Lính biên phòng nơi chóp đảo

Tuần tra bờ biển. Ảnh: Nguyễn Long.
Tuần tra bờ biển. Ảnh: Nguyễn Long.
TP - Đồn biên phòng Xà Lực của Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang, ở phía đông bắc huyện đảo Phú Quốc, địa bàn ấp Đá Chông, xã Bãi Thơm. Nơi chóp đảo ấy, lưng đồn tựa rừng nguyên sinh, mặt hướng ra biển lớn quanh năm sóng vỗ.

Từ trung tâm UBND xã Bãi Thơm tới Đồn Biên phòng Xà Lực hơn 15 km, phải qua đoạn đất đỏ bụi mù. Đang mùa khô nhưng đến đồn không dễ dàng gì.

Khó khăn

Đến đồn Xà Lực trời đã tối nhá nhem. Trung tá Lê Huy Giáp, chính trị viên đồn biên phòng, tiếp bằng giọng thẳng thắn chân tình: “Lát nữa có điện, các anh nhớ cắm sạc các thiết bị điện tử nhé, vì ở đây điện thắp sáng chỉ có 3 tiếng đồng hồ thôi”. Đêm trằn trọc khó ngủ, sóng biển dội ầm ào. Vừa thiếp đi thì tiếng gà gáy, tiếng lịch kịch từ phòng bên khiến chúng tôi tỉnh giấc. Sang phòng bên, chúng tôi thấy một người đội ngọn đèn trên trán đang lúi húi làm gì đó. Trời còn tối om, cái đèn đội trên đầu ngồ ngộ tựa như thợ mỏ. Ai tìm gì nhỉ? Nhẹ nhàng lại gần, hoá ra anh chiến sỹ nuôi quân, binh nhất Nguyễn Nhân Tài, đầu đội đèn pin để chuẩn bị bữa sáng cho cả đồn. Toét miệng cười, anh vui vẻ “đội đèn cho dễ làm việc”.

Bữa sáng ở đồn biên phòng khá đơn giản, chỉ có cơm với cá khô chiên và canh rau. Binh nhất Tài vừa làm vừa kể, do hai ngày trước trời mưa đường lầy lội, đồn ở cách xa chợ nên thức ăn chủ yếu là đồ khô chuẩn bị sẵn. Nói chung, những khi mưa gió, bữa ăn hằng ngày của đồn là thiếu thốn. Ở đây có chuyến xe ba gác của các chị bán rong đẩy tới, khá đắt đỏ và cũng không đều đặn. “Có khi mấy ngày chị bán hàng rong không tới, chúng tôi phải xơi cá khô dài dài”, Tài cho biết.

“Theo như tôi biết, ở hai đồn này còn rất khó khăn thiếu thốn nhưng không được hỗ trợ theo chính sách đặc thù cho bộ đội biên phòng nơi xa xôi thiếu thốn, ít nhất là 70% lương, chẳng hiểu vì sao?”. 

Chủ tịch UBND xã Bãi Thơm Trần Thanh Long

Ở xã Bãi Thơm có một chợ “cóc” gần trụ sở UBND xã, mỗi ngày họp khoảng nửa giờ lúc sáng sớm, cũng chỉ bày bán ít thịt, cá, rau cỏ. Còn cần thịt, cá nhiều hay thực phẩm chế biến, bách hóa và tạp hóa đều phải lên thị trấn Dương Đông cách hơn 40 km. Xong buổi làm việc, bữa cơm trưa ở đồn biên phòng Xà Lực cũng lại cá kho và rau. Trung tá Võ Trường Giang, Phó đồn trưởng đồn, tâm sự: “Bữa ăn hàng ngày, chúng tôi cố gắng đảm bảo đủ chất dinh dưỡng cho anh em nhưng vì quá khó khăn trắc trở nên không tránh khỏi nhiều hôm đạm bạc. Ở xa trung tâm phải chịu nhiều thiệt thòi, có tiền cũng chẳng biết mua gì”.

Ấp Đá Chồng đã có đường điện cao thế đi qua nhưng người dân cũng như đồn biên phòng vẫn chưa có điện vì chưa được hạ thế. Khi không có điện, người dân góp tiền dùng chung một máy phát điện chạy bằng dầu, chi phí rất tốn kém. Đồn Biên phòng Xà Lực có một máy phát điện nhỏ, chỉ sử dụng từ 18 giờ đến 21 giờ mỗi ngày. Chỉ huy đơn vị cho biết, mọi công văn giấy tờ hoặc những công việc cần đến điện phải tập trung làm vào mấy giờ có điện đó.

Trời chợt đổ cơn mưa rào giữa đường chúng tôi đi đến UBND xã Bãi Thơm. Sau cơn mưa, mặt đường có lớp bùn dày, dính bện vào chân người và bánh xe, rất khó đi. Có những lúc, bánh xe trượt dài suýt quăng chúng tôi xuống đường. Trung úy Ngô Anh Dũng cười: “Các anh mới lần đầu chưa quen chứ chúng tôi ở đây quen rồi và đi xe máy bị ngã là thường, chưa ngã chưa phải lính Đồn Biên phòng Xà Lực”. Đôi lúc, xe không ngã cũng không đi được vì bùn dính cứng vào bánh xe, chúng tôi phải kiếm que chọc gỡ bùn mới tiếp tục đi được.

Lính biên phòng nơi chóp đảo ảnh 1

Tặng gạo cho gia đình vợ chồng già neo đơn.

Nhiệm vụ

Đồn Biên phòng Xà Lực có nhiệm vụ chính là phối hợp với các lực lượng hải quân và quân sự, công an địa phương đảm bảo an ninh trật tự địa bàn, bảo vệ chủ quyền thiêng liêng biển đảo Tổ quốc. Nằm ở khu vực gần “vùng nước lịch sử” (cách gọi phân giới trên biển giữa Việt Nam và Campuchia) nên trong nhiều năm qua, Đồn Biên phòng Xà Lực thường xuyên đối mặt, giải quyết các vụ tranh chấp trên ngư trường, trong đó ngư dân say mê đánh cá thường lấn qua lằn ranh khó xác định giữa biển khơi.

Đầu năm 2014, ở vùng nước lịch sử có nhiều tàu cá của ngư dân Campuchia vi phạm ngư trường đánh bắt. Nhận được tin báo, cán bộ và chiến sĩ Đồn Biên phòng Xà Lực có mặt kịp thời và giải quyết êm thấm. Bằng các biện pháp hòa hiếu hữu nghị, đồn biên phòng cố gắng tuyên truyền cho ngư dân nước ngoài biết về Luật Biển để bớt vi phạm. “Trong 6 tháng cuối năm 2014 đến đầu năm 2015, không còn tình trạng vi phạm ngư trường của tàu cá”, Chính trị viên Giáp nói.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Xà Lực thường xuyên tổ chức tuần tra biên giới, cắt cử người túc trực 24/24 giờ, không bị động trước mọi tình huống. Thời gian qua, tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn luôn được đảm bảo còn nhờ vào phương châm gần gũi dân, bám địa bàn. Ông Trần Ngọc Công là Trưởng ấp Đá Chồng nói: “Nhờ có đồn biên phòng thường xuyên tuần tra nên an ninh trật tự tốt lắm”.

Dù còn nhiều khó khăn thiếu thốn, Đồn Biên phòng Xà Lực vẫn luôn làm tốt công tác giúp dân. Trung úy Dũng quê ở Thanh Hóa, năm 2012 tốt nghiệp Học viện Biên phòng về đây làm Đội trưởng Đội vận động quần chúng. Trung úy Dũng cho biết, đơn vị đang giúp ông bà cụ neo đơn ở ấp Đá Chồng mỗi tháng 15 kg gạo. “Mỗi bữa ăn, anh nuôi bốc một nắm gạo cho vào “hũ gạo tiết kiệm”, ngày 20 hằng tháng đem đến nhà ông bà”, anh Dũng nói. Ông Trần Văn Hiệp 87 tuổi và bà Lý Thị Níu 67 tuổi, không có con, người thân. Ông Hiệp là cán bộ kháng chiến nhưng bị tai biến, bà Níu mắc bệnh khớp, đi lại rất khó khăn.

Tình trạng thiếu nước sinh hoạt vào mùa khô ở ấp Đá Chồng cũng như một số ấp ở xã Bãi Thơm khá gay gắt. Bởi việc đào giếng khoan tốn kém, một giếng hơn 60 triệu đồng mà khoan xong chưa chắc đã có nước. “Đơn vị có giếng nên vào mùa khô, chúng tôi luôn bảo nhau sử dụng tiết kiệm để dành chia sẻ với người dân”, trung tá Giáp nói. Bà Từ Thị Hồng 56 tuổi ở ấp Đá Chồng kể, cứ đến mùa khô, giếng cạn, gia đình bà và một số gia đình khác nhờ giếng nước khoan của Đồn Biên phòng Xà Lực. “Nếu không có giếng của đồn, phải mua ở những giếng khác, giá mỗi can 30 lít mua tại chỗ là 1.000 đồng, còn chở đến nhà giá gấp ba lần”, bà Hồng cho biết.

Lính biên phòng nơi chóp đảo ảnh 2

Chiến sĩ nuôi quân đèn pin đội đầu.

Trăn trở

Trung tá Giáp dẫn chúng tôi đi quanh đồn, giới thiệu hồ cá, vườn rau, chuồng nuôi heo… vừa đi vừa nói: “Nhờ tích cực tăng gia, chúng tôi luôn đảm bảo sức khoẻ sẵn sàng chiến đấu”. Chỉ huy Đồn Biên phòng Xà Lực cho biết, ở đây đã khổ mà Đồn Biên phòng Rạch Tràm còn khổ hơn. Hai đồn đều ở xã Bãi Thơm, từ đồn Xà Lực đến đồn Rạch Tràm còn đi khoảng 10 km nữa, đường đá sỏi rất gian nan.

Chủ tịch UBND xã Bãi Thơm, ông Trần Thanh Long, mở ra hy vọng: “Theo kế hoạch của cấp trên thì đầu năm 2015, Điện lực Kiên Giang sẽ hạ thế cho ấp Đá Chồng và Rạch Tràm”. Hy vọng còn ở phía trước, khó khăn thì cận kề và ông Long chợt nói: “Theo như tôi biết, ở hai đồn này còn rất khó khăn thiếu thốn nhưng không được hỗ trợ theo chính sách đặc thù cho bộ đội biên phòng nơi xa xôi thiếu thốn, ít nhất là 70% lương, chẳng hiểu vì sao?”. Chúng tôi hỏi chỉ huy Đồn Biên phòng Xà Lực, được trả lời: “Ở đảo Phú Quốc không đồn nào được hỗ trợ 70% lương. Trong lúc, các đồn ở cảng cửa khẩu An Thới, Dương Đông, Gành Dầu điều kiện sinh hoạt đầy đủ chứ những đồn hẻo lánh nơi chóp đảo đều rất vất vả”.

Hôm rời Đồn Biên phòng Xà Lực, đêm trước mưa nặng hạt nên đoạn đường đất đỏ từ đồn tới bến phà Thạnh Thới nhão nhoẹt, đùn lên mặt đường lớp bùn dày. Đi không nói hết gian nan, chợt nghĩ không biết bao giờ chính sách ưu đãi vượt qua được đoạn đường trắc trở này đề đến với các chiến sỹ đồn biên phòng nơi chóp đảo?.

Post by Báo Tiền Phong.

MỚI - NÓNG
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến (bên phải) trao Quyết định cho bà Nguyễn Vũ Bích HIền.
Thành ủy Hà Nội trao quyết định về công tác cán bộ
TPO - Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội quyết định chuẩn y bà Nguyễn Vũ Bích Hiền (SN 1975), Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, tham gia Ban Thường vụ, giữ chức vụ Phó Bí thư Đảng uỷ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, nhiệm kỳ 2020 - 2025.