Lễ hội và lòng người

Lễ hội và lòng người
TP - Từ Bắc tới Nam đầu xuân râm ran lễ hội. Có những lễ hội mang tầm quốc gia, có lễ hội mang tính vùng, tỉnh, huyện. Đặc biệt nhiều những lễ hội nho nhỏ, chỉ mang tầm làng, xã.

Có vẻ như đó là lẽ tự nhiên, là chuyện nối tiếp cái mạch nguồn ông bà xưa truyền lại, tháng Giêng là tháng ăn chơi.

Nhưng cũng không hẳn là như vậy. Đã có những năm trường giặc dã, những tháng ngày nghèo đói, chúng ta không có hoặc chỉ có rất ít lễ hội, nếu có thì quy mô cũng nhỏ, niềm vui cũng bé.

Lễ hội nở rộ là đặc tính của đất nước thanh bình, sung túc, lòng người bình ổn. Thiếu những cái đó, không thể có lễ hội đúng nghĩa. Ở chiều ngược lại, lễ hội làm cho đất nước thanh bình hơn, lòng người phấn chấn và bình ổn hơn.

Điểm qua các lễ hội thấy được sự phong phú, giàu có của văn hoá, của lịch sử và  ký ức dân gian. Một lễ hội có thể là sự hướng về cội nguồn sâu thẳm của cộng đồng dân tộc như Hội Đền Hùng, cũng có thể là một ký ức lịch sử oanh liệt như hội Tây Sơn - Bình Định, hội Gò Đống Đa - Hà Nội, mà cũng có thể là di sản của truyền thống Phật Giáo có thời là Quốc đạo như hội Chùa Hương, Yên Tử...

Rất nhiều lễ hội mang thuần tính phong tục, tính văn hoá hay tín ngưỡng như Hội Lim, Hội Trám... Và cũng nhiều lễ hội gắn với những sự tích, những nhân vật có thật hoặc huyền tích chỉ liên quan đến một cộng đồng dân cư nhỏ cấp thôn làng.

Có những lễ hội có truyền thống lâu đời hàng nghìn năm, có những lễ hội mới xuất hiện những năm gần đây.

Trong cuộc sống hôm nay, lễ hội như một trường hấp dẫn góp phần gắn kết con người không chỉ bó hẹp trong một làng, một xã với những giá trị nhân bản.

Đến với lễ hội là đến với những giá trị chân truyền ngàn đời của cha ông mà có lúc nào đó, có ai đó có thể từng xao lãng.

Đến với lễ hội ai đó có thể tìm thấy những phút giây thư thái, dứt khỏi mạch cuộc sống căng thẳng mà tính cạnh tranh ngày càng khốc liệt để đạt được những khoảng lặng thanh sạch tâm hồn và qua đó tiếp thêm năng lượng cho những ngày sắp đến.

Lễ hội là một tài sản vô giá. Chúng ta tận hưởng nó, không lạm dụng nó và giữ gìn nó trước sức ép biến dạng của kinh tế thị trường. Để mỗi độ xuân về, lòng lại phơi phới trước tiếng gọi của lễ hội như tiếng của cha ông, tiếng của hồn Việt, tiếng của cộng đồng.

MỚI - NÓNG
Lốc xoáy làm lật thuyền, hai người mất tích
Lốc xoáy làm lật thuyền, hai người mất tích
TPO - Vào tối 17/4, trên địa bàn huyện Sìn Hồ (Lai Châu), do ảnh hưởng của mưa lớn kèm gió lốc lật thuyền, hai người mất tích. Mưa lớn kèm gió lốc cũng gây thiệt hại hơn 1 tỷ đồng đến tài sản của Nhà nước và nhân dân.