Công văn 327 của Sở Y tế Đắk Lắk:

Liệu đã cầu thị?

Khoa cấp cứu Nhi thường xuyên thiếu thuốc.
Khoa cấp cứu Nhi thường xuyên thiếu thuốc.
TP - Báo Tiền Phong đã nhận công văn 327 “V/v làm rõ một số nội dung trong các bài viết của báo Tiền Phong”, do ông Doãn Hữu Long, Giám đốc Sở Y tế Đắk Lắk (SYT), ký ngày 22/2/2017. 

Theo CV 327, cùng ngày 22/2  SYT còn có CV 321 “trả lời các nội dung nêu trong bài”, còn CV này chỉ “làm rõ hơn các nội dung đã nêu”. Tuy nhiên, đến thời điểm này, Tiền Phong chưa nhận được CV 321. Vì thế, trong bài viết này, chúng tôi trao đổi quanh nội dung mà CV 327 đề cập.

CV 327 có 6 mục, trong đó với 3 mục về các sai phạm quá rõ mà báo Tiền Phong đã đăng (Về đấu thầu thuốc 2014-2015; Về mua 111 cái máy vi tính; Về mua lò đốt rác cho BVĐK TP Buôn Ma Thuột), CV 327 chỉ viết: “Sở Y tế đã có các văn bản báo cáo các cơ quan chức năng và trả lời các cơ quan báo chí” mà không gửi kèm văn bản.

Phần còn lại của CV 327, Mục III SYT “nói rõ hơn” về việc đấu thầu thuốc năm 2017, rằng đã hướng dẫn các cơ sở lập kế hoạch đấu thầu thuốc như thế nào, giải thích về một số mặt hàng ngoại nhập giá trị cao mà báo đã nêu và đi đến khẳng định “việc lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu cung ứng thuốc năm 2017 của SYT là đúng quy định, không có dấu hiệu lợi ích nhóm, tiêu cực, tham nhũng hay trục lợi như báo đã nêu”. Chúng tôi đi sâu vào vấn đề này.

Ưu tiên nhiều loại thuốc độc quyền

Trong 2 bài báo Tiền Phong đăng gần đây trên 2 số báo ra ngày 20, 21/2, không có câu nào cho rằng SYT sai quy định trong việc lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu cung ứng thuốc năm 2017, mà khẳng định “SYT lại tiếp tục vi phạm Luật Dược trong việc tổ chức đấu thầu thuốc năm 2017”, vì “trong hồ sơ mời thầu 2017, hàng loạt mặt hàng nhóm 3 do các công ty Việt Nam sản xuất đã bị SYT loại bỏ khỏi danh mục hoặc giảm số lượng, để thay thế bằng các loại kháng sinh giá cao ngất, ngoại nhập, chưa từng được sử dụng tại Đắk Lắk, với số lượng cực lớn”.

Cụ thể, những mặt hàng mà báo Tiền Phong phản ánh như Cefoxitin 1g, Cefoxitin 2g, Cefepim 2g, Ceftriaxon 2g đều là thuốc nhập khẩu nhóm 1, giá cao và độc quyền, được SYT ưu tiên xây dựng danh mục, trong khi những mặt hàng tương tự của Việt Nam nhóm 3 đáp ứng được yêu cầu về chất lượng, giá cả và khả năng cung ứng (Theo Luật Dược và Thông tư 10/2016/TT-BYT) thì gần như không có, hoặc có mà số lượng rất ít.

Ở Mục IV, SYT có diễn giải rằng: “Trong nhóm 5 của gói thầu thuốc Generic không lựa chọn thuốc nhập khẩu, nếu thuốc đó có trong danh mục thuốc sản xuất trong nước đáp ứng yêu cầu về điều trị, giá thuốc và khả năng cung cấp theo Thông tư số 10/2016/TT-BYT”. Bởi, theo các thông tư, nghị định hướng dẫn, thì tất cả các nhóm thuốc khác, kể cả thuốc nhập khẩu và thuốc sản xuất trong nước đều đấu thầu được vào nhóm 5, do nhóm 5 là nhóm có tiêu chí kỹ thuật thấp nhất. Có ai ngây thơ đưa thuốc nhập khẩu vào nhóm này?

Về nội dung các loại thuốc ngoại nhập, độc quyền, giá trị cao quá nhiều trong danh mục được SYT lựa chọn mời thầu năm 2017, trái các luật, nghị định, thông tư, CV 327 giải thích “SYT tổ chức lựa chọn nhà thầu dưới sự chỉ đạo của UBND tỉnh” “do các cơ sở y tế chủ động xây dựng”. Cách luận giải này hoàn toàn không thuyết phục. SYT là đơn vị quản lý nhà nước có trách nhiệm hướng dẫn, tổng hợp, kiểm tra, xử lý và điều chỉnh cho hợp lý các danh mục dự trù thuốc do các cơ sở y tế đưa lên, theo đúng các quy định về đấu thầu, chứ không phải là UBND tỉnh hay cơ sở y tế cấp dưới.

Vì SYT đã ưu tiên quá rõ trong danh mục mời thầu cho các loại thuốc nhập khẩu nhóm 1 là những thuốc ngoại độc quyền, nên khi chưa có kết quả đấu thầu nhiều người đã biết các mặt hàng này sẽ tham gia đấu thầu, và trúng thầu với giá bằng hoặc gần bằng giá kế hoạch.

Có thể điểm qua 4 mặt hàng chào thầu như 57.000 lọ Cefoxitin 1g; 20.500 lọ Cefoxitin 2g; 15.100 lọ Cefepim 2g và 36.150 lọ Ceftriaxon 2g… mà người tham gia dự thầu biết chắc chắn mặt hàng sẽ đấu thầu và trúng thầu là các loại thuốc nhập khẩu tương tự, độc quyền.

Chỉ so sánh 4 mặt hàng điển hình này đã thấy sự chênh lệch giá thuốc nội – ngoại, gói lớn gần 7 tỷ đồng gói nhỏ hơn 3 tỷ đồng. Hậu quả của chào thầu hàng độc quyền sẽ gây thất thoát hơn chục tỷ đồng ngân sách. Mà trong danh mục mời thầu thuốc 2017 do SYT xây dựng, còn rất nhiều mặt hàng độc quyền khác, tương tự như trên.

Xây dựng danh mục đấu thầu thuốc, khi ưu tiên hàng độc quyền, không những vi phạm các quy định hiện hành, mà còn đe dọa tính mạng bệnh nhân. Vì trong trường hợp thuốc không được nhập khẩu để cung ứng kịp thời thì bệnh nhân sẽ không có thuốc điều trị. Thực tế này đã xảy ra thường xuyên trong hơn 2 năm qua tại Đắk Lắk, với hàng trăm lần các bệnh viện phải làm văn bản xin mua thuốc cấp bách, khẩn cấp bổ sung.

Đến nay tình hình thiếu thuốc điều trị tại nhiều bệnh viện công trên toàn tỉnh vẫn đang diễn biến nghiêm trọng, tác động tiêu cực đến sức khỏe người bệnh. Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị đã phải chủ trì họp tìm giải pháp xử lý tình trạng thiếu thuốc kéo dài. Điều đó khẳng định một lần nữa việc thiếu thuốc không phải do tỉnh chi thiếu tiền cho y tế, mà do cách điều hành có vấn đề của SYT. 

Trong CV 327 này SYT đã đồng gửi cho Bộ Y Tế, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Sở TT&TT, tại mục III, nội dung 3, trang 3, SYT so sánh nhầm về thuốc, giữa Cefepim với Cefoxitin, và Ceftriaxon với Cefoxitin.

Bất thường cả trong Dự án chăm sóc sức khỏe nhân dân

Liệu đã cầu thị? ảnh 1

Những chồng thùng đựng rác BV từ chối nhận khi chờ được chở đi.

Những năm qua, việc sử dụng nguồn vốn vay lớn của Dự án chăm sóc sức khỏe nhân dân các tỉnh Tây Nguyên qua 2 giai đoạn như thế nào ít người được biết. Tuy nhiên, việc mua sắm vật tư thiết bị từ nguồn tiền này lộ ra những chuyện lạ lùng, khó tin!

Tại BV ĐK tỉnh Đắk Lắk, từ năm 2009, Công ty TNHH Trang thiết bị y tế BMS -nhà thầu của Dự án chăm sóc sức khỏe nhân dân các tỉnh Tây Nguyên (DA CSSKNDTN) giai đoạn I đã “bỏ quên” 2 thiết bị, là một dao mổ điện laser, và một máy gây mê kèm thở. Ngay khi mới giao hàng, dao mổ điện đã bị gãy bánh xe chân đế, còn máy gây mê cũng trục trặc hư hỏng. BV báo cáo SYT đồng gửi văn bản nhắc nhiều lần, Cty BMS vẫn không quay lại  để sửa chữa, bàn giao, hướng dẫn sử dụng. Tới nay, 2 loại máy đắt tiền này tại BVĐK tỉnh Đắk Lắk nguy cơ thành phế liệu.

Còn với DA CSSKNDTN giai đoạn II: Từ tháng 12/2015, ông Hà Văn Thúy giám đốc BQLDA CSSKNDTN giai đoạn II đã ký CV số 290, đề nghị các BV, trạm y tế các xã nghèo lập danh mục trang thiết bị, ghi rõ cấu hình và chỉ tiêu kỹ thuật cần mua sắm trong năm 2016, để BQLDA chào hàng cạnh tranh. Tiếp đó, tháng 3/2016 SYT có văn bản yêu cầu các BV lập nhu cầu đầu tư mua sắm trong mức kinh phí cho phép, gửi về SYT trước ngày 7/4.

Ngày 6/4/2016, BVĐK tỉnh đã gửi Bản đề xuất 4 loại thiết bị vệ sinh cần mua. Trong đó, loại đầu tiên tổng trị giá 60,2 triệu đồng, gồm 43 thùng đựng rác có bánh xe, dung tích 120 lít để đặt trong các khoa phòng, đơn giá 1,4 triệu đồng/chiếc. Ngày 14/2/2017 Giám đốc SYT Doãn Hữu Long ký thông báo số 252 kèm phụ lục gửi các BV tỉnh-huyện-thị-thành, cho biết Công ty cổ phần Thương mại Quốc tế Hoàn Cầu sẽ giao hàng cho các BV từ ngày 20/2 đến 28/2/2017. Trong đó, có 447 “xe thu gom vận chuyển rác thải 240 lít màu xanh”. BVĐK tỉnh được phân 280 cái/447 “xe” này.

 Khi hàng đổ về sân BV trong chiều 20/2/2017, ai nấy mới vỡ lẽ thiết bị có tên khá kêu là “xe thu gom vận chuyển rác thải” này chính là loại thùng rác mà BV đã đề xuất mua, chỉ khác ở chỗ giá của nó là ... ẩn số, số lượng thì gấp 6,5 lần nhu cầu số thùng rác mà BV đã đề xuất, kích cỡ không thể đặt trong các khoa phòng. Vì thế, ngày 20/2/2017 lãnh đạo BVĐK tỉnh phải ký “Bản đề nghị điều chỉnh việc phân bổ thiết bị” số 161 gửi BQLDA các tỉnh Tây Nguyên và Ban giám đốc SYT Đắk Lắk, báo cáo đây “là loại thùng có dung tích quá lớn, BV không sử dụng được”, và dứt khoát trả lại toàn bộ số hàng này.

Dự án chăm sóc sức khỏe nhân dân các tỉnh Tây Nguyên 2 giai đoạn (2004-2009, 2014 – 2019) có tổng số vốn hơn 100 triệu USD, trong đó phần lớn vay ADB. Các BQLDA tuyến tỉnh thuộc Sở Y tế của 5 tỉnh Tây Nguyên gồm Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai và Lâm Đồng. Mục tiêu nhằm hỗ trợ phát triển hệ thống y tế các tỉnh Tây Nguyên, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số và các đối tượng thiệt thòi khác... 

MỚI - NÓNG