Lênh đênh xóm Việt kiều

Xóm Việt kiều từ Campuchia. Ảnh: Hòa Hội
Xóm Việt kiều từ Campuchia. Ảnh: Hòa Hội
TP - Ở xứ người, vì khốn khổ họ phải bỏ chạy về quê nhà giáp đường biên Việt Nam- Campuchia, nơi chôn nhau cắt rốn nhưng cuộc sống cũng chẳng khá hơn. Để mưu sinh nhiều người ở xóm Việt kiều đành trần ai, phiêu bạt.

Xóm Việt kiều từ Campuchia dắt díu hồi hương đã lâu, sống lay lắt trên đoạn sông dài cả cây số ở bãi bồi Khánh An thuộc xã biên giới Khánh An (An Phú, An Giang), bên kia sông là tỉnh KanDal (Campuchia). Đây là đầu nguồn nên người dân chủ yếu sống nhờ vào câu lưới và làm thuê. Tuy nhiên, hai năm gần đây, nguồn cá tự nhiên dần cạn kiệt, nguồn sống của người dân không còn, trong khi họ “không có tấm giấy lận lưng”. Thế nên, họ lại tiếp tục bỏ xứ đi mưu sinh nơi xứ lạ.

Nửa đêm trốn... nhà vệ sinh

Chiều cuối tháng năm, gió từ phía Campuchia mang hơi nước thổi sang mát rượi. Bên trong ghe, gia đình, sui gia và con cái bà Phạm Thị Lợi (50 tuổi) gần chục người nói chuyện rôm rả. Bà Lợi cho biết, hôm nay là đám phản bái (lại mặt). Bà nói: “Tôi vừa gả con gái cách nay ba hôm, giờ đang sắp xếp công chuyện nhà cho ổn rồi lên Bình Dương làm thuê tiếp”. Bà tiếp lời: “Cực chẳng đã vì ở đây không có việc làm mới bỏ xứ lên Bình Dương làm thuê chứ có việc ổn định thì đi làm gì, trong khi ông bà, tổ tiên còn ở đây. Chưa kể, mẹ tôi năm nay gần 80 tuổi già yếu chăm đứa con chưa đầy chục tuổi. Hai bà cháu ở với nhau trên ghe mục nát chẳng yên tâm mỗi khi mưa gió”, bà Lợi tâm sự.

Tiếp mạch bà Lợi kể: “Mọi năm, mùa lũ làm thuê cắt đầu cá cho người ta làm mắm. Thời đó, làm ngày đêm, muỗi cắn nhưng mọi người ai cũng vui vì có đồng ra đồng vô sống qua ngày nuôi con. Nhưng hai năm nay mùa lũ không có cá mắm gì cả, ai nấy đều khổ, dân treo lưới, bỏ xứ đi gần hết rồi”.

Gia đình bà Lợi có 4 người con, con trai lớn có vợ, còn ở bên Campuchia, lần này đám cưới em gái không có tiền về dự; con gái thứ 3 trước đây cùng bà đi làm thuê ở Bình Dương, nhờ qua mai mối nên có được tấm chồng; Con trai kế đi theo ghe làm thuê mua trái cây khắp xứ, lâu lâu về nhà một lần. Con trai út ở nhà cùng bà ngoại. Chồng bà mất cách nay hơn chục năm, thời ở bên Campuchia.

“Xóm Việt kiều từ Campuchia về có khoảng 120 hộ với 600 nhân khẩu. Đến nay, có khoảng 30 hộ được cấp hộ khẩu, phần còn lại đang “xem xét”. Gần đây, nguồn cá cạn kiệt nên nhiều người lại phải tha hương mưu sinh”.

Ông Hình Tiến Luân,

Phó Chủ tịch UBND xã Khánh An cho biết

Nói về cuộc sống, bà Lợi kể: “Ở Bình Dương, ban ngày hai mẹ con lột hạt điều từ sáng sớm đến chiều tối. Tháng thu nhập trên dưới 3 triệu đồng, tốn nhà trọ hết 1 triệu đồng. Khổ nỗi, trong người không giấy tờ, ở chui, nhiều hôm bị công an xét nhà trọ, mẹ con phải chui vô nhà vệ sinh trốn. Làm cả ngày cực khổ, đêm về không được yên phải trốn chui trốn lủi. Nếu không làm thì tiền đâu gửi về lo mẹ già, con nhỏ”, bà Lợi nói xong lấy tay cầm vạt áo lau nước mắt.

Theo lời bà, trước khi hai mẹ con bà lên Bình Dương thì ở quê đi hái ớt thuê quanh khu vực biên giới. Nhiều khi vượt biên sang Campuchia hái thuê nhưng cũng được vài hôm là hết mùa rồi cũng chẳng biết phải làm gì…

Trò chuyện hồi lâu, nhìn trên bờ thấy hai vợ chồng thanh niên chạc 30 tuổi mang theo túi xách, balô đi ngang qua, bà Lợi nói: “Thêm một cặp vợ chồng bỏ xứ đi Bình Dương nữa đó chú. Riết rồi sống không nổi đâu. Nhìn dãy ghe dài gần cả cây số nhưng vắng chủ hơn một nửa. Ở đây chủ yếu là người già và trẻ em như gia đình tôi thôi”.

Mẹ của bà Lợi, bà Ngô Thị Gấm năm nay gần 80 tuổi, ngồi trong ghe giữ cháu ngoại. Bà kể, tổ tiên ông bà ở đây, đến 1975 cùng cha mẹ sang Campuchia sống bằng nghề giăng câu, lưới. Bên đó, làm không có ăn, còn phải đóng thuế nên tìm cách trở về quê hương an cư lạc nghiệp. Bà cho biết, bên Campuchia, bà còn có mấy chị em nữa nhưng chưa có điều kiện để trở về.

Ngồi trên ghe bồng bềnh, bà cho biết, khi chạy về đây trên bờ chẳng bà con thân thuộc. Chỉ còn những người cùng dãy ghe hàng xóm với bà là láng giềng. “Ở đây, tối sóng vỗ ghe nghiêng ngả không ngủ được vì sợ chìm. Trong ghe chỉ có hai bà cháu. Mỗi khi trời giông gió tôi thức trắng đêm canh cháu ngủ”, bà Gấm bộc bạch.

Bà Gấm chỉ dãy ghe đối diện, nơi ông Nguyễn Văn Bảy (tên thường gọi Bảy Lắng) đang ngồi uống trà: “Con gái ông Bảy cũng đi làm thuê ở Bình Dương về thăm nhà mấy hôm nay. Trước khi đi, con bé mập mạp có da, có thịt nhưng làm thời gian áp lực ca kíp nên giờ ốm nhom”, bà Gấm nói.

Rời ghe bà Gấm, chúng tôi nhờ xuồng nhỏ bơi sang ghe ông Bảy trò chuyện. Ông Bảy Lắng quấn điếu thuốc bằng giấy quyến, hít sâu rồi phà khói kèm giọng trầm ngâm: “Tôi sống bằng nghề câu lưới mấy chục năm nhưng giờ không còn cá để ăn nữa, lấy đâu có cá bán kiếm tiền. Hai năm nay, sống cầm chừng nhờ con cái đi làm thuê gửi về thêm chút đỉnh ăn gạo hằng ngày”.

Gia đình ông có 7 người con, trong đó, 4 người chưa có vợ chồng kéo nhau lên Bình Dương làm thuê. Giọng ông Lắng buồn bã: “Con gái út Nguyễn Thị Oanh, năm nay 19 tuổi mới về thăm nhà cách nay vài hôm. Còn 3 đứa có gia đình cũng đi làm thuê tứ xứ”.  Cô gái út tiếp lời cha: “Không chỉ riêng em mà nhiều người trong xóm này kéo nhau lên Bình Dương ở “lụi” và mượn giấy chứng minh nhân dân của người quen để xin vô công ty làm, chứ nếu không chẳng ai dám nhận”. Oanh cho biết, trong Cty làm ngày 8 - 12 giờ, lương 3-4 triệu đồng/tháng, trừ chi phí thuê nhà trọ, ăn uống, tằn tiện lắm cũng chỉ gửi về cha mẹ vài trăm ngàn.

Năm đời lênh đênh sông nước

Ngồi trên ghe ông Bảy Lắng, chúng tôi được gặp ông Nguyễn Văn Yển cũng vừa hết một ngày đi làm thuê về. Cơm nước xong, ông bơi ghe sang trò chuyện. Ông Yển năm nay 54 tuổi, người đen nhẻm, hai tay chai sần sùi. “Sống trên bọt nước, lục bình tấp đâu đậu đấy. Đời ông bà bên Campuchia cũng sống trên sông bằng nghề câu lưới… nhưng đến lúc sống không nổi phải lênh đênh trôi dạt đến đây”, ông Yển buồn buồn.

Gia đình ông từ Biển Hồ Campuchia hồi hương về sống ở đây từ năm 1993 đến nay. Gia đình may mắn trong số ít được nhà nước cấp hộ khẩu, có 4 người con sống bằng nghề làm thuê. Nếu tính con ông là đời thứ 5 sống bằng nghề câu lưới và lênh đênh sông nước. Ông kể, bên đó khó sống, hằng ngày thức từ sáng sớm đi giăng lưới nhưng giờ cá cũng cạn kiệt. Chưa kể, họ phát hiện mình giăng lưới không đúng quy định sẽ bắt phạt nặng, nếu không có tiền đóng phải ở tù. “Ở đây ai cũng khổ nhưng được cái đoàn kết. Mỗi khi thiếu gạo sang nhà hàng xóm mượn đỡ hay đêm hôm có sóng to làm chìm ghe là cả xóm nhảy xuống sông cứu giúp, bất chấp giá lạnh”, ông Yển nói.

Mái nhà trên chiếc ghe hơn tấn, cũ kỹ, mỗi lần ghe lớn chạy ngang lắc lư. Ông Yển cho biết, ghe phải kéo lên bờ trét chai mấy lần, cho đỡ vô nước, giờ cũng đã mục rệu rã. “Bây giờ, ngày nào làm thì có tiền đong gạo, nghỉ thì đói. Hiện tại, sức yếu nhưng tôi cố làm chứ không trông chờ vào con, tội cho chúng nó”, ông Yển tâm sự.

Ở trên ghe ông Bảy Lắng, phía xa là xuồng nhỏ của bà Trần Thị Quỳnh cùng chồng bơi ghe chưa đầy tấn bán hàng bông quanh xóm. Bơi về đến nhà, bà cho biết, bán cả buổi chưa được 30 ngàn đồng. “Dân ở đây giờ khổ lắm, không có việc làm nên khi mua rau họ cũng tằn tiện. Hơn nữa, bỏ đi dần nên chẳng còn ai mua”.

Lênh đênh xóm Việt kiều ảnh 1

Vợ chồng bà Quỳnh bơi ghe hàng bông đi bán.

Vợ chồng bà Quỳnh năm nay gần 70 tuổi, người còm nhom, nước da ngăm đen. “Mấy năm trước bán thấy ham, ngày lời vài trăm ngàn. Vợ chồng tôi lúc đó dẫu vất vả nhưng vui. Còn bây giờ èo uột lắm, chỉ mong đủ sống qua ngày là mừng rồi”, bà Quỳnh nói.

Theo lời bà Quỳnh, mỗi ngày bán từ sáng sớm đến chiều tối mới về, lời vài chục ngàn. Hôm bán đắt hết sớm có tiền mua gạo để dành cho những ngày mưa gió, ế ẩm.

Người dân ở đây hầu như đều sử dụng nước sông để sinh hoạt, từ tắm giặt kể cả nấu ăn.

Theo lời ông Yển, vào mùa mưa bão, khi trời nổi giông là cả xóm lo sợ bị chìm vì dãy bè đều mục nát tựa vào nhau. “Bản thân mình là người lớn còn đỡ, lỡ có chìm thì cũng lội lên bờ được. Tội cho bọn nhỏ chưa biết bơi, xoay xở không kịp là hối hận. Hôm nào mưa suốt đêm là khỏi ngủ được do nước tạt vào không còn chỗ khô”, ông Yển nói. Không chỉ vậy, “Mấy năm trước, cũng trên đoạn sông này, có trường hợp cha mẹ mải lo làm không để ý, con ngồi sau ghe bị sóng đánh rơi xuống sông lúc nào không biết…”, ông Yển kết câu chuyện buồn.

“Sống trên bọt nước, lục bình tấp đâu đậu đấy. Đời ông bà bên Campuchia cũng sống trên sông bằng nghề câu lưới, nhưng đến lúc sống không nổi, phải lênh đênh trôi dạt đến đây”, ông Nguyễn Văn Yển nói.

MỚI - NÓNG