'Lô cốt' xuất hiện ồ ạt trên đường phố

'Lô cốt' xuất hiện ồ ạt trên đường phố
TP - Sau một thời gian vắng bóng, gần đây, rào chắn công trường (người dân gọi là “lô cốt”) lại xuất hiện khá dày đặc trên nhiều tuyến đường khu vực trung tâm TPHCM gây phiền hà cho người dân và ùn ứ giao thông nhất là vào giờ cao điểm.

> Giảm tắc nghẽn nhưng ùn ứ chưa giảm
> Ùn tắc giao thông: Áp dụng CNTT và phạt nặng

1 tuyến đường = 5 “lô cốt”

Từ nhiều ngày nay, cứ khoảng 14h chiều, mặc dù chưa đến giờ cao điểm, nhưng giao thông trên tuyến đường Nơ Trang Long (quận Bình Thạnh) bị ùn ứ.

Tuyến đường này là cửa ngõ phía Đông, nối bến xe Miền Đông, Quốc lộ 13 với các quận Bình Thạnh, Gò Vấp, Phú Nhuận và khu vực trung tâm thành phố, người xe nườm nượp ngày đêm.

Đường Nơ Trang Long được rào chắn đến 5 đoạn, mỗi đoạn dài trên 10m để thi công xây dựng cầu Băng Ky, cầu Đỏ và một số công trình khác như hệ thống thoát nước trên đường Nguyễn Xí, Vũ Ngọc Phan…Có lô cốt chiếm dụng hơn nửa bề rộng mặt đường. Xe hai bánh, ô tô chen chúc, khó nhọc khi đi qua những đoạn đường bị thắt cổ chai.

Cũng thuộc quận Bình Thạnh, đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (phường 25) - con đường độc đạo nối trung tâm thành phố với bán đảo Thanh Đa mấy tháng nay cũng bị rào hơn nửa chiều rộng để thi công dự án cầu Kinh.

Đường Điện Biên Phủ thông thoáng, gần đây cũng xảy ra ùn ứ do rào đường thi công cầu vượt bằng thép tại vòng xoay Hàng Xanh.

 Dựng “lô cốt” để ngủ?. Ảnh: H.T.
Dựng “lô cốt” để ngủ?. Ảnh: H.T.

Tại khu vực trung tâm, giao lộ Võ Thị Sáu - Lý Văn Phức (quận 1) mời đây cũng được rào lại để thi công dự án Cải thiện vệ sinh môi trường. Nhiều tuyến đường khác như Nguyễn Thái Học, Phan Đình Giót... cũng tái xuất “lô cốt”.

Theo Thanh tra Sở Giao thông Vận tải (GTVT), trên địa bàn TPHCM hiện có trên 50 vị trí rào chắn trên 20 tuyến đường phục vụ thi công các công trình, trong đó dự án rào đường nhiều nhất là Nâng cấp đô thị (lưu vực Tân Hóa-Lò Gốm) với 13 vị trí trên hai tuyến đường.

Điều đáng nói, nhiều nhà thầu ngang nhiên rào đường khi chưa có giấy phép, để vật liệu, đất đá, rơi vãi ngoài công trường, không bố trí đủ rào chắn, biển báo, thi công gây sạt lở, bơm nước ra đường gây nguy hiểm cho người qua lại và không hoàn trả theo nguyên trạng khi thi công xong.

Trong tháng 10-2012, Thanh tra Sở GTVT đã kiểm tra 55 vị trí rào chắn, phát hiện và xử lý 79 trường hợp vi phạm.

“Con kiến kiện củ khoai?”

Theo Sở GTVT, trong năm 2012, TPHCM sẽ tiến hành đào khoảng 100km mặt đường để thi công các công trình cấp, thoát nước, điện lực, viễn thông.

Ông Bùi Xuân Cường, Phó giám đốc Sở cho biết công trình cầu vượt tại vòng xoay Hàng Xanh, Ngã tư Thủ Đức sẽ hoàn tất trước Tết Qúy Tỵ, hàng rào công trường sẽ dỡ bỏ.

Tuy nhiên, nhiều công trình ì ạch nên rào chắn liên tục được gia hạn. Đơn cử: dự án cầu Kinh gia hạn hai lần, rào chắn giao lộ Võ Thị Sáu - Lý Văn Phức gia hạn một lần…

Việc rào chắn dây dưa tháng này qua tháng kia còn khiến nhiều hộ kinh doanh bị thiệt hại nặng nề.

Ông Võ Văn Phúc, chủ quán cơm bình dân trên đường Nơ Trang Long (phường 13, quận Bình Thạnh) ngán ngẩm: Lô cốt dày đặc. Trời nắng thì bụi mịt mù, mưa xuống lầy lội, trơn trượt. Rào chắn dựng ngay phía trước, muốn vào nhà phải men theo hàng rào, con đường dưới gồ ghề, lún sụt. Sơ sẩy là rơi xuống hố như chơi. Quán bị “phong tỏa”, cả tháng nay phải đóng cửa nhưng tiền thuê mặt bằng 5 triệu đồng/tháng vẫn phải trả.

“Kể từ khi “lô cốt” xuất hiện, doanh thu sụt giảm 50-70%. Không có lối vào, mất chỗ để xe, khu vực chật hẹp, bụi bặm nên ai qua đây cũng muốn nhanh chóng thoát khỏi khu vực bị kẹt xe, còn tâm trí đâu để mua hàng nữa” - chị Phạm Thị Hồng, chủ shop thời trang AT trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh nói.

Người dân đã nhiều lần “cầu cứu” nhưng chính quyền địa phương bất lực, khuyên người dân kiện ra tòa đòi bồi thường.

Chị Hồng cho biết: Dù bức xúc nhưng chúng tôi chẳng thể làm gì vì sợ kiện nhầm củ khoai. Nhìn vụ kiện của ông Lang ở quận 1 nên chúng tôi không dám kiện ai.

Ông Nguyễn Văn Lang, chủ nhà 12/7 Nguyễn Huy Tự (phường Đa Kao, quận 1) là người đầu tiên kiện ra tòa đòi Sở GTVT và nhà thầu thi công bồi thường vì thi công gây lún nứt nhà và dựng rào chắn trên đường Hoàng Sa khiến quán ăn đóng cửa vì không có khách.

Ông Lang cho biết vụ án được TAND TPHCM thụ lý từ ngày 5-2-2010, sau đó tạm đình chỉ vì chờ thủ tục ủy thác tư pháp cho nhà thầu nước ngoài.

Tháng 5-2012, tòa án tiến hành hòa giải nhưng không thành vì Sở GTVT (bị đơn) chỉ đồng ý bồi thường hư hỏng căn nhà hơn 31,5 triệu đồng (theo kết quả kiểm định của Công ty Kiểm định Xây dựng Sài Gòn). Còn thiệt hại từ việc đóng cửa quán ăn do lô “cốt” thì Sở không đồng ý bồi thường.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG