Lễ hội Hoa Hà Nội: Như thế là thành công

Lễ hội Hoa Hà Nội: Như thế là thành công
TP - “Ban tổ chức không thống kê, nhưng theo ước tính có khoảng hơn 2 triệu lượt người đến tham quan. Nhìn chung, lễ hội năm nay đã thành công”- ông Nguyễn Khắc Lợi- Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Hà Nội, nói.

>> Lễ hội Hoa hạ màn: Hỗn loạn !

Lễ hội Hoa Hà Nội: Như thế là thành công ảnh 1
Lực lượng an ninh ngăn cản người dân cướp hoa.  Ảnh: Hồng Vĩnh

Chiều qua, trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Khắc Lợi, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Hà Nội đã lý giải những tồn tại, hạn chế, đặc biệt tình trạng hỗn loạn trong buổi hạ màn Lễ hội Hoa. 

Theo ông Lợi, năm nay ý thức của người dân về việc bảo vệ hoa, giữ vệ sinh môi trường đã cao hơn so với năm trước. Tuy nhiên, công tác tổ chức còn phải rút kinh nghiệm như, ùn tắc giao thông trên các tuyến phố lân cận, trông giữ xe giá quá cao, an ninh trật tự chưa thực sự tốt...

Ông vừa nói, lễ hội hoa năm nay cần phải rút kinh nghiệm, trong đó có việc du khách đến tham quan gửi xe bị chặt chém, mà không có lực lượng nào kiểm soát?

Ban tổ chức đã tổng kết công tác tổ chức ngay đêm bế mạc. Đúng là có nhiều bãi trông giữ xe đã thu tiền vé xe trái quy định, nhưng việc này đã phân cho quận Hoàn Kiếm đảm nhiệm.

Còn quận thì người ta giao cho các phường bố trí được các điểm trông giữ. Chúng tôi cũng quán triệt, quy định rõ ràng, cũng có bảng biển rõ ràng nhưng vẫn xảy ra thu trái quy định.

Về 17 tỷ đồng theo kế hoạch để chi trong 4 ngày lễ hội  thì sao, thưa ông?

Về kinh phí chi trả của lễ hội, cái này là xã hội hóa. Nhà nước chỉ phải chi một số khoản dành cho lực lượng tham gia… Tóm lại, số tiền mình bỏ ra rất nhỏ so với số tiền của doanh nghiệp.

Nhiều người cho rằng, Hà Nội bỏ ra chừng ấy tỷ đồng nhưng lại kết thúc với nhiều hình ảnh chưa đẹp, khi cảnh hỗn loạn, chen lấn lại diễn ra trong buổi hạ màn, thưa ông?

Khi lễ hội kết thúc thì việc quản lý hoa không còn là của Ban tổ chức nữa, mà là quyền của các chủ hoa. Nói cho cùng, lúc ấy việc chủ hoa cho ai hay làm gì là quyền của người ta. Nhưng dù sao, Ban tổ chức cũng thống nhất cái gì (các loại hoa-PV), còn chăm sóc được thì chuyển về công viên.

Hầu hết số hoa đã được chuyển về công viên ngay trong đêm bế mạc; người ta thấy còn hoa nên vào xin, vào lấy. Cái  này không phải ý thức. Thấy người ta vào xin được thì mình cũng vào xin.

Việc hỗn loạn trong buổi hạ màn do không nằm trong kế hoạch bảo vệ của lễ hội, thưa ông?

Thực ra, những loại hoa chính người ta chuyển đi hết rồi. Cái còn lại người ta cho thì nhiều người xin, tạo ra cảnh chen lấn.

Cụ thể, số lượng hoa sau khi tham gia lễ hội được đưa về cho công viên, thưa ông?

Cái này mình không xác định được cụ thể, chủ yếu là hoa tuy-líp, đào, quất với những cái còn duy trì được. Còn các phụ cảnh như, tre, lau, cỏ thì thôi.

Vừa qua tại Đà Lạt cũng tổ chức một lễ hội hoa với quy mô, nhưng không xảy ra những cảnh chen lấn hay giẫm đạp lên hoa. Vì sao Hà Nội đã qua hai lần tổ chức lễ hội hoa mà không học được cách làm như của Đà Lạt, thưa ông?

Nói thế thì vô cùng. Học tập nhau là chuyện bình thường, nhưng mỗi khu vực, mỗi lễ hội nó khác nhau. Trong kia lễ hội tại đất trồng, tại vườn nên  người ta tạo cảnh. Đây là mình mang hoa về phố nên hai cái khác nhau, mình mang hoa về phố nên phải tìm mọi cách bảo quản, sợ nó héo úa.

Tôi thấy lần này ý thức người dân rất là tốt. Có điều, tôi thấy không gian vườn tược, khung cảnh của họ rộng lớn thì việc tham quan sẽ thuận hơn, của  mình là bó hẹp tại phố.

Mình cũng cố gắng tạo không gian cho người ta đi lại thưởng ngoạn. Có quá đông người tham quan, nên như thế cũng là thành công rồi.

Thưa ông, sau lần lễ hội hoa lần này, Ban tổ chức nhận thấy còn những điều gì cần phải rút kinh nghiệm?

Thí dụ quảng bá cũng là một chuyện phải rút kinh nghiệm. Thứ nữa, khâu trật tự cũng phải rút kinh nghiệm, để không còn cái gợn, phải hạn chế dần qua lần tổ chức khác. Thứ ba, kịch bản đã đạt được ý đồ nhưng mỗi năm có cái đổi mới  và có cái phải hợp lý hơn nữa .

Thanh lịch Festival hoa Đà Lạt

Festival hoa Đà Lạt bế mạc đêm 4-1 để lại bao lưu luyến trong lòng du khách và cả người dân thành phố hoa.

Lễ hội Hoa Hà Nội: Như thế là thành công ảnh 2

Các ni cô tìm mua hoa tuy-líp. Ảnh: Kim Anh

Festival kết thúc từ đêm hôm trước nhưng sáng 5-1, các không gian hoa rộng lớn với diện tích hàng chục ngàn mét vuông trên đường phố và quanh hồ Xuân Hương vẫn tươi thắm.

Nhiều du khách vẫn say sưa chụp ảnh các loài hoa hiếm như tuy-líp, địa lan, phong lữ hoặc các loài hoa làm nên thương hiệu của Đà Lạt như: hoa hồng, cẩm chướng, lylys, cát tường, colico…

Các em nhỏ tròn xoe mắt ngắm những con thú kết bằng hoa xinh xắn như ong, cọp, hươu, chim công, cặp rồng khổng lồ… rồi làm dáng cạnh những con thú ưa thích để bố mẹ chụp ảnh. Thỉnh thoảng các bậc phụ huynh lại nhắc Nhẹ tay thôi kẻo làm gãy cành hoa!

Khoảng 8 giờ sáng, một số xe tải nhỏ được huy động chở hoa đi. Những công nhân cẩn thận chuyền tay nhau từng chậu hoa và xếp gọn trên xe. Khóm hoa nào chưa được bóc dỡ thì du khách vẫn tranh thủ chụp ảnh.

Trên đường Hồ Tùng Mậu, một thiếu nữ ôm bó hoa đồng tiền cắm vào các giỏ hoa. Sắp bốc dỡ rồi còn cắm hoa làm gì vậy em? – tôi hỏi.  Tưởng họ bỏ nên em định mang về nhà cắm nhưng anh bảo vệ yêu cầu cắm lại vào giỏ hoa – cô bé bẽn lẽn nói.

Nhiều người dân tìm đến các không gian hoa trên đường phố để mua hoa. Mặc dù được giải thích là hoa tuy-líp chỉ còn tươi được 3-4 ngày nhưng một số người vẫn nài nỉ mua. Loáng một cái mấy chục chậu tuy-líp được bán hết với giá 15.000 đồng/chậu (3 cành hoa).

Nếu mới chớm nụ thì một chậu hoa như thế có giá 45.000 đồng nhưng ít người mua được vì loại hoa này còn hiếm. Hết hoa tuy-líp lại đến hải đường, cẩm chướng, dạ uyên thảo… Hoa được thanh lý với giá khá rẻ nên nhiều người mua về trồng.

Cụ Đoàn Văn Tạ (ngoài 60 tuổi) từ vùng ven Nam Hồ vào đường hoa Hồ Tùng Mậu sưu tầm hoa lạ. Cụ đề nghị mua một chậu hoa xác pháo màu trắng nhưng người phụ trách bán hàng không chấp thuận vì đây là giống hoa mới chưa bán rộng rãi ra thị trường.

Cụ nài nỉ gần nửa tiếng đồng hồ và một số người đi đường xúm vào nói giúp nên nhân viên của công ty đành bán cho cụ. Cầm chậu hoa trên tay, cụ Tạ sung sướng: Sống ở Đà Lạt mấy chục năm nhưng đến tận bây giờ mới thấy loài hoa xác pháo lạ và đẹp thế này!

Mặc dù không bóng dáng một người mặc sắc phục công an nhưng ở tất cả các đường phố, đồi thông, việc thu dọn hoa diễn ra yên bình trật tự. 

Anh Lê Thành Văn – Giám đốc Cty TNHH ĐA HA RA cho biết, đơn vị triển khai hai công trình hoa lớn trên đường phố là Cặp rồng hoa lớn nhất Việt Nam và Đường hoa Hồ Tùng Mậu với tổng kinh phí đầu tư 950 triệu đồng.

Hơn 50.000 đơn vị hoa cao cấp và hoa đặc thù của Đà Lạt được mang ra đường phố để làm nên hai công trình này. Điều đáng mừng là suốt một tuần lễ qua không xảy ra tình trạng bẻ cành, ngắt hoa.

“Khi tổ chức Festival hoa đầu tiên, nhiều người e ngại không bảo vệ được các loài hoa cao cấp khi đưa ra trưng bày trên đường phố. Tuy nhiên, đến Festival lần thứ ba này không nghe chuyện đáng buồn nào.

Hầu như mọi người đều yêu hoa, nâng niu, bảo vệ để thành phố hoa luôn xinh đẹp, quyến rũ” - Giám đốc Sở Thông tin &Truyền thông Lâm Đồng Nguyễn Trọng Hoàng, nói.

MỚI - NÓNG