Liên kết vươn khơi

Nhờ mô hình tổ đội tương hỗ, ông Nguyễn Hiền (giữa) cùng các thành viên trong tổ an tâm trong mỗi chuyến ra khơi
Nhờ mô hình tổ đội tương hỗ, ông Nguyễn Hiền (giữa) cùng các thành viên trong tổ an tâm trong mỗi chuyến ra khơi
TP - Ngư dân Đà Nẵng, Quảng Ngãi cùng lập nhiều mô hình tổ đội khai thác thủy sản, tổ tương hỗ, tự quản để liên kết, "tiếp sức" nhau trong mỗi chuyến ra khơi. Gần 5 năm nay, hàng trăm tàu thuyền của ngư dân xã Nghĩa An, huyện Tư Nghĩa (Quảng Ngãi) vẫn vững tâm ra khơi, bám biển Hoàng Sa, Trường Sa mà không sợ bị tàu nước ngoài bắt bớ, trấn cướp nhờ mô hình tổ tự quản hoạt động hiệu quả.
Nhờ mô hình tổ đội tương hỗ, ông Nguyễn Hiền (giữa) cùng các thành viên trong tổ an tâm trong mỗi chuyến ra khơi
Nhờ mô hình tổ đội tương hỗ, ông Nguyễn Hiền (giữa) cùng các thành viên trong tổ an tâm trong mỗi chuyến ra khơi . Ảnh: Nguyễn Huy

Từng là thuyền trưởng tàu ĐNa 61406, ông Trần Út (phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) trắng tay sau khi tàu bị sóng đánh chìm do ảnh hưởng của bão. Tưởng chừng bỏ biển, nhưng nhờ quỹ ngư dân từ tổ tương hỗ số 4, ông đang nuôi ước vọng sắm tàu, trở lại với nghề.

Góp nhau lập quỹ

Đầu tuần qua, số tiền hơn 60 triệu đồng từ nguồn hỗ trợ của thành phố đã được các thành viên trong Tổ tương hỗ số 4 (phường Nại Hiên Đông) nhất trí tặng lại cho ông Trần Út sau gánh nặng mất tàu.

Ông Cao Văn Minh - Tổ trưởng Tổ tương hỗ số 4 bảo: Quy ước của tổ là thế. Nếu tàu thuyền nào gặp nạn thì các thành viên trong tổ phải có trách nhiệm giúp đỡ. Nhớ lại ngày 23-8-2010, tàu ông Út gặp nạn, ông Minh điều hai tàu trong tổ ra tìm kiếm cứu nạn.

Một mặt ông vào Quảng Nam nhờ các tàu thuyền hay đánh bắt ở vùng biển Cù Lao Chàm ra tìm kiếm. Mấy ngày quần đảo, tìm kiếm, tổng chi phí nhiên liệu lên đến hơn 60 triệu đồng. Ông Út cùng 10 ngư dân được cứu nạn. "Toàn bộ chi phí xăng dầu cứu nạn, chúng tôi bỏ ra hết từ nguồn quỹ do anh em thuyền viên đóng góp để khi hoạn nạn thì giúp đỡ nhau" - ông Minh bảo.

Tổ tương hỗ số 4 được thành lập từ năm 2006 với hơn 10 tàu thuyền thành viên. Tùy theo mùa đánh bắt, các tàu thuyền trong một tổ sẽ đóng quỹ từng tháng với tổng số tiền mỗi năm 2 triệu đồng/thành viên. Tính đến nay số tiền góp quỹ lên đến 120 triệu đồng.

Theo ông Minh, các thành viên trong tổ quy ước: Nếu tàu bị mất lưới, hỏng máy, các tàu thuyền khác sẽ tham gia lai dắt. Chi phí nhiên liệu quỹ chịu một nửa và tàu gặp nạn chịu một nửa. Với trường hợp mất tàu như ông Út, quỹ đứng ra chịu các chi phí nhiên liệu cứu hộ, cứu nạn.

Ông Vân nhấn mạnh: Nhờ các mô hình tổ đội tương hỗ, tình trạng tàu thuyền gặp nạn trên biển giảm hẳn. Tính từ đầu năm đến nay, chỉ có tàu ông Trần Út bị đánh chìm, một số khác bị mất lưới, chết máy. Nhưng nhờ có tàu bạn lai dắt nên hạn chế tối đa thiệt hại.

Sát cánh mưu sinh

Vừa trở về sau chuyến đi biển Hoàng Sa, anh Trần Văn Vũ (44 tuổi, thôn Tân Mỹ, xã Nghĩa An), chủ tàu QNg 627831TS, thành viên trong đội tự quản của ông Trần Thứ tranh thủ khâu thêm sải lưới vừa bị mất. "May nhờ anh em thông báo kịp nên không bị tàu nước ngoài trấn cướp, tịch thu hết tài sản. Chỉ bị mất một ít lưới chuồn. Về đến nhà, lại được anh em trong tổ góp tiền ủng hộ chục triệu đồng, tôi vay mượn tiếp để làm lại lưới, chờ hết bão là lại ra khơi" - Anh Vũ kể.

"Quy ước trong tổ tự quản là thế, nếu phát hiện tàu "lạ" thì báo gấp cho các thành viên trong tổ để chủ động phòng tránh. Khi ai bị nạn, mất lưới, mất tài sản thì các tàu khác cùng hỗ trợ, góp tiền để tàu gặp nạn khắc phục khó khăn và tiếp tục ra khơi" - anh Vũ bảo.

Đợt này, thuyền của ông Huỳnh Văn Công, thành viên trong tổ cũng không kịp thu lưới. Vừa trở về đất liền, 9 bạn tàu khác trong tổ ông Trần Thứ đến động viên, hỏi thăm và cùng góp tiền (15 triệu đồng) ủng hộ chủ tàu.

Tương tự, 10 tàu thuyền trong tổ tự quản của ông Huỳnh Văn Minh (55 tuổi, thôn Tân Mỹ, Nghĩa An) thông qua tổng đài Icom trong tổ để liên kết, đánh bắt an toàn và tránh sự xuất hiện của tàu "lạ".

Anh Huỳnh Tấn Hoàng (33 tuổi), thuyền trưởng tàu QNg 72287TS, thành viên tổ tự quản của ông Minh cho hay: “Những năm trước đi biển, tàu thuyền chỉ hay bị tàu “lạ” xua đuổi nhưng gần đây, tàu nước ngoài còn cố tình đập phá, tịch thu tài sản, chặt chém lưới, ngư cụ... nên các ngư dân càng phải liên kết chặt chẽ với nhau. Khi phát hiện tàu "lạ", chúng tôi điện báo cho các bạn tàu. Nếu không kịp kéo lưới thì sau đó các tàu khu vực gần sẽ đến để tìm kiếm lưới giúp".

MỚI - NÓNG
Ngừng phiên tòa tranh chấp liên quan đến Hoa hậu Lê Hoàng Phương
Ngừng phiên tòa tranh chấp liên quan đến Hoa hậu Lê Hoàng Phương
TPO - Sau khi xuất hiện bằng chứng mới, Hội đồng xét xử quyết định tạm dừng phiên tòa  tranh chấp Hợp đồng quảng bá thương hiệu giữa Ban tổ chức cuộc thi Miss Grand Vietnam 2023 (BTC) và Công ty Cổ phần Bệnh viện Phẫu thuật thẩm mỹ Nam An (Bệnh viện Nam An), trong đó Hoa hậu Lê Hoàng Phương tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.