Liễn măng trên nửa thế kỷ

Liễn măng trên nửa thế kỷ
TP - Vượt qua bao cung đường đồi đất uốn lượn, chúng tôi đến nhà ông Hoàng Văn Tụa (68 tuổi), trú tại thôn Sì Nghiều, xã Tú Đoạn, Lộc Bình, Lạng Sơn và được chiêm ngưỡng, nếm mùi vị của liễn măng có cách đây trên 50 năm.
Liễn măng trên nửa thế kỷ ảnh 1
Liễn măng nằm sâu trong tường nhà - Ảnh: Duy Chiến

Ông Tụa nom còn khỏe, ánh sáng bạc trên mái tóc hắt rọi lên mảng trình tường. Gian nhà làm bằng đất cổ làm dịu mát không khí. Dẫn chúng tôi vào góc khuất rồi dùng tay vén một tờ lịch treo trên tường, ông chỉ vào một gian nhỏ sâu hút, trong đó có một cái liễn sành màu nâu sẫm. Ông cẩn thận dùng đôi bàn tay nhẹ nhàng đưa ra khỏi bức tường. Mùi chua thanh sực lên.

Với giọng thành kính, ông Tụa giới thiệu: “Tôi được cha truyền dạy từ bé cách ngâm măng ăn dần. Chọn khi cây tre ra ngọn măng tròn, mập thì cắt tỉa, rửa bằng nước trong rồi trộn với muối tinh. Khi ngâm cho thêm một ít nước đầu nguồn trên khe núi”.

Ông Tụa không thể nhớ rõ ngày bắt đầu làm món măng chua này nhưng, khi đẻ con trai là Hoàng Văn Quỳnh, sinh năm 1968, thì liễn măng có từ lâu rồi.

Nước trong liễn đặc sánh, ít váng. Bên trong là những cậng măng rất mập màu ngà. Nếm thử miếng măng thấy mềm mà thịt  măng còn cứng giòn. Độ chua đậm nhưng cảm giác thanh thoát.

Ông Tụa giới thiệu, khác với các loại măng ngắn ngày, loại măng cổ không ngâm cùng ớt và quả mác mật, song vẫn có độ thơm, ngon. Nếu mang miếng măng này xào với lòng gà hoặc ninh xương cá, nấu canh với cổ, cánh vịt thì rất tuyệt, ăn xong nhớ mãi.

Cụ Hoàng Giai Văn là cha đẻ của ông Tụa, đã nhiều lần thoát chết vì có lần bị cảm, sốt được người nhà đun nước măng lên, uống giải cảm. Năm trước, cụ ốm nặng, gia đình rang cám khô giòn rồi trộn với nước măng đánh gió. Chất độc theo nước măng thoát ra ngoài cơ thể, làm người ốm nhẹ người, nhanh khỏi. Chính vì vậy, cụ Văn đã sống ngoài chín mươi tuổi.

Anh Hoàng Văn Quỳnh, cán bộ thôn Sì Nghiều cho biết, ở địa phương có nhiều người ngâm được những hũ, lọ măng chua hàng chục năm trời không hỏng. Tuy nhiên, việc bảo quản khá kỳ công, phải để nơi kín gió, người lạ không được động tay vào lấy măng.

Đồng bào ở đây còn quan niệm rằng, phụ nữ có chửa thì tuyệt đối không được đến gần.

Tôi nếm miếng măng có vị khác lạ hơn so với món măng đặc sản ngâm ớt hạt tiêu ở Đồng Mỏ, Chi Lăng, Lạng Sơn. Hương vị lan tỏa làm sảng khoái. Tôi được biết, chỉ ở vùng đất xứ Lạng mới có những liễn, bình măng cổ quý, hiếm như thế.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.