Lever VN bị đòi hơn 11 tỷ vì cắt hợp đồng

Lever VN bị đòi hơn 11 tỷ vì cắt hợp đồng
Cho rằng Lever Việt Nam vi phạm hợp đồng, 30 thương binh cùng với từng ấy chiếc xe lam chở hàng đã tụ tập về cổng Cty liên doanh Lever Việt Nam tại Thanh Xuân, Hà Nội để yêu cầu được bồi thường.
Lever VN bị đòi hơn 11 tỷ vì cắt hợp đồng ảnh 1
Các thương  binh tụ tập trước Lever Việt Nam tại số 233 đường Nguyễn Trãi, Hà Nội. Ảnh: Anh Tuấn

2 tấm băng rôn lớn với dòng chữ "Yêu cầu Lever nghiêm túc bồi hoàn thiệt hại hợp đồng" và "Tập đoàn Lever vi phạm hợp đồng vận chuyển số 20/HĐVC/LVN-LAT" đã chắn ngang lối vào công ty.

Các thương binh người đứng người ngồi, thậm chí mắc võng nằm trong xe, chờ đợi kết quả làm việc giữa Cty liên doanh Lever Việt Nam và Hợp tác xã Công nghiệp thương binh tình nghĩa, huyện Hoài Đức, Hà Tây (đơn vị chủ quản).

Theo Chủ nhiệm Hợp tác xã Trần Xuân Thủy, các thương binh đình công vì Cty liên doanh Lever Việt Nam vi phạm hợp đồng đã ký kết với Cty Cổ phần đầu tư xây dựng quốc tế Liên Anh Thanh (trụ sở 227, phố Kim Ngưu, Hà Nội).

Đơn vị gánh chịu hậu quả không chỉ có Liên Anh Thanh mà còn cả hàng trăm xã viên của hợp tác xã, vì đây là đơn vị vệ tinh, chuyên chở khoảng 40% số lượng hàng hoá do Liên Anh Thanh nhận từ Lever Việt Nam.

Còn theo bà Ngô Thị Liên, Giám đốc Cty Liên Anh Thanh, việc chấm dứt hợp đồng tức thì, không thông báo trước 30 ngày như điều khoản của hợp đồng, đã khiến công ty lâm vào tình trạng phá sản.

Tổng số thiệt hại do Liên Anh Thanh tính toán là 28 tỷ đồng, bao gồm: tiền lãi phát sinh phải trả cho ngân hàng để vay mua 150 xe chuyên dụng (của cả Liên Anh Thanh và đơn vị vệ tinh), tiền bán xe bị lỗ, tiền nợ lương của khoảng 200 công nhân...

"Tuy nhiên, đây là rủi ro, đơn vị chúng tôi đã tính toán lại, rút xuống già nửa, chỉ còn 11,3 tỷ đồng, nhưng vẫn không được chấp nhận. Nếu không được giải quyết, vợ chồng tôi chỉ còn nước nhảy lầu tự tử", bà Liên nói.

Lever Việt Nam không giải thích về việc chấm dứt hợp đồng

Từ năm 2001, Cty liên doanh Lever Việt Nam ký kết hợp đồng dịch vụ vận chuyển hàng hoá với Cty cổ phần đầu tư xây dựng quốc tế Liên Anh Thanh. Hợp đồng được ký lại hằng năm và đến giữa tháng 6/2005, đại diện Liên Anh Thanh là bà Giám đốc Ngô Thị Liên ký tiếp một hợp đồng số 20 có hiệu lực đến hết 31/12/2006.

Bà Ngô Thị Liên, cho biết khi công việc làm ăn đang thuận buồm xuôi gió thì ngày 28/10/2005, phía Lever Việt Nam thông báo miệng chấm dứt hợp đồng.

Phải gần 10 ngày sau, phía Liên Anh Thanh mới nhận được thông báo bằng văn bản và được giải thích lý do là thực hiện theo điều 10.2, hợp đồng số 20.

Theo điều khoản này, các bên có quyền chấm dứt hợp đồng trước thời hạn bằng cách thông báo bằng văn bản cho bên kia biết trước 30 ngày.

Nếu đúng theo điều khoản này và cũng theo văn bản mà Lever Việt Nam gửi Liên Anh Thanh thì phải đến 30/11/2005 mới chính thức chấm dứt hợp đồng.

Tuy nhiên, theo phản ánh của cả bà Liên và đơn vị vệ tinh là Hợp tác xã Công nghiệp thương binh tình nghĩa, thì ngay ngày 28/10/2005, hợp đồng đã bị chấm dứt, tất cả xe chở hàng chuyên dụng của các đơn vị này bị đuổi khỏi kho đậu lấy hàng của Lever Việt Nam (đóng tại Bắc Ninh).

Trong các buổi làm việc sau đó để giải quyết thủ tục chấm dứt hợp đồng, Cty Liên doanh Lever Việt Nam luôn khẳng định thực hiện đúng hợp đồng và chỉ chấp nhận hỗ trợ cho Liên Anh Thanh 1,6 tỷ đồng (gồm tiền hỗ trợ trả 1 tháng lương, chi phí phát sinh), và tiền mua lô xe 7 chiếc do Liên Anh Thanh vừa nhập về đang nằm ở cảng Hải Phòng.

Nhưng trong buổi làm việc ngày 10/2, Lever Việt Nam chỉ đồng ý hỗ trợ 1,6 tỷ đồng và không đề cập đến việc mua xe.

Tại buổi làm việc sáng 16/2, phía Lever Việt Nam cũng không đưa ra cách giải quyết. Với lý do giám đốc đi vắng, Lever Việt Nam đã cử ra 2 đại diện trả lời báo chí.

Đó là bà Nguyễn Vân Anh, phụ trách đối ngoại khu vực phía Bắc của phía Lever Việt Nam và bà Nguyễn Thị Bình, người được giới thiệu là phụ trách các bên gia công của công ty này.

Bà Bình cho biết, phương hướng giải quyết duy nhất hiện nay là "báo cáo với lãnh đạo công ty (trụ sở chính ở TPHCM)".

Giải thích lý do đơn phương chấm dứt hợp đồng, đại diện Lever Việt Nam cho rằng do phía Liên Anh Thanh vi phạm nguyên tắc kinh doanh của công ty.

Khi được hỏi cụ thể là vi phạm gì thì cả bà Vân và bà Bình đều lắc đầu và xin khất: "Chúng tôi sẽ trả lời bằng văn bản sau".

Riêng về việc doanh nghiệp có vi phạm điều 10.2, bà Nguyễn Thị Bình thừa nhận, nếu theo hợp đồng thì công ty phải báo trước cho Liên Anh Thanh 30 ngày, song thực tế chỉ báo có 1 ngày.

Tuy nhiên, ngay khi bà Bình vừa dứt lời thì người đồng sự Thu Vân lại "đá" ngay: "Chúng tôi không vi phạm hợp đồng".

Giải thích cho sự bất hợp lý khi không vi phạm hợp đồng, nhưng vẫn đồng ý chi ra 1,6 tỷ đồng, bà Vân cho rằng: "Đây không phải là tiền bồi thường thiệt hại, mà là hỗ trợ cho Liên Anh Thanh để doanh nghiệp này hỗ trợ cho hợp tác xã. Vì hợp tác xã gồm toàn thương bệnh binh".

Hôm nay, Lever Việt Nam sẽ có cuộc làm việc với báo chí.  

Theo Như Trang
Vnexpress

MỚI - NÓNG