Lò gạch thủ công đua nhau đào khoét sông Hồng

Lò gạch thủ công đua nhau đào khoét sông Hồng
TP - Nằm san sát ngay gần bờ sông Hồng, hàng chục lò gạch thủ công như những chiếc nấm khổng lồ trên địa bàn xã Tráng Việt huyện Mê Linh- Hà Nội đang ngày đêm đua nhau tỏa khói, đào khoét và “ăn” dần khu đất bãi bồi của dòng sông.

Đường vào xã Tráng Việt bụi đất mù mịt vì hàng ngày có quá  nhiều xe ôtô các loại chở nguyên vật liệu và gạch ngói.

Không cần phải hỏi đường, chỉ cần bám theo những chiếc xe tải này có thể tìm đến được khu “vương quốc” của những lò gạch thủ công.

Không chỉ nhiều về quy mô (với trên 30 lò gạch thủ công nằm sát nhau - PV), nghề sản xuất gạch ở đây khá quy mô với sức tiêu thụ rất cao.

Các lò gạch ở đây còn được chia ra các khu vực sản xuất khác nhau như: khu lò, khu khai thác đất, khu ép gạch, khu sân phơi, khu lán ở dành cho người làm công...

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay do quá trình khai thác lấy đất làm gạch đã cạn kiệt, một số chủ lò gạch cho máy xúc sang đào bới bờ sông Hồng.

Đó là chưa kể đến việc một số lò còn lợi dụng việc làm gạch để khoét đất bán cho các chủ thầu chuyên san lấp mặt bằng xây dựng, khiến rất nhiều diện tích trở thành những ao hồ, đầm rộng tới hàng trăm mét.

Những hố này sau những trận mưa nước đọng lại trở thành những ao hồ nhân tạo. Nhiều chỗ bờ sông bị cào xé dẫn đến sạt lở và xói mòn nghiêm trọng, bờ sông đã loang lổ với những bãi sụt lở.

Qua tìm hiểu không chỉ ở xã Tráng Việt mà ngay một số xã lân cận như Văn Quán những lò gạch thủ công “mọc” lên rất nhiều. Các chủ lò gạch thủ công này đa số là dân ở các tỉnh như: Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Giang rủ nhau về đây thầu bãi xây lò.

“Nhà tôi đấu thầu 2,5 mẫu đất làm gạch trong 5 năm. Trước là 50 triệu đồng/mẫu, bây giờ là 100 triệu đồng/mẫu. Hợp đồng ký là 5 năm từ 2005 - 2010 mới hết hạn” - Chị Nhung một chủ lò gạch cho biết.

Điều đáng nói các lò gạch trên đã được một số cá nhân đứng ra ký hợp đồng với UBND xã để khai thác đất làm gạch trong vòng 5 năm, với độ sâu khai thác đất là 5m. Trong khi đó UBND huyện Mê Linh chỉ cho phép khai thác trong vòng 1 năm, với độ sâu khai thác là 2m.

“Do ngân sách của xã quá eo hẹp nên tất cả cán bộ trong xã nhất trí cho các chủ lò gạch đấu thầu khai thác trong 5 năm” - Một cán bộ xã Tráng Việt nói.

Còn khi chúng tôi hỏi về độ sâu khai thác và khoảng cách từ các lò gạch đến bờ sông cho phép thì ông Trần Văn Đảm - Phó Chủ tịch UBND xã Tráng Việt lập luận: “Độ sâu cho phép là 5m, khoảng cách là 1,5km kể từ lòng sông. Còn việc các cá nhân, chủ lò khai thác như thế nào thì tôi chưa nắm rõ nên không thể trả lời”.

Theo ông Vũ Văn Hảo - Chánh Văn phòng UBND huyện Mê Linh, trước những phản ánh của người dân về vi phạm trong việc ký hợp đồng khai thác đất để làm gạch tại xã Tráng Việt, huyện đã cho thành lập đoàn thanh tra tiến hành kiểm tra xử lý.

Hiện ông Ngô Văn Siêm, Chủ tịch UBND xã Tráng Việt đã bị tạm đình chỉ chức vụ 3 tháng (kể từ ngày 2/10), để phục vụ cho việc thanh tra. “Ngoài việc tạm thời đình chỉ chức vụ của chủ tịch xã để phục vụ việc thanh tra, huyện cũng đã ra quyết định đình chỉ  hoạt động các lò gạch ở khu vực này”- Ông Hảo nói.

Dư luận có quyền đặt câu hỏi, những hoạt động xâm hại nghiêm trọng môi trường, tài nguyên đất đai và sức khỏe người dân của các lò gạch ở xã Tráng Việt phải chăng có sự dung túng, thậm chí “bảo kê” từ phía một số người có trách nhiệm?

MỚI - NÓNG