Lính Trường Sa kết lá dừa thành vòng hoa viếng Đại tướng

Lính Trường Sa kết lá dừa thành vòng hoa viếng Đại tướng
Người dân đảo Trường Sa dâng trái cây, thậm chí cả mẻ cá vừa đánh được trước bàn thờ Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Còn lính đảo Sinh Tồn đã cùng nhau lấy lá dừa kết thành vòng hoa kính viếng vị tướng của dân tộc.

Lính Trường Sa kết lá dừa thành vòng hoa viếng Đại tướng

> Bắt đầu lễ viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp

> Vinh dự được chở một con người vĩ đại 

Người dân đảo Trường Sa dâng trái cây, thậm chí cả mẻ cá vừa đánh được trước bàn thờ Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Còn lính đảo Sinh Tồn đã cùng nhau lấy lá dừa kết thành vòng hoa kính viếng vị tướng của dân tộc.

Cờ rủ được treo ở đảo Sinh Tồn. Ảnh: T.S
Cờ rủ được treo ở đảo Sinh Tồn. Ảnh: T.S.
 

Cũng như ở đất liền, những người lính ở Huyện đảo Trường Sa cùng người dân đang tất bật lập bàn thờ, chuyền tay nhau những dải băng tang để cùng tưởng nhớ tới Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Ở đảo Sinh Tồn, từ sáng sớm ngày 11/10, đảo trưởng - Thiếu tá Trịnh Công Lý đã cùng nhiều binh lính lấy lá dừa kết thành vòng hoa dâng lên Đại tướng. "Dù không được đẹp như những vòng hoa mà trong đất liền đặt ở tiệm, nhưng anh em chúng tôi dâng lên Người với tất cả tấm lòng tôn kính. Đại tướng chính là linh hồn của đảo", ông Lý nói giọng tự hào.

Bàn thờ được lập ngay tại trụ sở UBND để tất cả lính đảo cũng như người dân tới thắp hương tiễn đưa Đại tướng về nơi an nghỉ. Sáng nay, nhiều người dân trên đảo Sinh Tồn cũng mang hoa quả đến trưng lên bàn thờ, đầy kính cẩn. Đến trưa, thời điểm treo cờ rủ, vẻ kính cẩn ấy lại càng nhân lên, nhiều người rơi nước mắt. Lễ viếng Đại tướng ở đảo sẽ được tổ chức theo giờ quốc gia, đúng 7h30 ngày 12/10, tất cả quân và dân trong đảo sẽ tập trung về trụ sở UBND để cùng dâng hương.

"Đơn vị đã mượn được chiếc tivi có màn hình lớn nhất đảo, treo trong phòng thờ để mọi người cùng theo dõi trực tiếp lễ truy điệu Đại tướng ở Hà Nội, TP HCM và Quảng Bình", Thiếu tá Lý cho hay.

Lính đảo Trường Sa chuẩn bị bàn thờ viếng Đại tướng. Ảnh: T.S
Lính đảo Trường Sa chuẩn bị bàn thờ viếng Đại tướng. Ảnh: T.S.
 

Vì ở đảo xa nên thông tin cập nhật cũng chậm hơn so với đất liền. Ông Lý cho biết, Đại tướng mất hôm 4/10 nhưng mãi hôm sau mới biết thông tin "Dù biết Đại tướng đã lớn tuổi, cũng phải tuân theo quy luật sinh tử, nhưng khi nghe tin ông mất anh em chúng tôi không khỏi bàng hoàng. Đau như mình vừa mất đi một người thân vậy", vị đảo trưởng nói.

Ông Lý kể thêm, dù chưa lần nào được gặp Đại tướng, song qua từng trang sử của dân tộc ông luôn dành sự tôn kính, yêu thương đặc biệt với vị tướng tài ba. "Đại tướng không chỉ là một người chỉ huy, một người thầy tài giỏi, đức độ mà với tôi ông còn là một thần tượng. Tôi cũng đang là một người chỉ huy, dù chỉ ở cấp độ nhỏ thôi, tôi luôn lấy ông làm tấm gương để học hỏi, phấn đấu", ông Lý nói.

Tương tự, ở đảo Trường Sa, từ trưa 11/10, khắp các nơi, lá cờ tổ quốc đã rủ xuống trước biển với dải băng tang buộc ngang. Quân và dân trên đảo cùng nhau lập bàn thờ, người làm ảnh, người treo cờ, sửa soạn lại căn phòng nơi đặt di ảnh Đại tướng. Nhiều người dân cũng mang đến những mâm trái cây ngon nhất mà họ có, thậm chí có người vừa kéo được mẻ cá tươi cũng đưa đến "mời Đại tướng".

"Dân đảo chúng tôi giản dị lắm, có cái gì thì mời Đại tướng cái đó. Dù nghèo nhưng tấm lòng rất chân thật", Thượng tá Phạm Văn Hòa, đảo trưởng đảo Trường Sa nói.

Ông Hoà cho biết, một phòng lưu niệm về Đại tướng đã được lập ra. Ai có ảnh, sách về Đại tướng đều mang đến góp. Những bài viết, những mẩu chuyện về ông mà mọi người cắt ra từ các tờ báo được treo ở góc trang trọng nhất trong phòng thờ. Đài phát thanh của đảo liên tục phát những câu chuyện cảm động về cuộc đời của Đại tướng cho quân dân cùng nghe.

"Đại tướng mất đi là mất mát lớn của cả dân tộc. Những ngày này ai ai trên đảo cũng mong ngóng tin tức về lễ tang của Đại tướng. Thấy người dân cả nước đang đổ về Hà Nội, Quảng Bình để viếng ông, chúng tôi xúc động lắm. Điều kiện không cho phép ra tận nơi viếng, nhưng chúng tôi luôn hướng về đất liền, về Đại tướng", ông Hòa nói. "Chúng tôi hứa sẽ đem hết sức mình, ngày đêm bảo vệ và giữ gìn những thành quả cách mạng của đại tướng và dân tộc để lại. Trước di ảnh của Người anh em chúng tôi thề sẽ giữ vững chủ quyền biển đảo của đất nước".

Còn ở đảo Song Tử Tây, ngoài việc tổ chức lễ tang Đại tướng, quân và dân đang tham gia cuộc thi "Viết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp" do đảo tổ chức. Những tình cảm tốt đẹp nhất đã được những người lính, người dân vùng biển ghi lại một cách trân trọng.

Trao đổi với PV, lãnh đạo Huyện đảo Trường Sa cho biết, các xã đảo, thị trấn đã lập bàn thờ và sẽ tham gia lễ viếng và lễ truy điệu Đại tướng Võ Nguyên Giáp theo đúng nghi thức quốc gia. Ngay sau khi nghe tin ông mất, Lữ đoàn 146 đã phát động chương trình "Biến đau thương thành hành động" trên tất cả các xã đảo và thị trấn.

"Để tưởng nhớ công lao của Đại tướng, toàn quân và dân huyện đảo sẽ tích cực làm thật nhiều việc tốt, có ích cho đảo, cho đất nước để đền đáp công ơn đó", vị này cho biết.

Theo Nguyễn Loan
Vexpress

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG