Leo lên và đi

TP - Vẫn râm ran tranh cãi về kết quả trận chung kết Đường lên đỉnh Olympia 2014, với câu trả lời không được công nhận của thí sinh Hoàng Bách – người sau đó trở thành á quân cuộc thi. 

Nhưng còn râm ran hơn thế, khi người ta vừa “phát hiện” ra rằng có đến 12 trong tổng số 13 nhà quán quân trong suốt lịch sử cuộc thi đình đám này hiện đang là “láng giềng” của nhau ở riêng cái thành phố Melbourne (Úc), sau khi cùng tốt nghiệp một “lò” ĐH Kỹ thuật Swinburne. 

Thế giới đã phẳng lỳ, mấy ai còn so đo trách móc các nhà vô địch học thành tài rồi sao không về xây dựng quê hương?! Vì bây giờ ở đâu mà chẳng “giúp” được quê hương, không bằng chất xám thì bằng kiều hối vậy! Và dù có về thì cũng làm gì có môi trường và điều kiện để mà cống hiến?! Rồi người ta dẫn chứng giáo sư này, tiến sĩ nọ, nếu học xong “chui đầu” về nước thì làm gì có được thành tựu lừng lẫy như ngày hôm nay…

Tuy vậy, quyết định không về nước của các nhà vô địch leo đỉnh Olympia, dù với lý do nào, cũng ít nhiều đem lại cho cuộc thi mang tính trí tuệ và công phu tầm quốc gia này những dư vị chua chát. Và từ sau lần “leo núi” năm thứ 14 này, có lẽ khi giao lưu với khán giả cùng bạn bè, thầy cô, các thí sinh có lẽ sẽ phải cân nhắc, “lựa lời” hơn để nói về những dự định tương lai của mình. Từ những tấm gương của các anh chị đi trước, tình yêu, sự cống hiến cho đất nước chắc sẽ phải mang màu sắc khác. 

Đất nước với tài nguyên vô giá, đó là "cơ cấu dân số vàng" với thế hệ công dân trẻ tuổi mang tiềm năng trí tuệ, tri thức không kém bất cứ quốc gia tiên tiến nào. Vậy mà bao nhiêu năm vẫn trở mình chậm chạp như người già. 

Thử "bói" xem lâu nay chúng ta đã làm ra được sản phẩm đáng kể nào mang tính sáng tạo ứng dụng vào cuộc sống ? Hay là lâu lâu lại ứa nước mắt chứng kiến người nông dân phải tự cứu mình bằng cách dùng phế liệu tự chế ra những máy móc nông cụ để cho mình bớt khổ.

Cách đây 4 năm, các nhà khoa học ở Bộ Công Thương và TP Hà Nội dùng trên 3 tỷ đồng ngân sách chế tạo ra một con tàu hút bùn được mệnh danh là "công nghệ đặc biệt". Tuy nhiên, tàu làm xong rồi thì bị vứt xó từ bấy đến nay bên rãnh nước thối, vì chưa có "đơn giá định mức" nên chưa thể dùng(?!). Nghe như đùa. 

Dân số trẻ với năng lực chất xám kỳ diệu đến thế, nhưng tin vui toàn thấy “nhập” từ bên ngoài về. Rằng giáo sư người Việt này được dạy trường nổi tiếng này, tiến sĩ người Việt kia được tặng giải thưởng kia, nhà khoa học Việt nọ làm ra công trình nổi tiếng ở nước nọ. Mà rất hiếm hoi thấy “xuất khẩu” niềm tự hào khoa học từ trong nước ra thế giới. 

Từ chuyện cái máy hút bùn, thấy hình như người ta chỉ thích lấy ngân sách để đầu tư xây dựng, lập dự án tiêu tiền hơn là tìm cách sử dụng các công trình, kết quả nghiên cứu ấy ra sao cho hiệu quả. Cứ như vậy, bảo sao những người trẻ có trí tuệ và tâm huyết khi có cơ hội thường "một đi không ngoái lại"!

MỚI - NÓNG