Liệt chân vẫn khỏe vì tính điểm

TP - Nhiều người khuyết tật ở TP Cần Thơ và tỉnh Hậu Giang vừa bị cắt trợ cấp hằng tháng vì cách tính điểm của ngành LĐTB&XH.

Ông Nguyễn Văn Năng, 49 tuổi, liệt chân phải, thêm bệnh thấp khớp, ở phường Xuân Khánh (Ninh Kiều, TP Cần Thơ), trước đây được trợ cấp mỗi tháng 200.000 đồng. Tháng 8/2013, UBND phường Xuân Khánh mời lên tính điểm về khuyết tật theo quy định mới của ngành LĐTB&XH, ông được xác định 15 điểm, trở thành khỏe mạnh nên không thuộc diện trợ cấp nữa. Ông Năng ngậm ngùi: “Vợ tôi cũng là người khuyết tật làm công nhân may, còn tôi làm thủ công ở Cơ sở Nhịp Cầu, mỗi tháng hai vợ chồng chỉ được hơn 3 triệu đồng, trừ tiền nhà trọ hơn 1 triệu đồng. Phần còn lại không đủ sống”.

Liệt chân vẫn khỏe vì tính điểm ảnh 1 Chị Ôn Thị Hồng Nhan liệt hai chân, chưa được hưởng trợ cấp, đang làm công nhân trong một cơ sở thủ công để kiếm sống.  ẢNH: HÒA HỘI

Chị Nguyễn Thị Tố Uyên, 20 tuổi, cũng bị liệt chân phải, đang sống với bà ngoại Nguyễn Ngọc Xuân, 74 tuổi, bán vé số ở phường Long Hòa (Bình Thủy, Cần Thơ). Bà Xuân kể: “Hồi tháng 3/2014, cán bộ phường tính điểm sau đó nói tôi bán vé số nuôi cháu rồi nên cháu không được trợ cấp nữa”. Bà Thái Thị Ngọc Hiệp, 38 tuổi, bị tật chân trái, ở phường An Hòa (Ninh Kiều, Cần Thơ) buồn bã kể: “Tháng trước, cán bộ phường xuống hỏi cha mẹ tôi về khuyết tật của tôi, bảo tôi được 15 điểm là còn khỏe mạnh nên cắt trợ cấp hằng tháng”.   

Còn bà Nguyễn Thị Đèo, 59 tuổi, bị gù lưng bẩm sinh, tay chân rất yếu, ăn cơm cần có người giúp. Bà sống với em ruột là bà Nguyễn Thị Bảy, ở số 233/10, khu vực Bình Nhựt A, phường Long Hòa (Bình Thủy, Cần Thơ). Hai người không chồng con, không ruộng đất, sống bằng mớ rau ngoài đồng do bà Bảy hái mỗi ngày, trước đây có sổ hộ nghèo và tiền trợ cấp hằng tháng cho bà Đèo nên đủ cơm cháo. Nhưng từ cuối năm ngoái, cũng vì cách tính điểm mà bà Đèo bị cắt tiền trợ cấp hằng tháng. Bà Bảy nói: “Ông trưởng khu vực Cường bảo, tôi hái rau bán có tiền nên rút sổ hộ nghèo luôn. Tôi bị bệnh mủ trong mắt, không tiền chữa trị. Bà Đèo bệnh nặng hơn cũng không có tiền chữa”.

“Trợ cấp là quyền của người khuyết tật được hưởng nhưng chúng tôi đang như người đi xin, luôn bị gây khó khăn, bị đe dọa cắt bất cứ lúc nào”.

Chị Ôn Thị Hồng Nhan

Ở tỉnh Hậu Giang cũng có nhiều người khuyết tật bị cắt trợ cấp hằng tháng khi tính điểm theo quy định mới. Đó là ông Trương Văn Sánh, 44 tuổi, liệt chân trái ở ấp 4, xã Vĩnh Thuận Tây (Vị Thủy) và vợ bị bệnh tai biến. Ông làm nghề hớt tóc, ngày khỏe hớt được vài người, khi ốm nằm nhà cùng vợ, không còn tiền trợ cấp nên nhịn đói. Chị Đinh Ngọc Thảo, 23 tuổi, ở ấp 4, xã Hòa Mỹ (Phụng Hiệp) bị cụt tay phải còn bị bệnh phổi nặng. Hằng ngày, chị đi bán vé số cùng chồng làm thuê, nuôi con 4 tuổi. Gia đình chị sống trong căn nhà chưa đầy 20 m2, vừa bị sập phải nhờ hàng xóm dựng lại. 

Đem những phản ánh của người khuyết tật đến Sở LĐTB&XH TP Cần Thơ, được ông Huỳnh Ngọc Hùng, Trưởng phòng Bảo trợ xã hội, cho biết muốn đánh giá mức độ tàn tật của người khuyết tật, UBND phường phải thành lập hội đồng thẩm định gồm bảy người. Hội đồng phỏng vấn trực tiếp để ra kết luận. “Nếu người khuyết tật không đồng ý với Hội đồng giám định phường, có quyền đến Trung tâm Giám định Y khoa để xác định lại. Vẫn thuộc diện trợ cấp thì UBND phường trả lại phí giám định 2 triệu đồng, ngược lại thì người khuyết tật chịu phí”, ông Hùng nói.

Bà Bùi Thị Hồng Nga, Chủ tịch Hội Người khuyết tật TP Cần Thơ, cho rằng nhiều kết quả của hội đồng thẩm định ở phường chưa chính xác. “Nhưng đa số người khuyết tật nghèo khổ, buộc phải đến Trung tâm Giám định Y khoa tốn 2 triệu đồng. Đây là mức phí quá lớn so với người khuyết tật, trong khi xã hội hô hào hỗ trợ họ”, bà Nga nói. 

Thực tế, nhiều người khuyết tật không được trợ cấp cũng vì quy định phải qua Trung tâm Giám định Y khoa. Chị Ôn Thị Hồng Nhan, 30 tuổi, liệt 2 chân, cong cột sống phải ngồi xe lăn từ nhỏ ở khu vực Long Châu, phường Tân Lộc (Thốt Nốt, Cần Thơ). Khi chị làm đơn đến bộ phận LĐTB&XH của phường xin hưởng trợ cấp, cán bộ bảo phải đi Giám định Y khoa. Đến Trung tâm Giám định Y khoa TP Cần Thơ, bác sỹ kêu lên, liệt hai chân nhìn là biết rồi, không cần giám định nữa.

Theo Sở LĐ TB&XH TP Cần Thơ, tính đến tháng 6/2014, thành phố có 8.297 người khuyết tật, gồm 5.784 người tàn tật và 2.513 người tâm thần.

MỚI - NÓNG