Linh hồn xứ Thanh

Cầu Hàm Rồng
Cầu Hàm Rồng
TP - 990 năm Danh xưng Thanh Hóa! Trong tâm hồn những người xứ Thanh xa quê, Danh xưng Thanh Hóa như một điều linh thiêng: Linh hồn xứ Thanh.

XỨ THANH. Xứ không hàm nghĩa địa danh quá cụ thể. Nó nói lên Thanh Hoá ở một vùng nào đó, nghe nó thân thương và văn chương, dân gian lắm: Xứ Lạng, xứ Đoài, xứ Nghệ. Thanh Hóa, nói văn vẻ đi ta gọi xứ Thanh.

ÐẤT THANH

Danh xưng xứ Thanh, tôi nghĩ đến Di tích núi và đền Đồng Cổ ở xã Yên Thọ, huyện Yên Định, biểu tượng của nền văn hóa Đông Sơn rực rỡ. Tôi nghĩ đến Lam Kinh, đất sinh ra Lê Lợi, người anh hùng giải phóng dân tộc vĩ đại thế kỷ XV.

Linh hồn xứ Thanh ảnh 1 Du khách tham quan khu di tích Lam Kinh

Đất Thanh, tôi nghĩ đến thành Nhà Hồ, kinh đô của nhà Hồ mà 7 năm đã làm nên một kỳ tích cải tổ nhà nước quyết liệt và cứng rắn. Tôi nghĩ đến Núi Nưa có đỉnh Am Tiên mà người đời nay coi là đất thiêng có huyệt đạo thiêng trong tâm linh những người Xứ Thanh. Tôi nghĩ đến sông Mã nước chảy ngang trời mà Quang Dũng phải thốt lên: Sông Mã gầm lên khúc độc hành, con sông đã sinh ra Hàm Rồng làm rung động thế giới, nghĩa trang của hơn 100 phản lực Mỹ thế kỷ XX. Sông nuôi dưỡng hồn thơ của những nhà thơ nổi tiếng xứ Thanh: Hữu Loan, Thôi Hữu, Nguyễn Duy, Vương Anh, Văn Đắc, Anh Chi, Huy Trụ...

Đất thiêng ấy đã phát tích 4 triều vua (Tiền Lê, Hậu Lê, Hồ, Nguyễn) và hai dòng chúa (Trịnh, Nguyễn). Tôi nghĩ đến con số 1.535 di tích lịch sử văn hóa có giá trị, trong đó 134 di tích đã xếp hạng quốc gia, riêng thành nhà Hồ là di sản văn hóa thế giới.

Tại sao năm 1947, trong những điều kiện khó khăn của cuộc kháng chiến, Bác Hồ lại sớm về thăm Thanh Hóa. Xứ Thanh đất rộng người đông, tiềm lực và vị trí quan trọng cho kháng chiến chống Pháp.

Tại sao nói: Thanh thế, Nghệ thần. Sáu vương triều phải đặt ở đất Thanh, tại sao?

Lâu rồi, một thời, tôi không hiểu tại sao Thanh Hóa có nhiều đền thờ Lý Thường Kiệt (Đền thờ ở Hà Ngọc, Hà Trung; ở xã Văn Lộc, Hậu Lộc; ở xã Yên Trung, Yên Định; ở Lạch Bạng, Tĩnh Gia…), có Lễ hội Đền thờ Lý Thường Kiệt hàng năm ở Hà Ngọc, Hà Trung... Thì ra vị Tổng trấn Thanh Hóa Lý Thường Kiệt ấy có nhiều công với Thanh Hóa và gốc gác gia tộc ông cũng ở xứ Thanh.

Danh xưng Thanh Hóa có từ đâu và ai đặt thì nó cũng nâng tầm trí tuệ và trách nhiệm người xứ Thanh lên rất nhiều. Bây giờ ta biết Danh xưng Thanh Hóa để có ngày hội lớn hàng năm từ 8/5/2019. Danh xưng Thanh Hóa, như quyền lực xứ Thanh một thời. Ngẫm lại từ năm 1400 đến năm 1858, gần 5 thế kỷ, quyền lực xứ Thanh là nhân tố then chốt trong dòng chảy của lịch sử Việt Nam. Các dòng họ thay nhau cai trị mảnh đất chữ S đều phát tích từ xứ Thanh: Họ Hồ, họ Lê (Lê Sơ và Lê Trung hưng), họ Trịnh, họ Nguyễn... đã định hình lịch sử Việt Nam Trung đại Cận đại và Hiện đại.

LINH HỒN THANH

Linh hồn Thanh, tôi nghĩ đến đất ấy đã sinh ra hơn 1.600 nhà khoa bảng từ Tiến sĩ đến Hương cống, Cử nhân với 51 dòng họ ở 16 huyện thị làm xứ Thanh rạng danh một thời khi đã có chế độ thi cử thời phong kiến.Đông nhất là họ Nguyễn 587 người và họ Lê 426 người qua các triều đại... Linh hồn Thanh có những người tài ấy.

Linh hồn Thanh, là những Anh hùng Liệt sĩ xứ Thanh trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Hơn 50.000 người con xứ Thanh đã ngã xuống trong hai cuộc kháng chiến ấy. Nhiều người rất tiêu biểu. Chống Pháp có Tô Vĩnh Diện, chống Mỹ có Lê Mã Lương, bảo vệ biên giới có Lê Đình. Liệt sĩ Điện Biên trên đồi A1 nhiều nhất là người xứ Thanh. Danh sách TNXP liệt sĩ đông nhất là người Thanh Hóa...

Truyền thuyết về những người xứ Thanh, đất Thanh: Truyền thuyết về Hòn Nẹ, về núi Ngọc Hàm Rồng, Linh hồn Thanh trong truyền thuyết về Từ Thức, thần Độc Cước, Mai An Tiêm, Thành hoàng làng Xuân Phả, Thần Đổng Cổ và vua Hùng, truyền thuyết về Bà Triệu, về Lê Hoàn, về Hồ Quí Ly, về Lê Lợi và khởi nghĩa Lam Sơn, về bà Ngô Thị Ngọc Dao, về Lê Đình Kiên (người xứ Thanh đã chủ trì xây dựng Phố Hiến ngày xưa) vv... Người xứ Thanh đã tạo ra truyền thuyết để linh hồn Thanh sống mãi với văn hóa làng, với con cháu.

Chỉ có đất Thanh mới có nhân vật Trạng Quỳnh. Diễu vua mà vua không thể chém được, xỏ chúa mà chúa im lặng. Trạng Quỳnh là một dạng linh hồn Thanh.

Linh hồn Thanh, tôi nghĩ đến Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, khi ông nói: “Ai quên quá khứ là quên chính mình” (Trang 4, Lê Khả Phiêu, Những điều tâm đắc).

Linh hồn Thanh, tôi nghĩ đến ông Lê Huy Ngọ, người đã ngoài 80 xuân vẫn còn đắm đuối với quê Thanh. Nguyên Bí thư Tỉnh ủy hai tỉnh Vĩnh Phú và Thanh Hóa, nguyên Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, nguyên Phó ban Tổ chức T.Ư, bây giờ là Trưởng ban đồng hương Thanh Hóa tại Hà Nội. Ông đã đến tuổi được an nhàn thư thái, nhưng vẫn chịu khó đi về đất Tĩnh Gia, về xã Hải Thanh để giải thích cho dân Hải Thanh biết rằng giải phóng mặt bằng Hải Thanh cần thiết cho Hóa lọc dầu Nghi Sơn thế nào. Linh hồn Thanh, tôi nghĩ đến ông Nguyễn Dy Niên, nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, con người mang linh hồn Thanh rõ nét, khi ông nói về lịch sử Việt Nam là lịch sử xứ Thanh với gần 500 năm chinh chiến. Mà từ thuở mang gươm đi mở cõi, những bậc tiền khởi nhà Nguyễn đã mang theo linh hồn Thanh.

Danh xưng xứ Thanh, tôi nghĩ đến Vua Bà Triệu Trinh Nương với câu nói hùng hồn: “Tôi muốn cỡi cơn gió mạnh, đạp bằng sóng dữ... chứ không muốn khom lưng làm tỳ thiếp người ta”.

Linh hồn Thanh, là Lê Văn Hưu khi ông viết “Đại Việt sử ký” mà 250 năm sau, Ngô Sĩ Liên làm cơ sở viết nên bộ sử “Đại Việt Sử ký toàn thư”, để giờ cần gì đến chuyện xưa, người đời đem tra cứu. Ngô Sĩ Liên phải thốt lên:  “...Văn Hưu là bậc cổ lão của Thánh triều ta. Lê Văn Hưu vừa có tài, vừa có hạnh, làm thầy Chiêu Minh Vương, đổi làm Kiểm Pháp Quan, sửa sách Việt chí...”.

Sức mạnh linh hồn Thanh làm cho những người xứ Thanh làm vang danh xứ sở không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới.

Sức mạnh linh hồn Thanh kết nối những người xứ Thanh ở bốn phương lại thành một cái địa chỉ rõ nét mà không rõ nét: Đồng hương Thanh Hóa. Hầu như tất cả các tỉnh thành trên cả nước này đều có Hội đồng hương. Không ai bảo ai nhưng mà họ tự kết nối lại khi vui buồn đều có nhau. Có người nói, Hà Nội đất kinh kì phồn hoa đô hội nhất Việt Nam có khoảng trên một triệu người xứ Thanh. Chưa ai thống kê, nhưng riêng sinh viên xứ Thanh ở Hà Nội, tôi ước tính không dưới vài vạn cháu, mà Ban liên lạc sinh viên Thanh Hóa tại Hà Nội hoạt động mạnh đến mức được T.Ư Đoàn cấp bằng  khen. Các cháu tự nguyện tiếp lửa cho quê Thanh mỗi mùa hè về, tự nguyện về các vùng xa xôi mỗi độ Đông về để mang áo ấm cho trẻ em, cho dân bản núi cao tỉnh Thanh. Tiền đâu, sức đâu làm việc ấy. Linh hồn Thanh đã thôi thúc các cháu làm những việc lớn.

Bây giờ dân xứ Thanh mới biết đến Danh xưng Thanh Hóa có từ thế kỷ thứ XI, từ khi quan Tổng Trấn Lý Thường Kiệt vâng lệnh nhà Lý đặt tên châu Ái thành tên Thanh Hóa. Để rồi xứ Thanh có một ngày sinh nhật chung 8/5 hàng năm...Điều đó tuyệt vời, nhưng ngay cả trước đó, khi chưa biết những sự thật lịch sử đó thì người dân xứ Thanh ở bốn phương vẫn cứ nghe đến người xứ Thanh, nghe cái giọng mô tê răng rứa ngang ngang, ngái ngáiấy, là kết nối nhau lại lập thành hội. Để rồi, mỗi độ xuân về, mỗi Tết ngồi với nhau, hỏi: đã về quê chưa?

Phải làm sao người xứ Thanh ở bốn phương tạo thành một sức mạnh, kết nối lại để hướng về quê nhà. Ông Lê Huy Ngọ, một trong những người  xứ Thanh tiêu biểu đã nói thế, và đó vẫn là một nhiệm vụ đang ở phía trước.

Mười năm nữa, những người xứ Thanh U60, U70, U80 bây giờ biết ai còn ai mất nhưng những người U30, U40 và U50 đã độ chín về trí tuệ, độ chín về tài năng, nhiều người sẽ làm lãnh đạo tỉnh, tham gia lãnh đạo đất nước. Thế kỷ XXI là của những người độ tuổi ấy, trẻ và sung sức. Khu kinh tế Nghi Sơn sẽ phát huy tác dụng ở mức tối đa, sân bay Sao Vàng liệu có chật không, rồi sẽ biết, bãi biển Sầm Sơn có rộng thêm không, rồi sẽ biết nhưng cái ngày của 1.000 năm Danh xưng xứ Thanh nhìn từ linh hồn Thanh ấy sẽ làm cho sức mạnh linh hồn Thanh nhân lên gấp bội.

Hà Nội tháng 4 năm 2019

Linh hồn Thanh, có trong bộ Thiên cổ hùng văn Đại cáo Bình Ngô mà Đại thi hào Nguyễn Trãi, người thư ký vĩ đại của thời đại Lê Lợi đã thay mặt Lê Lợi viết nên câu văn vang vọng trời Nam: Ta đây, núi Lam Sơn dấy nghĩa, chốn hoang dã nương mình, ngẫm thù lớn há đội trời chung, căm giặc nước thề không cùng sống...

MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.