Lộ khoản lỗ gần 1.000 tỷ đồng của đô thị mới An Khánh

Có 22/122 doanh nghiệp thuộc diện giám sát đặc biệt khi SCIC tiếp nhận và trực tiếp đầu tư
Có 22/122 doanh nghiệp thuộc diện giám sát đặc biệt khi SCIC tiếp nhận và trực tiếp đầu tư
TPO - Kiểm toán Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), Kiểm toán nhà nước đã chỉ ra những khoản đầu tư giá trị lớn nhưng chưa có hiệu quả tại Công ty mẹ Vinaconex như Công ty cổ phần xi măng Cẩm Phả, Công ty liên doanh TNHH phát triển đô thị mới An Khánh (An Khánh JVC)…Trong đó, An Khánh JVC lỗ tới gần một nghìn tỷ đồng.

Báo cáo kiểm toán việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu đối với doanh nghiệp và phần vốn do SCIC tiếp nhận và trực tiếp đầu tư, Kiểm toán Nhà nước cho biết, tại thời điểm 31/12/2017, danh mục SCIC đã tiếp nhận hiện còn quản lý là 122 doanh nghiệp với tổng giá trị vốn đầu tư nhà nước theo biên bản ban giao và theo dõi ghi trên sổ sách, báo cáo tài chính là hơn 10 nghìn tỷ đồng.

Trong đó có 22/122 doanh nghiệp thuộc diện giám sát đặc biệt, như Công ty cổ phần xi măng Tiên Sơn, Công ty cổ phần thương mại tổng hợp Bắc Giang, Trường Đại học công nghiệp Vinh… Trong số này có 7 doanh nghiệp đang bắt đầu có lãi hoặc giảm lỗ lũy kế, 4 doanh nghiệp vẫn còn kinh doanh thua lỗ, 3 doanh nghiệp không lập báo cáo quý và 8 doanh nghiệp đã ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh từ lâu và đều đang làm thủ tục phá sản.

Đánh giá việc thực hiện trách nhiệm người đại diện vốn của SCIC tại Vinaconex, FTel, Kiểm toán nhà nước cho rằng, các khoản đầu tư đều tập trung vào các ngành nghề lĩnh vực kinh doanh chính, thực hiện theo quy định. Tuy nhiên, vẫn còn một số khoản đầu tư giá trị lớn nhưng chưa có hiệu quả tại Công ty mẹ Vinaconex như Công ty cổ phần xi măng Cẩm Phả, Công ty liên doanh TNHH phát triển ĐMT An Khánh, Vinaconex ITC, Vinaconex 11… chủ yếu do chi phí lãi vay cao, chênh lệch tỷ giá phát sinh, suy thoái của thị trường bất động sản.

Tại dự án Khu đô thị mới Bắc An Khánh- Vinaconex, dự án chậm tiến độ so với kế hoạch ban đầu, hoàn thành giai đoạn 1 năm 2013 sau đó dừng thực hiện từ cuối năm 2013 đến tháng 6/2016 do phải điều chỉnh quy hoạch. Số lỗ lũy kế đến 30/6/2018 của An Khánh JVC là 965,43 tỷ đồng. Nguyên nhân thua lỗ do đơn vị đang tồn kho 240 căn chung cư từ năm 2013. Ngoài ra, việc dự án phải dừng thực hiện trong 4 năm, trong khi vẫn phát sinh chi phí lãi vay 450,685 tỷ đồng và chênh lệch tỷ giá 728,364 tỷ đồng cho khoản vay 150 triệu USD từ Posco Asia.

Lộ khoản lỗ gần 1.000 tỷ đồng của đô thị mới An Khánh ảnh 2 Khu đô thị Bắc An Khánh tồn kho hàng trăm căn hộ chung cư

Tại FTel, đầu tư vào Công ty TNHH MTV Viễn thông FPT Tân Thuận không có hiệu quả, do phần doanh thu thuê nhà đương đương với giá vốn khấu hao của tòa nhà, các chi phí cho hoạt động chung của tòa nhà không phân bổ cho chi nhánh của FPT Telecom, do đó doanh thu không đủ bù đắp chi phí, dẫn đến kết quả lỗ.

Cùng với đó, tại công ty mẹ Vinaconex có 6 đơn vị đang gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh , 7 đơn vị đã tạm dừng hoạt động.

Theo báo cáo định kỳ hàng năm, SCIC đã có báo cáo Bộ Tài chính. Đến hết năm 2017, SCIC đã thực hiện thoái toàn bộ vốn tại 310 doanh nghiệp, tuy nhiên số nợ chưa thu được là 266 tỷ đồng, trong đó phải thu về cổ phần hóa là 207 tỷ đồng; lãi chậm nộp 33 tỷ đồng… Một số đơn vị còn tồn đọng khoản phải thu lớn chưa thu hồi được như Công ty cổ phần đầu tư xây dựng và thương mại Việt Nam (Contrexim) là 158 tỷ đồng, Công ty cổ phần xuất nhập khẩu tổng hợp II là 11 tỷ đồng, Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Vĩnh Lợi 9 tỷ đồng.

Kiểm toán nhà nước đề nghị SCIC thực hiện và chỉ đạo người đại diện phần vốn nhà nước tại các đơn vị chấn chỉnh công tác quản lý đã được kiến nghị cụ thể tại các biên bản kiểm toán ở từng đơn vị. Thực hiện rà soát lại các khoản đầu tư và thực hiện thoái vốn tại doanh nghiệp hoạt động kinh doanh không hiệu quả…

MỚI - NÓNG