Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa: Soi bóng tiền nhân

Thuyền hình nhân ra biển Ảnh: Nam Cường
Thuyền hình nhân ra biển Ảnh: Nam Cường
TP - Hôm qua, lễ khao lề thế lính Hoàng Sa năm 2011 diễn ra tại đảo Lý Sơn - Quảng Ngãi.

Tổ chức Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa tại Lý Sơn
> Ông Tây yêu Hoàng Sa

Thuyền hình nhân ra biển Ảnh: Nam Cường
Thuyền hình nhân ra biển. Ảnh: Nam Cường .

Vị khách đặc biệt

Đó là ông Tây Hoàng Sa mà Tiền Phong hôm qua đã giới thiệu - ông Andre Menras - Chủ tịch Hiệp hội ADEP Pháp - Việt. Bất chấp giông tố nổi lên, Andre Menras vẫn lên tàu cao tốc ra đảo Lý Sơn. Như một nhà báo thực thụ, ông tỉ mỉ ghi chép diễn biến của lễ khao lề, ghi lại những hình ảnh độc đáo của nghi thức tâm linh có một không hai của người Việt.

Thì ra, Andre Menras đang thực hiện một cuốn sách giới thiệu về ngư dân Việt Nam, đặc biệt là các làng chài Quảng Ngãi ở Bình Châu và Lý Sơn. Đây là lần thứ 3 ông đến Lý Sơn. “Tuy nhiên, lần này để lại cho tôi một cảm giác rất đặc biệt. Lâu nay, tôi đi tìm hiểu về ngư dân Quảng Ngãi rất nhiều. Đặc biệt là những người tán gia bại sản vì bị bắt giữ tàu ở ngư trường Hoàng Sa” - Andre Menras nói tiếng Việt rất sõi.

Ông kể rằng, trường hợp ông ấn tượng nhất là ngư dân Tiêu Viết Là ở Bình Châu, người 4 lần bị bắt, thu tàu ở Hoàng Sa. “Tôi rất khâm phục ý chí bền bỉ của ngư dân Việt Nam. Họ một phần vì miếng cơm manh áo, nhưng chính họ cũng đang cho thấy sự khẳng định chủ quyền của Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa. Tôi ước gì có thể đưa Lý Sơn xích lại gần hơn với vùng biển quê hương tôi. Có thể, rồi đây hai xứ sở sẽ kết nghĩa với nhau chăng? ” - Menras nói.

Vợ ông là Tổng biên tập tờ báo Herault du Jour. Dự định của Andre Menras là sẽ viết bài để đăng báo ở Pháp, chuyển tải những nghi thức tâm linh về lễ khao lề, ý chí quật cường và nét đẹp hoang sơ của Lý Sơn đến người Pháp.

Gần lại với Hoàng Sa

Sáng sớm, mưa lất phất trong ngày đại kỵ ở Lý Sơn, và khi 5 chiếc thuyền hình nhân được thả xuống biển, trời bất ngờ nổi gió. Cụ Võ Hiển Đạt, chủ trì phần lễ, trấn an: Không sao, đó mới chính là cảnh thật nhất của các hùng binh gần 200 năm trước đã ra giữ đảo.

Lễ khao lề năm nay không lớn, không đua thuyền, không hoa đăng và hùng binh Hoàng Sa vì thế cũng ra đi âm thầm hơn. Dù vậy, nghi thức truyền thống thì vẫn đầy đủ.

Cụ Đạt nói: Đã có nhập yết cầu siêu, và vẫn như hằng năm, người dân nơi đây chọn ngày 16-3 âm lịch để tiễn đưa hùng binh. Mấy hôm nay, trời lặng gió hòa, ngư dân ở Lý Sơn gần như đã khởi hành ra các ngư trường, một công việc mà hàng trăm năm nay, không ngày nào không có. Như thường lệ, ngư trường chính vẫn là Hoàng Sa, nơi mà 175 năm trước đây, những tài công, đô đốc như Phạm Quang Ảnh, Đặng Hữu Nhật... đã bảo vệ và khai thác sản vật.

Những chiếc thuyền hình nhân tiến ra biển. Thuyền có 1 chiếc chiếu, 7 sợi mây, 2 cây đòn và 7 nẹp tre, những vật dụng này sẽ bó xác hùng binh Hoàng Sa nếu họ không trở về. Hoàng Sa lắm đảo nhiều cồn. Chiếc chiếu bó tròn bảy sợi dây mây. Giờ đây, lớp con cháu thấy Hoàng Sa gần hơn trong bóng dáng tiền nhân.

Đại biểu 54 dân tộc ra thăm Trường Sa

Sáng 18-4, đoàn đại biểu đại diện 54 dân tộc anh em đi thăm, làm việc tại Trường Sa và nhà giàn DK1 đã xuất phát tại Lữ đoàn 125, cảng Cát Lái (TPHCM). Hải trình của đoàn kéo dài đến 28-4. Theo đó, đoàn gồm đại biểu của 54 dân tộc anh em, sẽ đến thăm, tặng quà, giao lưu tại 8 đảo và nhà giàn DK1.

Đây là lần đầu tiên một chuyến đi quy tụ đủ đại diện của 54 dân tộc cùng nhau ra thăm Trường Sa. Lê Quang Minh

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG