạm thuộc cơ quan nhà nước.

Ông Minh cũng tỏ thái độ không đồng tình với dự thảo thay đổi theo hướng hạn chế quyền tiếp cận thông tin của báo chí. Theo ông, những không tin không thuộc danh mục mật của Nhà nước thì báo chí có quyền tiếp cận, khai thác và cơ quan nắm giữ nguồn tin có trách nhiệm cung cấp thông tin cho báo chí.

UBTVQH cũng gợi ý việc lấy ý kiến cho Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cần tập trung vào: Tên gọi của luật, phạm vi điều chỉnh; chế tài xử lý vi phạm; giám sát thực hành tiết kiệm, chống lãng phí...

Theo kế hoạch, việc lấy ý kiến sẽ tập trung vào các ngành: công an, tư pháp, thanh tra, VKSND, TAND các cấp và một số ngành khác. Việc lấy ý kiến nhân dân ở các địa bàn dân cư sẽ do HĐND các tỉnh, thành phố lựa chọn. Các đoàn đại biểu Quốc hội tổ chức lấy ý kiến đại biểu trong đoàn của mình.

2 dự án luật nói trên sẽ xem xét thông qua tại kỳ họp cuối năm nay của Quốc hội.

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Nguyen Thi Huyen; Email: nguyen thi Huyen@yahoo.com

Theo tôi, khi Luật Phòng, chống tham nhũng được thông qua và có hiệu lực thì nên cho thi hành sớm vì đây là mong mỏi của đông đảo quần chúng nhân dân lao động. Đồng thời Quốc hội cũng nên quy định thời gian để Chính phủ ban hành văn bản nghị định thi hành luật chậm nhất không quá 3 tháng.

Việc kê khai tài sản các cấp lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Chính phủ, lãnh đạo các tổ chức xã hội, đoàn thể các co quan dân cử từ cấp cao nhất đến cấp lãnh đạo cơ sở phải công khai rõ ràng cho nguòi dân biết.Có làm như vậy mới giữ được lòng tin của nhân dân cũng như quốc tế (Việt Nam vừa tham gia ký công ước quốc tế về chống tham nhũng) vì thực tế công tác phòng chống tham nhũng của ta nhiều năm qua chưa phát huy được hiệu quả.

Dự thảo lần này cần đưa vào xem xét cả những đơn tố giác nặc danh để bảo vệ cho người tố cáo. Cũng nên quy định rõ người đưa hối lộ, sau đó tự mình cảm thấy mình có lỗi và dám tố cáo nguòi nhận hối lộ (có chứng cứ cụ thể) thì chỉ bị phạt hành chính, còn người nhận hối lộ sẽ bị xử lý theo pháp luật, có như thế mới hạn chế được nạn hối lộ và lòng tham của những quan tham và dĩ nhiên quan chức cũng luôn phải tự nhắc nhở mình.

MỚI - NÓNG