Linh vật Hòn Hèo

Toàn cảnh xã Ninh Vân nhìn từ đỉnh núi Hòn Hèo.
Toàn cảnh xã Ninh Vân nhìn từ đỉnh núi Hòn Hèo.
TP - Hòn Hèo là ngọn đại hùng sơn ở xã Ninh Vân, TX. Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa - quê hương của cây thần dược xáo tam phân từng được Viện Dược liệu - Bộ Y tế công nhận có khả năng tiêu diệt 5 dòng tế bào ung thư vào năm 2012. Nhưng ít ai biết rằng, Hòn Hèo là quê hương của loài voọc chà vá chân xám quý hiếm.

Ðược biết, loài voọc ở nơi đây từng bị săn lùng nhưng nay lại được người dân địa phương nhất nhất bảo vệ. Nhờ vậy mà ở Hòn Hèo, voọc sống thuận hòa với người, chúng đang hồi sinh và đích thực là  ngọc quý sống động ở bán đảo này.

Nằm ở phía Nam đầm Nha Phu, bán đảo Hòn Hèo có diện tích hơn 3.100ha, trải rộng trên địa bàn các xã Ninh Phú, Ninh Phước và Ninh Vân. Nơi đây có rất nhiều sản vật núi rừng trứ danh mà nổi tiếng nhất là cây xáo tam phân và trầm hương, nhưng sẽ thiếu sót nếu không nhắc đến nhiều loại động vật quý hiếm ở vùng rừng này như phượng đất và culi nhỏ. Hai loài này đã được Viện Ðiều tra quy hoạch rừng của Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn ghi nhận là loài động vật cực kỳ quý hiếm, có tên trong Sách đỏ Việt Nam và thế giới.

Ấn tượng

Trên hành trình đến với Hòn Hèo, chúng tôi gặp y sinh Tuệ Lâm, anh mở đầu câu chuyện về voọc Hòn Hèo bằng nhiều tâm tình. Là người địa phương, nhiều lần lăn lộn ở Hòn Hèo nghiên cứu về các loại thảo dược cao sơn, Tuệ Lâm cho biết anh đã có vài lần gặp voọc. Lần gặp gần đây nhất hơn 1 năm: “Bận ấy, tôi được anh Trà Văn Hải là Bí thư Ðảng ủy xã Ninh Vân đưa lên một trong những mỏm núi hợp thành dãy quần sơn Hòn Hèo, nhận dạng về cây xáo tam phân nhằm mục đích nhân giống bảo tồn. Trên hành trình này, tôi nghe voọc hú gọi bầy. Theo hướng chỉ tay của anh Hải, qua ống nhòm, tôi thấy có những đàn voọc 5-7 con với màu lông đen tuyền chuyền cành trông rất ấn tượng”.

Ðến Hòn Hèo, lang thang qua các mảng núi rừng thâm u ven biển, qua tiếp cận với cư dân bản địa, chúng tôi nghe từ họ nhiều chuyện ly kỳ về voọc - linh vật của bán đảo Hòn Hèo. Người thì bảo voọc hiền, thân thiện. Người khác thì kể nhiều chuyện về những lần họ chạm trán voọc giữa rừng sâu, thấy voọc mẹ ôm con, nựng con, cho con bú… mà rưng rưng trước tình mẫu tử của loài thú hoang. Thú vị nhất là câu chuyện về những trận thư hùng của các chàng voọc choai choai để lấy le với các cô nàng voọc cái. Trận chiến máu lửa, chí mạng chỉ khép lại với sự nhe răng của con voọc thủ lĩnh to lớn, thân mình đen, đuôi trắng, mặt xanh to lớn khác thường…

Linh vật Hòn Hèo ảnh 1

Ðường vào vương quốc voọc chà vá chân xám.

“Ðàn voọc con nào con nấy đều một màu lông đen rất khó phân biệt đâu là đực cái. Nhưng dù thế nào thì voọc đầu đàn mà bà con quen gọi voọc chúa, rất dễ nhận biết. Trong đàn, nó nổi bật với vóc dáng to lớn, đuôi lúc nào cũng chĩa thẳng lên trời, luôn đứng tách bầy quan sát, nghe ngóng mọi động tĩnh để báo động cho bầy đàn. Khi bị một voọc trai trẻ nào đó đánh bại và soán ngôi, voọc chúa sẽ tách bầy đàn vào rừng sống lầm lũi đến khi chết” - ông Trần Lợi (52 tuổi, ngụ thôn Ðông, xã Ninh Vân) giọng hào hứng.

Thung lũng Ba Cô, mũi Ðá Chồng, đá Bót Gác, mũi Hòn Cỏ, núi Ðá Trải, dốc Rồng, hòn Ông… là những địa danh bên biển bên rừng ở Hòn Hèo từng được người dân địa phương tiết lộ trong quá khứ. Họ đã từng gặp loài voọc quý chà vá chân đen, gọi bầy… Theo các bậc lão niên, thời bấy giờ, trước những năm 1990, người dân địa phương kiếm tìm sinh kế ở biển, chẳng ai nghĩ đến chuyện đặt bẫy hay vác súng vào rừng khạc đạn giết voọc làm gì.

Linh vật Hòn Hèo ảnh 2

Một bộ xương voọc được kiểm lâm phát hiện trong chiến dịch truy quét.

Săn bắt

Ông Trấn Ích (76 tuổi, ngụ thôn Tây, Ninh Vân) nói: “Voọc là loài linh trưởng rất gần với người, đựơc xem như là tổ tiên của loài người. Vì rất gần với người nên voọc có dáng đi, tập quán sinh trưởng, cho con bú, nuôi con gần như người. Ngày trước rộ lên nạn sát voọc, các tay săn đổ về đây săn voọc. Ngay sau khi chiến dịch truy quét của biên phòng và kiểm lâm, thi thoảng bắt quả tang những kẻ giết voọc bên những con vật gần gũi với họ nhà người bị bắn chết, bị thui lông mổ bụng. Thấy kinh hãi lắm”.  

Ðiểm lại những tháng ngày đã qua, cái thời mà voọc ngày ngày chết thảm dưới họng súng, bẫy bọng của cánh phường săn để rồi sau đó trở thành những khối cao đen sì được người ta gán cho các tác dụng thần kỳ bổ xương cốt - tráng kiện mạnh dương, mà sầu lòng. Giai đoạn khủng khiếp nhất với loài voọc kéo dài trong cả thập niên (1990- 2000). Thậm chí năm 2011, theo thống kê của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Khánh Hòa, Hòn Hèo xảy ra 6 vụ săn bắn, vận chuyển voọc với nhiều cá thể voọc bị tấn công, sát hại, nhưng đây chỉ là những vụ đuợc phát hiện bắt quả tang, còn những vụ săn chui thì khó kể, đếm.

Hồi sinh

“Ngày trước, khi chưa rộ lên nạn săn bắn, voọc sống chung với người, sinh sôi bầy đàn đông đúc nhiều vô kể. Nhiều khi tôi đi rừng, thấy chúng chuyền cành,  di chuyển đông đúc như những cơn lốc đen. Rồi đại hồng thủy ập đến, từ quân đàn đông đúc, có thời điểm nghe đâu đàn voọc chỉ còn tròm trèm khoảng ngoài 100 con. Bây giờ thì khác rồi, đàn voọc nay đã hồi sinh”, thầy Trần Tiếp - Hiệu trưởng Trường tiểu học Ninh Vân trò chuyện.

Bây giờ, trong câu chuyện của những cư dân cố cựu ở bán đảo Hòn Hèo với tâm điểm là xã đảo Ninh Vân, chuyện về voọc, không còn những câu chuyện mang hơi hướng thương đau, sát khí, nhói lòng. Những chuyện voọc mẹ bị bắn chết rớt từ trên cây cao với voọc con còn ngậm vú mẹ thở thoi thóp. Hay chuyện voọc cái dính bẫy, voọc đực kêu khóc thảm thiết không rời… chuyện đó bây giờ chỉ còn là bóng hình của một thời quá vãng.

"Ngày càng có nhiều người làm rẫy bắt gặp lại dáng voọc sau khoảng thời gian dài vắng bóng. Thậm chí có lần chúng kéo bầy đàn đông đúc đến resort Ninh Vân khiến du khách quốc tế rất bất ngờ”.

Ông Trà Văn Hải 

“Voọc là loài thân thiện với người, nhưng sau những gì đã qua, chúng rất sợ người. Và sau những cơn ác mộng, giờ đây khi được bảo vệ, dường như chúng đã tha thứ cho những lỗi lầm của con người. Chúng dạn dĩ hơn, gần gũi hơn. Ngày càng có nhiều người làm rẫy bắt gặp lại dáng voọc sau khoảng thời gian dài vắng bóng. Thậm chí có lần chúng kéo bầy đàn đông đúc đến resort Ninh Vân khiến du khách quốc tế rất bất ngờ”, ông Trà Văn Hải - Bí thư Ðảng ủy xã Ninh Vân rạng ngời nét mặt nói.

Linh vật Hòn Hèo ảnh 3

Ông Hải cũng có lời rằng, thời khắc kinh hoàng của loài voọc khép lại đã lâu bằng chiến dịch truy quét trên diện rộng của Bộ đội Biên phòng tỉnh Khánh Hòa vào đầu năm 2002. Cũng từ sau chiến dịch này, số phận loài voọc chà vá bắt đầu có hướng rẽ theo chiều tươi sáng. Trong rất nhiều đàn voọc được người dân nhìn thấy, có nhiều voọc con. Ðàn voọc đang dần trở lại và đang sinh sôi nảy nở.

Bên vách núi dựng đứng như bức tường thành vững chãi ưỡn ngực hứng gió Ðông, bên vực thẳm thâm sâu với đại dương bao la ở phía trước, nghe nhiều người tả cái cảm giác được thả mình ở nơi biển rừng giao hòa hoang dã, thâm u giữa ngàn thanh âm sóng vỗ, gió reo, chim kêu voọc hót… mà mê.  Những gì ghi nhận được về loài động vật cầm tinh trong năm 2016 này đủ để thấy rằng chúng thật sự ấn tượng, đích thực là những viên ngọc đen bí ẩn ở bán đảo Hòn Hèo.

MỚI - NÓNG